Đà Nẵng và phần hồn của thành phố

.

Phải khẳng định điều này: văn hóa và đặc biệt là văn học-nghệ thuật, đã góp phần rất quan trọng tạo nên “phần hồn” của một vùng đất. Phần hồn ấy có đa sắc màu, có làm nên sức thu hút, có thấm vào lòng người, lòng đất quê hương như “rượu hồng đào chưa nhấm đà say” hay không, tùy thuộc hoàn toàn vào sự vận hành của vùng đất ấy.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm.  Ảnh: LÊ THỌ
Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: LÊ THỌ

Đà Nẵng bây giờ đã được người trong cả nước xem là “thành phố đáng sống”. Thành phố đáng sống cho mỗi cư dân, mỗi con người có lần tới nơi này, trước hết phải là thành phố đáng sống cho chính nó. Thành phố ấy phải toát lên thần thái đầy sức sống, sinh động nhưng thân thiện, thu hút nhưng luôn khiến người ta khát khao khám phá và luôn phải có một khoảng bí ẩn mờ ảo nào đó kích thích sự tìm tòi và suy nghĩ từ mỗi con người, nhất là người trẻ. Chỉ có tri thức, văn hóa và văn nghệ tạo nên được điều đó.

Tôi đã từng có may mắn được sống ở Đà Nẵng trong ba năm, từ năm 1976 tới 1979, ở Trại sáng tác văn học Quân khu 5. Đây là một trại sáng tác được thành lập sớm nhất trong cả nước sau hòa bình, với mục đích ban đầu là để có được những tác phẩm văn học-nghệ thuật về đề tài chiến tranh.

Nhưng trong quá trình vận hành, trại sáng tác này còn đi xa hơn thế, khi nó tạo điều kiện để có một lớp nhà văn đúng nghĩa, những nhà văn không chỉ viết về chiến tranh, mà viết về muôn mặt của đời sống, trong đó có thành phố Đà Nẵng.

Có thể trong những năm tháng ấy Đà Nẵng chưa phát triển về vóc dáng thành phố cũng như về kinh tế, nhưng nó đã nuôi dưỡng một trại sáng tác văn học với những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ (chỉ thiếu nhạc sĩ) sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị. Những tác phẩm ấy nằm trong mẫu số chung của văn hóa Đà Nẵng, nằm trong phần hồn của thành phố Đà Nẵng.

Trong thời gian ở trại sáng tác này tôi coi là thời gian thoải mái và hứng khởi nhất của mình. Tôi yêu Đà Nẵng và thành phố này còn lại trong tôi sau rất nhiều năm xa cách. Mọi tác phẩm văn học-nghệ thuật đều bắt đầu từ tình yêu, từ cảm xúc.

Không thể thiếu tình yêu, thiếu cảm xúc mà có tác phẩm hay được. Tình yêu ấy phải được tạo dựng từ  hai phía: chủ thể sáng tạo và khách thể tiếp nhận.  Sau này, khi không còn trại sáng tác ngày ấy, thì vẫn còn những nhà văn, nhà thơ, những người đã từng gắn bó với Đà Nẵng và luôn quan tâm về sự phát triển của thành phố này. Nhà văn Thái Bá Lợi, nhà thơ Thanh Quế được coi là những người gắn bó với Đà Nẵng tới mấy chục năm, cho tới tận bây giờ.

Họ không phải quê Đà Nẵng, nhưng đã yêu thành phố này như yêu quê hương mình. Dĩ nhiên, muốn có tác phẩm hay thì phải có tài năng, nhưng tài năng không phải từ trên trời rơi xuống. Nó có thể nảy sinh tình cờ, nhưng phải được nuôi dưỡng đầy chủ ý và thiện tâm. Không cần bất cứ sự chăm sóc nào cũng vẫn có những nhà văn nghệ tài năng, nhưng nếu có sự chăm sóc, thì có thể thêm người có tài và tài năng của họ có điều kiện để đi xa hơn.

Bài chòi đầu xuân. Ảnh: SÂM NGỌC
Bài chòi đầu xuân. Ảnh: SÂM NGỌC

Không có giới hạn nào cho tài năng, nhưng sự chăm sóc luôn có giới hạn. Những người làm văn hóa văn nghệ rất hiểu điều đó và họ không hề đòi hỏi gì quá đáng. Nhưng họ cần một môi trường cởi mở để sáng tạo, cần sự động viên và chia sẻ ấm áp để những tác phẩm có thể ra đời.

