Báo Đà Nẵng xuân 2017
Tết đoàn viên
Đến từ những quốc gia khác nhau nhưng họ đã chọn và gắn bó với thành phố Đà Nẵng. Có người nhiều lần đón Tết Việt, có người chưa từng biết đến hương vị Tết nhưng tất cả đều cảm nhận rằng, Tết cổ truyền của Việt Nam là dịp đoàn viên.
Ảnh: SÂM NGỌC |
Ông Matthias Weismann (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc Điều hành Furama Resort Đà Nẵng: Gia đình là điều trân trọng nhất
Với những người làm lĩnh vực du lịch, khách sạn ở Việt Nam, Tết là thời điểm bận rộn. Vì vậy, Tết nào tôi cũng ở Đà Nẵng cùng các đồng nghiệp chăm lo cho khách hàng của mình. Tôi đã đón 12 cái Tết Việt. Tết Nguyên đán là nét độc đáo của Việt Nam, là dịp gia đình sum họp. Ở Thụy Sĩ và nhiều nước phương Tây khác, Giáng sinh là dịp để gia đình quây quần. Tất cả chúng ta đều giống nhau, ở nơi nào thì gia đình cũng là điều trân trọng nhất.
Tết năm nay, tôi sẽ cùng các đồng nghiệp tổ chức phiên chợ Tết quê, mâm cúng tiễn ông Táo về trời… cho toàn bộ du khách khu nghỉ dưỡng. Những phong tục truyền thống này thật nhiều ý nghĩa.
Ông Amir Ahmad Mohamad (Singapore), tư vấn quản lý khách sạn tại Vicoland’s Risemount Hotel & Resort: Ngày Tết thật tuyệt vời!
Tết Việt là thời gian đặc biệt đối với tôi, bởi tôi có thể gặp gỡ nhiều bạn bè của mình. Đặc biệt, thức ăn trong những ngày này rất tuyệt vời. Mỗi dịp Tết đến, tôi lại cảm thấy mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn với mình.
Tôi đã sống ở Việt Nam 10 năm, trong đó có 1 năm ở Pleiku, 1 năm ở Hải Phòng và 8 năm ở Đà Nẵng. Tôi hy vọng sẽ sống và làm việc ở Việt Nam càng lâu càng tốt. Người dân Việt Nam rất tuyệt, tôi không thể tưởng tượng mình sẽ sống và làm việc ở bất cứ nơi đâu khác, ngoại trừ Việt Nam.
Thammanouvong Vanida, du học sinh Lào tại Đà Nẵng: Mong được ở lại Đà Nẵng đón Tết
Tôi đã nghe nói nhiều về Tết cổ truyền của Việt Nam, một dịp rất đặc biệt của người Việt. Trước Tết, mọi người lo sắm sửa, trang hoàng nhà cửa. Trong những ngày Tết, gia đình sum họp bên nhau, trẻ nhỏ được nhận tiền mừng tuổi, người già được chúc thọ, người lớn thăm viếng nhau để gắn kết tình yêu thương.
Những ngày mới đến Đà Nẵng, tôi lo lắng và cảm giác thành phố này thật xa lạ. Tuy nhiên, sau thời gian sinh sống và học tập tại đây, tôi thấy yêu thành phố xinh đẹp này, yêu sự thân thiện và gần gũi của người dân địa phương. Tôi đang là sinh viên năm thứ hai, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), có thời gian sống ở Đà Nẵng nhưng chưa được đón Tết truyền thống của Việt Nam. Tôi hy vọng năm nay sẽ được ở lại đón Tết. Tôi cũng muốn cả gia đình mình từ Lào đến Đà Nẵng để cùng đón Tết.
Jane Hewawasan (Đức), Giám đốc bộ phận Buồng phòng và Dịch vụ khách hàng Furama Resort Đà Nẵng: Kết hợp truyền thống và hiện đại
Tôi làm việc tại Đà Nẵng từ năm 2011, thường về Đức vào dịp trước hoặc sau Giáng sinh, sau đó quay lại đón Tết ở Đà Nẵng. Điều làm tôi thích nhất ở mảnh đất Đà Nẵng chính là người dân bản địa. Họ có trái tim nồng ấm, chân thành và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Tết Nguyên đán của Việt Nam chỉ khác dịp Giáng sinh ở Đức về thức ăn, còn lại thì giống nhau, vì đây cũng là kỳ nghỉ để gia đình gặp gỡ, cùng nhau đi ăn uống, mua sắm, đi tới những phiên chợ mùa lễ hội. Những ngày người người, nhà nhà tất bật chuẩn bị cho đêm Thánh cũng giống hệt những ngày giáp Tết tại Việt Nam. Dịp Tết, người Việt thường đi lễ chùa, thăm họ hàng nhưng họ cũng rất mở lòng với người nước ngoài như tôi. Tôi thích cách người Việt kết hợp cả yếu tố truyền thống lẫn hiện đại trong dịp Tết.
THU HÀ - KHANG NINH thực hiện