.

Tìm về nguồn cội

.

Suốt 3 tháng nay, ngày nào mọi người ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) cơ sở 3 (huyện Hòa Vang) cũng thấy một cô gái mảnh khảnh 21 tuổi, mang cái tên “Việt-Mỹ” Loan Heilner đến dạy tiếng Anh và vui chơi, chăm sóc trẻ em bất hạnh nơi đây.

Cô gái này quyết định dành 3 tháng trong học phần tự chọn của trường đại học tại Mỹ để trở về Việt Nam làm những công việc cô cho là ý nghĩa.

Loan Heilner (giữa) dạy vẽ cho trẻ em ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam cơ sở 3 (huyện Hòa Vang).
Loan Heilner (giữa) dạy vẽ cho trẻ em ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam cơ sở 3 (huyện Hòa Vang).

“Cô giáo” đặc biệt

Từ sáng sớm, Loan Heilner đã theo chuyến xe chở các trẻ em NNCĐDC lên Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC cơ sở 3. Cô gái mang dòng máu Việt nhưng lớn lên ở Mỹ tỏ ra khá vui vẻ và xôm trò khi không ngớt bày nhiều trò chơi cùng các em ngay trên xe. Không chỉ dạy tiếng Anh, Loan Heilner còn cùng ăn, cùng ngủ, cùng các em trồng rau, làm nhang, xâu cườm… trong 3 tháng tại Trung tâm.

“Các em ở đây rất dễ thương và biết làm nhiều việc dù thân thể dị tật”, Loan nói bằng vốn tiếng Việt lơ lớ vừa học được. Loan cho biết, trước khi đến đây, cô không thể hình dung về thứ chất độc có tên màu da cam lại khiến con người phải chịu đựng nỗi đau ghê gớm đến như vậy. Thương các em, Loan lại càng khâm phục thái độ sống lạc quan, nghị lực vượt khó của các nạn nhân da cam và các cán bộ, nhân viên ở Trung tâm. Lũ trẻ ở đây cũng tỏ ra quyến luyến người chị, người cô đáng yêu này. Cứ sáng sớm, Niên - cậu bé 10 tuổi bị bại não, tay chân co quắp, bò tìm chị Loan nếu chưa thấy cô đến. Loan không chỉ giúp Niên uống sữa, chơi bóng mà còn dạy em đọc số, đọc chữ trên điện thoại. Mặc dù thân hình dặt dẹo do ảnh hưởng của chất độc da cam, bé Niên vẫn rất lanh lợi và hiểu biết, tiếp thu khá nhanh những hướng dẫn của Loan.

Loan bảo, ở Trung tâm, mỗi em mỗi hoàn cảnh nhưng thương nhất là Phương (6 tuổi) bởi cậu bé gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Từ khi mới sinh ra, Phương đã không có ruột nên phải cần Loan và các cô giúp đỡ rất nhiều mỗi khi em muốn vệ sinh. Bồng bế, giúp Phương từng miếng ăn, giấc ngủ trở thành việc làm quá quen thuộc của Loan ở Trung tâm trong những ngày này. Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội NNCĐDC Đà Nẵng cho biết: “Loan rất chịu khó, không ngại hay nề hà bất cứ việc gì, thậm chí cả việc vệ sinh cho những bé bị liệt nằm một chỗ. Cô rất hòa đồng và vui vẻ, thích chơi đùa với các em ở đây. Có những ngày Loan ốm chưa lên Trung tâm được là tụi nhỏ buồn lắm, cứ chạy ra chạy vào hỏi “cô giáo” Loan đâu rồi, sao chưa lên chơi”.

Loan Heilner và mẹ ruột.
Loan Heilner và mẹ ruột.

Sẽ trở về Việt Nam

Không phải ngẫu nhiên một cô gái từ nhỏ đến lớn sống trong điều kiện đầy đủ vật chất, chưa từng biết sức hủy hoại của chiến tranh lại có sự đồng cảm sâu sắc đến như vậy với những mảnh đời bé nhỏ bất hạnh. Bản thân cái tên “Việt-Mỹ” Loan Heilner đã phần nào ẩn chứa số phận xuyên biên giới của cô gái trẻ này.

