.

Hai vị Tướng dưới chân núi Ngũ Hành

.

Có sự tương đồng giữa Trung tướng Nguyễn Trung Thu, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân khu 5 và Thiếu tướng, liệt sĩ Trần Minh Thiệt, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu. Cả hai đều là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và cùng quê Ngũ Hành Sơn.

Thiếu tướng Trần Minh Thiệt (trái) trong chuyến đi Cù lao Chàm.
Thiếu tướng Trần Minh Thiệt (trái) trong chuyến đi Cù lao Chàm.

Người anh hùng trên đỉnh Sơn Trà

Ngày 25-5-1998, một tin sét đánh báo về Quân khu 5. Thiếu tướng Trần Minh Thiệt, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu hy sinh khi chiếc máy bay trực thăng chở đoàn cán bộ tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam đi công tác bên nước bạn Lào bị rơi tại Xiêng Khoảng. Tro cốt ông được chuyển về sân bay Gia Lâm và sau đó được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cùng gia đình đưa về Đà Nẵng. Ông ra đi trong sự tiếc thương của cả Quân khu khi mới tuổi 52, hứa hẹn còn nhiều đóng góp tài năng cho quân đội.

Trong căn nhà ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (Đà Nẵng), bà Nguyễn Thị Kim Vân, vợ ông vẫn giữ khá nhiều kỷ vật về người anh hùng. Bà nói rằng ông thích chụp ảnh và lưu cất cẩn thận. Tướng mạo ông bên ngoài rất oai nghiêm với dáng người to cao, cằm bạnh, lông mày rậm xếch, giọng nói oang, hơi khàn, nhưng trong hình, tấm nào cũng thấy ông cười thật tươi và hiền, kể cả ở chiến trường K nhuốm màu lửa đạn. Đặc biệt ông rất thích viết.

Trong cuốn hồi ký đang dở dang của mình, ông kể về làng Mân Quang, Hòa Quý, nơi ông sinh ra, về quãng thời gian tham gia biệt động thành Đà Nẵng, rồi tiểu đội trưởng du kích, chiến sĩ Sư đoàn 2, sau đó chiến đấu ở Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Đây là đơn vị ông gắn bó sâu sắc nhất và được tuyên dương anh hùng từ đây. Ông trăn trở, nghĩ suy về cơn lốc cơ chế thị trường đang tràn qua cuộc sống của những người lính lâu nay chỉ biết cầm súng. Mới biết hết ở ông một tấm lòng trung trinh, vì Đảng, vì dân, không màng danh lợi, phú quý cho riêng mình.

Ảnh: ĐẶNG NỞ
Ảnh: ĐẶNG NỞ

Đại tá Phạm Văn Ba, nguyên Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 307 là người có nhiều năm chiến đấu với Thiếu tướng Trần Minh Thiệt từ chiến trường Quảng Trị 1972 đến chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Giọng ông Ba sôi nổi hẳn lên: “Tôi nhớ nhất những ngày thần tốc giải phóng Huế rồi vào Đà Nẵng. Anh là con người quả cảm, luôn được cấp trên tin tưởng giao những mũi then chốt. Ngày ấy tôi là Đại đội trưởng Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, do anh làm Tiểu đoàn trưởng. Sau khi giải phóng Huế, cắm cờ trên Phú Văn Lâu, Trung đoàn 18 tiếp tục đánh Mũi Né, quận lỵ Phú Lộc, đèo Phước Tượng, rồi đèo Phú Gia, Lăng Cô. Những nơi này địch còn mạnh, chống trả rất quyết liệt. Nhưng Tiểu đoàn 8, dưới sự chỉ huy của anh đã chiến đấu dũng mãnh, nhanh chóng làm chủ chiến trường. Trên đường giải phóng Đà Nẵng, anh ngồi trên chiếc xe tăng thứ hai, tiếp theo là chỉ huy Sư đoàn, Quân đoàn rầm rập tiến vào thành phố. Tàn quân địch vẫn còn cố thủ, đơn vị vừa đi vừa chiến đấu, chiếm đèo Hải Vân, giữ được kho xăng Liên Chiểu, vượt cầu Trịnh Minh Thế ra chiếm giữ bán đảo Sơn Trà. Khoảng 13 giờ 30 ngày 29-3-1975, Tiểu đoàn 8 đã chiếm được quân cảng Sơn Trà - quân cảng lớn nhất của quân ngụy ở miền Nam. Anh chỉ huy lực lượng cắm cờ trên đỉnh núi. Không kịp về thăm nhà, đoàn quân chúng tôi tiếp tục đi giải phóng Sài Gòn. Sau chiến dịch, anh được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nhưng đến đầu năm 1976 mới chính thức trao”.

