Có nhiều người nghe chuyện một số người “bình dân” ở Nam Bộ thường cúng Rằm bằng một đĩa trái cây với 4 thứ: mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài (có khi thay bằng mấy hạt tiêu) với ý nghĩa “cầu vừa đủ xài” thì cho đó là chuyện đùa, kể cho vui. Nhưng sự thật không phải là không có. Nhiều việc lớn lao hơn tưởng là rất “bác học” lại cũng xuất phát từ những suy nghĩ rất bình dân, đơn giản như vậy. Điều này bắt nguồn từ văn hóa của người Trung Hoa mà chúng ta bị ảnh hưởng, đó là tập quán lấy hình ảnh của những sự vật mà tên gọi đồng âm với những hiện tượng tốt đẹp để làm biểu tượng cho chính hiện tượng đó.
Nhiều nơi người ta không dùng trái măng cụt để cúng vì chữ “cụt”, có nghĩa là cắt đứt. Cụt đuôi, cụt vốn… Hoặc học trò đi thi, nhà nghèo thường được cho ăn các loại đậu, nhà giàu thì ăn cua, nhất là cua gạch, vì trong tiếng Hán con cua gọi là giải. Đi thi ăn “đậu” thì đỗ, ăn “giải” thì thế nào cũng có “giải” hoặc đỗ giải nguyên. Điều này không chỉ là chuyện “ăn chi bổ nấy” như dân nhậu hay nói mà còn với ý “ăn chi được nấy” như suy nghĩ của dân gian. Hay người ta thường bán đấu giá được rất cao những biển số xe, những số điện thoại có 8 nút. Người mua là những thương nhân, nhà doanh nghiệp giàu có và cả những nhà trí thức… Nguyên nhân chính là vì số 8 trong chữ Hán đọc là bát. Âm “bát” đọc như “phát”. Mà “phát” (展)có nghĩa là phát đạt, đi lên. Người ta thường nghĩ sở hữu một biển số xe, một số điện thoại như vậy sẽ có nhiều cơ may giàu có, quyền quý hơn. Trong các đình chùa, đền miếu, nhà thờ tộc, lư đồng, tiền cổ, thường có khắc hình con dơi, một loại gặm nhấm, đi kiếm ăn vào ban đêm. Nguyên nhân chính là vì dơi tiếng Hán là biên phúc (蝙蝠) hay phúc thử . Người Bắc Kinh phát âm chữ “phúc” (蝠.) là “fú” đồng âm với phú (富) là giàu có; người Quảng Đông phát âm là “phúc”(蝠) đồng âm với chữ phúc đức, hạnh phúc (福) là điều may mắn được hưởng trên đời. Như vậy con dơi là biểu tượng của cả sự giàu có lẫn những điều may mắn được hưởng trên đời.
Tết là những ngày đặc biệt nhất trong năm, những ngày khởi đầu của một chu kỳ. Những ngày này cái gì cũng phải tốt đẹp. Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt. Vì thế những ngày Tết cần phải có những biểu tượng đẹp, đầy ý nghĩa. Đó là lý do vì sao trong ngày Tết ở nước ta thường có nhiều tập quán đặc biệt.
Cây mai không thể thiếu trong ngày Tết của người dân các tỉnh phía Nam. Ngoài lý do là loài cây rất phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng phía Nam, nơi có khí hậu cận xích đạo gió mùa, nở vào những ngày đầu Xuân với sắc vàng rực rỡ tượng trưng cho sự giàu có, phát đạt. Cây mai được nhà nhà chưng vào ngày Tết còn vì cách phát âm chữ “mai” trong cây mai lại rất gần với chữ “may” trong may mắn. Một số địa phương, nhiều người già lại hay đọc hoàn toàn chữ mai thành chữ may nên “cây mai” đọc thành “cây may”.
Ngoài việc chưng cây mai, cây quất cũng được chưng rất phổ biến trong nhà người Việt Nam vào ngày Tết vì một cây quất ngày xuân có đủ cả lá, hoa, quả. Trên cành có rất nhiều lá màu xanh là màu của hy vọng, quả màu vàng là màu của giàu sang, hoa màu trắng thơm ngát là biểu tượng của “lộc” (ân sủng của đời) . Người xưa quan niệm với một cây quất trong ngày đầu năm là đã tràn đầy niềm hy vọng về những “kết quả” có giá trị như vàng… Người Tàu lại phát âm chữ “quất” rất gần với chữ “cát” hoặc chữ “phát”. Mà “cát” (吉) nghĩa là tốt đẹp, phát (展)có nghĩa là đi lên, phát đạt, phát triển. Chưng một cây quất sây quả có đầy đủ hoa lá trong ngày Tết là đã thể hiện được hết những ước mong bình thường nhưng rất quan trọng cho một năm mới.
Đầu năm dân ta nhất là người miền Bắc thường đi hái lộc vào dịp giao thừa hay sáng mồng một. Hái lộc là bẻ một nụ non của cây vừa mới mọc ra từ thân, cành.
Với khí hậu nhiệt đới gió mùa có một mùa đông lạnh của miền Bắc, vào mùa đông một số cây bị rụng lá chỉ còn trơ lại những cành cây khẳng khiu, đưa lên trên bầu trời xám xịt. Sang xuân khi thời tiết ấm lên, nhựa nguyên mới dẫn lên nuôi cây được và cây bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Những “lộc” (樚), tiếng Nôm có nghĩa là nụ non mới nhú biểu trưng cho một sức sống mới mãnh liệt vượt qua “cõi chết” của mùa đông lạnh giá. Hái một nụ non mới nhú là đem về nhà một sức sống mới của mùa Xuân, của đất trời. Ngoài ra, cũng theo tín ngưỡng dân gian, lộc trong nụ non lại đồng âm với lộc (祿)trong phúc lộc là tiền bạc của cải được nhà vua ban cho hoặc người dân hiến tặng do công sức của các quan đem lại. Người ta muốn hái cái lộc này (樚) để được cái lộc kia (祿).
Cũng trong suy nghĩ đó bên cạnh việc sử dụng những biểu trưng tốt đẹp, người Việt ta cũng tránh những biểu tượng có ý nghĩa không tốt. Vào ngày Tết, nhiều nơi người ta không tặng nhau bánh tét vì bánh tét không gọi là chiếc, cái như những loại bánh khác mà gọi theo hình tượng của nó là “đòn”. Chữ “đòn” trong đòn bánh tét lại đồng âm với chữ “đòn” trong đòn roi (bị đánh người ta gọi là bị đòn. Nhiều nơi còn ví von bị đánh là bị cho ăn bánh tét).
Với cách nghĩ như vậy có lẽ năm nay bức tranh gà trống và hoa mào gà là món quà chúc Tết rất ý nghĩa, được nhiều người mua tặng nhau bởi vì năm nay là Đinh Dậu, tuổi gà. Tiếng Hán cái mào gà được goi là quan (官), cũng còn có nghĩa là chiếc mũ hay ông quan. Con gà trống và hoa mào gà biểu thị cho câu quan thượng gia quan (官 上 加 官) hàm ý được thăng quan tiến chức liên tục một cách mau lẹ. Có lẽ tết con à này không có lời chúc nào ý nghĩa hơn.
LÊ THÍ