Như thế, cái họ cần đầu tiên không phải là tiền đâu, mà là cái tình. Ngày mới hòa bình, chính cái tình của nhà văn Nguyễn Chí Trung và nhà văn Nguyên Ngọc đã tập hợp được những nhà văn tứ xứ về Trại sáng tác văn học Quân khu 5 và chính cái tình là sự nâng đỡ rất lớn về tinh thần để những nhà văn sáng tác. Hồi ấy rất khổ, nhưng tôi không nghe trại viên nào kêu khổ. Trong sáng tạo, sự tự do phải được đặt lên trước những điều kiện vật chất. Chúng tôi đã được tự do sáng tạo.

Một thành phố không phải là một pháo đài biệt lập, dù Đà Nẵng trong quá khứ đã hai lần phải trở thành pháo đài chống quân xâm lược. Trong thời mở cửa, thành phố này luôn có tâm thế của một thành phố không chịu tụt hậu. Đà Nẵng đã lột xác về nhiều mặt, nhưng về mặt văn hóa văn học-nghệ thuật thì dường như chưa xứng tầm. Làm sao để “phần hồn” trở nên không chỉ tương xứng, mà phải dẫn đạo cho “phần xác”? Cái này không chỉ Sở Văn hóa-Thể thao hay Liên hiệp Hội Văn học-Nghệ thuật đơn thân làm được, mà cần sự chung tay của toàn thành phố, của nhân dân và lãnh đạo thành phố.

Đà Nẵng vì sao vẫn chưa có một dàn nhạc giao hưởng cổ điển? Đã có Nhà hát Trưng Vương, nhưng xây dựng một dàn nhạc giao hưởng là câu chuyện khác. Dù bây giờ âm nhạc đương đại, âm nhạc thị trường đang lấn át mạnh mẽ, nhưng âm nhạc cổ điển không bao giờ mất giá. Tại các thành phố lớn trên thế giới, dàn nhạc giao hưởng là niềm tự hào và là thương hiệu tinh thần của thành phố. Nếu Đà Nẵng xây dựng được một dàn nhạc giao hưởng, thì dần dần sẽ có lớp khán giả nghe nhạc cổ điển. Nhiều gia đình khá giả ở Đà Nẵng đã cho con em học các nhạc cụ cổ điển như piano, violon, các loại kèn... từ nhỏ. Đó chính là lớp khán giả trẻ tinh hoa của âm nhạc cổ điển. Khi đã có một dàn nhạc giao hưởng có tiếng, một nhà hát giao hưởng bề thế, ấy là khi Đà Nẵng vững chắc một thương hiệu văn hóa-nghệ thuật.

Biểu diễn ba-lê tại Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Biểu diễn ba-lê tại Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Cùng với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, nghệ thuật diễn xướng dân gian như bài chòi rất cần được tổ chức những lễ hội thường xuyên ngoài trời như cách Hội An đã làm rất thành công.

Đà Nẵng đã có một báu vật văn hóa nghệ thuật là Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Có hai báu vật địa - văn hóa là sông Hàn và bán đảo Sơn Trà. Hai báu vật này cần được bảo vệ, đừng phá hoại tức là đã bảo vệ. Bảo tàng thiên nhiên đặc biệt như bán đảo Sơn Trà có thể mang lại thương hiệu lớn cho Đà Nẵng.
Thành phố đáng sống phải là thành phố có văn hóa. Vì sao thành phố Vienna của Áo trở nên thành phố đáng sống nhất trên thế giới theo bình chọn năm 2016? Vì đó là một trung tâm âm nhạc lớn của thế giới, chủ yếu là nhạc cổ điển, là thành phố có sự hòa điệu thanh bình bậc nhất thế giới hiện nay. Cư dân ở đó đều có văn hóa cao, dĩ nhiên không tính theo bằng cấp và họ sống rất nhân ái, hài hòa với nhau và với thiên nhiên. Họ không vì tiền mà phá hoại thiên nhiên, làm ô nhiễm môi trường. Họ cho thấy văn hóa, văn học nghệ thuật quan trọng thế nào với cuộc sống con người.

Đà Nẵng không phải là Vienna, nhưng Đà Nẵng hoàn toàn có đủ khả năng để trở nên một thành phố có văn hóa, có cuộc sống hòa điệu với thiên nhiên và giữa con người với nhau.

Đã có “giao hưởng cầu sông Hàn”, bây giờ thì cần một dàn nhạc giao hưởng. Không phải những khách sạn cao tầng làm nên gương mặt và tâm hồn một thành phố, mà những công trình văn hóa nghệ thuật, lối sống văn hóa, những nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà điêu khắc... mới làm nên phần đáng nhớ lâu bền nhất của một thành phố.

Tôi yêu và tin trong một tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ là thành phố văn hóa-nghệ thuật thực sự đáng sống.

THANH THẢO

;
.
.
.
.
.