Cựu chiến binh Võ Hương ở Gia Lai nhớ mãi những ngày được Thiếu tướng Trần Minh Thiệt dành sự ưu ái đặc biệt. Ngày đó, Đội trưởng Võ Hương, Đội quy tập liệt sĩ K52 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai thường xuyên vọc trong đất tìm hài cốt liệt sĩ nên hai bàn tay nhiễm độc phù sưng, có người không dám gần. Tại Đại hội thi đua quyết thắng của Quân khu, khi nghe Võ Hương đọc bản thành tích và về căn bệnh anh đang mắc phải, Thiếu tướng Trần Minh Thiệt rơm rớm nước mắt. Giờ giải lao giữa đại hội, ông gọi Võ Hương ra chụp ảnh cùng, cầm bàn tay sưng phù của anh lên kiểm tra, sau đó chỉ đạo các cơ quan đưa anh ra Bệnh viện Quân đội 108 chạy chữa. Bây giờ bàn tay anh Võ Hương đã lành lặn và kỷ niệm ngày nào vẫn in sâu trong tâm khảm.

Tính nóng như lửa của Thiếu tướng Trần Minh Thiệt cả Quân khu đều biết, nhưng Đại tá, nhà báo Lê Anh Dũng lại kể về một chuyến đi mới thấy tính cách khác của người anh hùng. Đó là năm 1990, chiếc xe Bắc Kinh cà rịch cà tang xuống đèo Song Pha (Lâm Đồng) mất thắng lao nhanh. Ngồi trên xe ông hét: “Cứ bình tĩnh, giữ tay lái, cài số lớn”. “Con ngựa” trở chứng đã được ghì cương. Ông cười vang nói với những người trên xe đang hết hồn: “Giày dép còn có số, không việc gì phải lo sợ, cứ bình tĩnh và khôn khéo xử lý, mọi việc sẽ qua”. Nhưng rồi vị tướng làng Mân Quang đã không vượt qua số mệnh khi chuyến công tác ấy ông xung phong đi để nắm địa hình các tỉnh nước bạn có đường biên giới với Quân khu. Ông đã không kịp thực hiện lời hứa với vợ con sẽ về ăn mồng 5 (Tết Đoan Ngọ) hay nắm giữ những cương vị cao hơn ở Bộ Quốc phòng mà ông đã được quy hoạch.

Trung tướng Nguyễn Trung Thu (thứ ba từ phải qua) với các cựu nữ quân nhân Sư đoàn 2.
Trung tướng Nguyễn Trung Thu (thứ ba từ phải qua) với các cựu nữ quân nhân Sư đoàn 2.

Cây xương rồng trên cát

Trung tướng Nguyễn Trung Thu, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nói rằng, quê ông là Hòa Hải nhưng gốc gác từ Hòa Quý bởi trước Cách mạng Tháng Tám, làng Tân Lưu từ Hòa Quý tách ra. Cha ông là cán bộ Huyện đội Hòa Vang, sau khi “lủng” Mặt trận Non Nước, đã đưa vợ lúc này đang mang thai đứa con đầu là cậu bé Thu vào xã Bình Dương (Thăng Bình, Quảng Nam) bám nghề làm biển, đồng thời tiếp tục bí mật hoạt động cách mạng. Đó là năm 1952. Người Hòa Hải vào Bình Dương khi ấy khá đông, lập thành làng. Vậy là tuổi thơ ông gắn bó với xã Bình Dương, đánh giặc cũng ở đây và được tuyên dương anh hùng từ vùng đất này. Quê hương bản quán dẫu xa cách vẫn không bao giờ đứt quãng trong ông. Mọi giấy tờ của ông đều ghi quê Hòa Hải. Còn nhớ mỗi lần giỗ chạp, khi còn bé, cha hoặc mẹ cõng ông lội mấy nỗng cát về làng cũ thăm nội, ngoại và họ hàng.

