Đà Nẵng, từ 1858 đến APEC 2017

.

Trước thềm Xuân 2018, có dịp qua Đà Nẵng, thấy tôi “ngơ ngẩn” dừng bước bên cầu Sông Hàn khá lâu, một bạn văn đùa hỏi: “Ông già tơ tưởng người tình nào đó?”. Tôi bừng tỉnh và chỉ cười. Làm sao có thể diễn đạt vắn tắt những nỗi niềm như sóng biển chợt ùa đến, đang khiến tôi xáo động trong lòng? Một lát, tôi nói: “Bạn không nhớ à? Tôi từng là người làm cầu mà. Nay thấy cầu đẹp là mê…”. Phải! Từ 60 năm trước, tôi từng góp sức xây cầu trên đất Lạng Sơn, Hà Tây quê lụa, rồi những chiếc cầu trên đường số 7 cheo leo ở miền tây xứ Nghệ cho đến các nhịp cầu trên đường lên đèo Mụ Giạ miền tây Quảng Bình trong chống Mỹ…

Đô thị Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: NGUYỄN NGỌC QUANG
Đô thị Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: NGUYỄN NGỌC QUANG

“Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta…”. Đó là lời một bài hát quen thuộc vì nhịp cầu sinh ra để “nối những bờ vui”. Với những cây cầu đẹp trên sông Hàn thì điều đó càng nổi bật. Nhưng với tôi, nhịp cầu còn gợi nhắc đến hình tượng nối những khoảng cách thời gian, những cột mốc lịch sử. Như lúc đứng trên cầu Sông Hàn nhìn ra cửa biển vào thời điểm này, không thể không nhớ đến sự kiện năm 1858 - một cột mốc không thể quên, không chỉ với Đà Nẵng, đồng thời chứng tỏ tầm quan trọng của thành phố cửa biển đang ngày đêm hướng ra Biển Đông. Ngày 1-9-1858 là thời điểm thực dân Pháp kéo 14 tàu chiến với 3.000 quân tiến vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam gần trọn một thế kỷ (1858-1954)!

Đó là thời kỳ “những người yêu nước thương nòi” trên cả dải đất hình chữ S tươi đẹp của chúng ta bị bọn thực dân “thẳng tay chém giết” và “tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trong “Tuyên ngôn Độc lập” ngày 2-9-1945. Nhưng đồng thời đây cũng là giai đoạn dân tộc ta đã viết nên những “trang sử vàng” thể hiện tinh thần bất khuất, không chịu cúi đầu làm nô lệ mà khởi đầu chính là cuộc chiến đấu bảo vệ thành phố cảng Đà Nẵng, giam chân đội quân xâm lược suốt 5 tháng ròng, buộc chúng phải thay đổi hướng tiến công vào Nam Kỳ.

Tròn 160 năm đã qua từ ngày đó. Bây giờ, đứng trên cầu Sông Hàn hay cầu Rồng hoành tráng, chẳng phải đến tận nơi, cũng biết trên đỉnh Sơn Trà và “đâu đó” nữa quanh đây, những dàn ra-đa và vũ khí hiện đại đang ngày đêm canh giữ biển trời hải cảng “yết hầu” quan trọng nhất trên dải đất miền Trung này, chợt nghĩ về thời vua Tự Đức với súng ống tàu thuyền thô sơ, càng khâm phục tinh thần yêu nước và dũng cảm tột cùng của nhân dân và đội quân đã kiên cường bảo vệ Đà Nẵng năm xưa trong một cuộc chiến không cân sức, trước hàng chục họng đại bác của hạm đội Pháp do Phó Đô đốc R. de Genouilly - viên tướng từng có nhiều kinh nghiệm trận mạc trên các chiến trường Trung Quốc và Nga - chỉ huy. Chính bán đảo Sơn Trà là nơi đầu tiên hứng đại pháo của quân xâm lược Pháp sáng ngày 1-9-1858. Vào lúc các đồn An Hải, Điện Hải bị thất thủ, vua Tự Đức đã điều danh tướng Nguyễn Tri Phương vào giữ chức Tổng đốc Quảng Nam. Ông đã cho xây dựng các tuyến phòng thủ nhằm vây chặt quân địch, không cho chúng đánh rộng ra.