21 năm trước, Loan được bà Hà Thị Trinh sinh ra ở mảnh đất Điện Bàn, Quảng Nam. Con lọt lòng cũng là lúc người chồng rời bỏ bà theo người khác. Cuộc sống quá khó khăn, túng quẫn, bà Trinh quyết định cho đi đứa con gái còn đỏ hỏn. Nhờ sự kết nối của Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi ở Hội An, bé Loan được gia đình bà Pam Heilner (người Mỹ) nhận nuôi, coi như con đẻ và đặt tên Loan Heilner.

Bà Pam Heilner cũng có 2 người con trai ruột và bà luôn dạy bảo các con phải thương yêu Loan như em gái của mình. Sống trong tình yêu thương ấm áp của gia đình người phụ nữ Mỹ, nhưng càng lớn, Loan càng cảm nhận rõ sự khác biệt về ngoại hình của mình với ba mẹ và các anh trai. Khi đã đủ lớn khôn, cô luôn hỏi ba mẹ về gốc gác của mình. Những câu chuyện chắp nối trong ký ức xa mờ của bà Pam Heilner chỉ đủ cho cô bé mường tượng về một nơi nào đó xa xôi nhưng dường như lại rất đỗi thân quen. Trong hình dung của Loan, Việt Nam là một đất nước từng trải qua đau thương chiến tranh và bây giờ đang vươn lên trong gian khó. Dòng máu Việt cứ thế thôi thúc cô tìm về.

Lên 9 tuổi, Loan nhất quyết đòi bà Pam Heilner dẫn về Việt Nam để tìm nguồn cội. Dù có biết đôi chút thông tin gia đình ruột thịt nhưng cô bé vẫn không thể mường tượng cuộc sống của mẹ đẻ lại khó khăn đến thế. Trong căn nhà cấp 4 tồi tàn, bà Hà Thị Trinh (nay đã 50 tuổi) sống cùng người con trai đầu mang cái tên rất buồn: “Hận”. Nỗi đau từ cuộc hôn nhân đổ vỡ, cộng thêm sự dằn vặt khôn nguôi khi cho đi đứa con gái nhỏ khiến bà đổ bệnh. Trong cuộc mưu sinh cùng cực với nhiều nỗi khổ đau ấy, bà Trinh không nguôi nhớ về con nhưng bà chẳng có cách nào khác ngoài đôi dòng địa chỉ mơ hồ ở trời Tây xa lắc. “Mẹ vẫn thường nhắc về Loan và bảo không biết giờ này nó thế nào, sống có tốt không. Rồi mẹ lại tự trách mình…”, Nguyễn Đức Hận – anh trai Loan bộc bạch.

Bởi vậy, sau bao nhiêu năm gặp lại, dù đã được báo trước nhưng bà Trinh vẫn nghẹn lời. Còn Loan, dự định trong lòng biết bao câu hỏi, biết bao nỗi niềm nhưng khi gặp mẹ, em cũng quên hết tất cả, để rồi chỉ có những dòng nước mắt tuôn trào cùng hai tiếng: “Mẹ, mẹ…”.

Từ lần đó, cứ 2 năm một lần, Loan lại về Việt Nam thăm mẹ đẻ. Những cuộc gặp gỡ bao giờ cũng chóng vánh. Hai mẹ con lại không nói được nhiều với nhau do bất đồng ngôn ngữ. Thế nhưng, với họ, như thế là quá đủ bù đắp cho bao năm xa cách.

Bé Loan ngày nào giờ đã trở thành cô sinh viên năm 3 của Trường Đại học Colby College (Mỹ). Tháng 10-2016, Loan Heilner quyết định dành toàn bộ thời gian 3 tháng trong học phần tự chọn để về Việt Nam thăm mẹ, kết hợp học tiếng Việt và làm việc gì đó cho đất nước nơi cô sinh ra. Loan cho biết, cô dự định xin phép ba mẹ nuôi trở về định cư tại quê nhà, nơi có người mẹ nghèo luôn ngóng trông và nơi cô có thể sẻ chia những kiến thức y khoa mình học được để chữa bệnh cho mẹ và những người có hoàn cảnh khó khăn.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.