Trung tướng Nguyễn Trung Thu nói rằng, lòng căm thù giặc của ông sâu sắc nhất khi chứng kiến gần 100 lính Mỹ sau khi càn quét tất cả trần như nhộng tồng ngồng chạy xuống biển tắm trước mặt dân làng. Ông cho rằng, hình ảnh phản cảm đó thể hiện văn hóa phi nhân tính của một đội quân xâm lược tự cho là đi khai phá văn minh ở nước khác. Khi là chỉ huy Đoàn 5503 làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, ông luôn căn dặn chiến sĩ của mình giữ gìn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, làm sao để lại ấn tượng tốt đẹp với nhân dân nước bạn, thực sự là “đội quân nhà Phật” như đồng bào vẫn yêu mến gọi. Có lẽ vì thế mà bà mẹ Campuchia Phiu Ma Ly đã coi ông như con đẻ, thương yêu hết mực. Và câu chuyện về Tư lệnh Quân khu 5 tặng gia đình bức tượng bà mẹ Phiu Ma Ly bằng đá trắng Non Nước đã làm cho không chỉ nhân dân thành phố Strung-cheng cảm động mà nhiều người dân Campuchia biết đến. Lòng đa cảm của của ông biến thành việc làm cụ thể khi vận động các tổ chức, doanh nghiệp làm nhà tình nghĩa, nhà đồng đội cho nữ cựu quân nhân Sư đoàn 2, Tiểu đoàn vận tải Bà Thao 232. Ông chỉ đạo quyết liệt để tất cả các tỉnh trong Quân khu đều tổ chức gặp mặt, tri ân các nữ cựu quân nhân trong địa phương mình, không để ai bị thiệt thòi, nghèo khổ.

Nhắc đến ông, cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5 lại nhớ đến vị tướng đi chống bão lụt. Còn nhớ năm 2009, trận bão số 11 bất ngờ ập tới, Trung tướng Nguyễn Trung Thu vừa chỉ đạo các đơn vị huy động lực lượng giúp dân phòng tránh bão ở các hướng, vừa lệnh cho bộ phận hậu cần mua thêm 200 thùng mì ăn liền chất lên xe. Ông đi về kiểm tra tình hình bão, lũ và cứu trợ đồng bào Mân Quang, Khuê Mỹ (phường Hòa Quý) đang bị lũ cô lập. Khi xe tới bến đò Hòa Quý thì mưa nặng hạt thêm, gió thổi mạnh. Tư lệnh cùng cán bộ chất đầy mì tôm lên 2 chiếc ca-nô băng qua hệ thống dây điện chằng chịt, len lỏi giữa những lùm cây ngập nước để đến nhà văn hóa cộng đồng Mân Quang. Trên nhà gần 100 người dân (trong đó có 13 cụ già và 10 em bé) đón nhận những thùng mì tôm cứu đói từ tay Tư lệnh, mọi người cảm động không nói nên lời.

Chuyện “ly kỳ” nhất phải kể đến vụ giải cứu cụ già Phan Cao Chúc (xã Nam Giang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) bị mắc kẹt trên cành cây cao 15m giữa lòng sông Ba nước chảy như thác do lũ tràn về. Nghe tin, Tư lệnh Nguyễn Trung Thu tức tốc có mặt tại hiện trường, điều trực thăng của Sư đoàn Không quân 372 đến cứu. Nhưng do thời tiết xấu, đồng thời cụ già quá sợ hãi nên không thành. Để cụ già vững tâm hợp tác với bộ đội, ông lệnh các lực lượng dùng ròng rọc vận chuyển lương thực, đưa cả điện thoại di động để cụ giữ liên lạc. Phương án cuối cùng được ông sử dụng, đó là điều động loại súng đặc chủng (súng bắn dây) của lực lượng đặc nhiệm bắn vào thân cây. Một chiến sĩ men theo dây ra, đưa cụ già xuống cây và dìu vào bờ. Cuộc cứu nạn căng thẳng, suốt 3 ngày 2 đêm, ông nói không đáng gì so với cảm giác trút hết nỗi lo, cứu được người dân an toàn

Lại nhớ năm 2009, có 40 người dân huyện O-za-dao tỉnh Rat-ta-na-ki-ri, Campuchia bị lũ cô lập. Nhận được đề nghị giúp đỡ của bạn, Trung tướng đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai phối hợp với Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng, Sư đoàn Không quân 372, Binh đoàn Tây Nguyên lập tức giải cứu, đồng thời tổ chức vận chuyển trên 10 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, giúp nhân dân huyện này ổn định cuộc sống. Thủ tướng Hun Sen đã đánh giá cao hành động này của Quân khu 5.

Tham gia du kích từ thuở lên 10, đi bộ đội tuổi 15 và sống qua nhiều vùng đất trên đường binh nghiệp nhưng ông lại nhớ nhất những lần vượt mấy nỗng cát về làng Tân Lưu, Hòa Hải. Kỷ niệm ấy gắn liền với người cha liệt sĩ, với quê hương yêu dấu mà từ đó ông trở thành vị tướng.

HỒNG VÂN

;
.
.
.
.
.