“Trăm năm bia đá thì mòn…” huống chi 160 năm; vết tích tuyến phòng thủ bảo vệ Đà Nẵng năm xưa dù chẳng còn bao nhiêu nữa, nhưng tinh thần chiến đấu ngoan cường của mấy ngàn lính Triều Nguyễn và nhân dân xứ Quảng thì bất diệt. Chính là với tinh thần đó, trong gần trăm năm đô hộ Việt Nam, thực dân Pháp đã phải đối đầu với biết bao cuộc đấu tranh và khởi nghĩa oanh liệt của nhân dân ta, suốt từ Nam chí Bắc, được dẫn dắt bởi những người chỉ huy can trường và tài giỏi như Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Thái Phiên, Trần Cao Vân, Trương Định, Thủ khoa Huân, Nguyễn Thái Học… mà đỉnh cao là cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm 1945-1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã buộc đội quân tinh nhuệ của Pháp phải giương cờ trắng đầu hàng tại Điện Biên Phủ.

Nhắc đến chiến thắng “chấn động địa cầu” Điện Biên Phủ, bỗng “liên hệ” tới cuộc tấn công Đà Nẵng của đội quân xâm lược Pháp từ 160 năm trước, mặc dù kéo dài đến năm tháng, vị chi là 150 ngày đêm, tức gấp 3 thời gian Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy quân ta bao vây đánh chiếm Điện Biên Phủ, nhưng rút cục, chúng đã phải rút lui. Nói cách khác, quân dân Đà Nẵng đã thắng! Một chiến thắng có ý nghĩa lịch sử, làm chậm bước quân xâm lược, khiến kế hoạch tiến đánh chớp nhoáng, buộc triều đình Huế đầu hàng hoàn toàn, mãi tới năm 1885 mới đạt được. Nói rõ hơn, mục tiêu của kẻ thù đã bị chậm lại 27 năm! Chúng ta từng nghe nói “thời gian quý hơn vàng”, cần phải tranh thủ từng giây phút; như thế, thời lượng 27 năm là một giá trị lớn lao vô cùng! Chợt nghĩ: hình như chiến thắng này chưa được nghiên cứu kỹ và đánh giá đúng tầm mức của nó trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chẳng lẽ vì nó diễn ra dưới triều đại phong kiến yếu nhược? Không! Chính dưới một chế độ như thế, càng chứng tỏ tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân dân ta trong “chiến dịch” 150 ngày đêm bảo vệ Đà Nẵng năm 1858!

1858-2018! Để đi qua “nhịp cầu” nối hai cột mốc thời gian này, để có sự hội tụ hoành tráng Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng trước thềm năm mới 2018, dân tộc Việt Nam đã phải hy sinh hàng triệu sinh mạng; đúng là “xương đã chất thành núi, máu đã chảy thành sông”! Liệu có ai cho rằng bây giờ chẳng cần nhắc lại những điều đó nữa? Dân tộc ta có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”; những ngày lễ, Tết, chúng ta dâng hương hoa lên  bàn thờ ông bà, tổ tiên, các nghĩa trang liệt sĩ, chính là để tỏ lòng biết ơn các tiên liệt đã đổ bao công sức, xương máu trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng nên đất nước tươi đẹp hôm nay.

Chính là nhờ sự hy sinh đó của bao thế hệ - trong đó có hàng trăm ngàn liệt sĩ đã quên thân vì nước trong cuộc chiến 150 ngày đêm kiên cường bảo vệ Đà Nẵng từ 160 năm trước mà lâu nay ít được nhắc đến - nước Việt Nam từ chỗ chưa có tên trên bản đồ thế giới, đến Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, cả thế giới đã hướng về Việt Nam; và Đà Nẵng đã thay mặt cả nước mở rộng cửa đón hàng vạn đại biểu từ 21 quốc gia, vùng lãnh thổ, cùng nhiều tổ chức kinh tế toàn cầu, trong đó có nguyên thủ các cường quốc hàng đầu hiện nay.

Sự đổi thay kỳ diệu của đất nước mà tiêu biểu là Đà Nẵng, đã khiến cả Tổng thống Mỹ Donald Trump nồng nhiệt ca ngợi: “… Chỉ vài thế hệ trước đây, ít ai có thể tưởng tượng rằng những nhà lãnh đạo trên thế giới có thể cùng đến Đà Nẵng để thắt chặt tình hữu nghị, mở rộng mối quan hệ đối tác và tán dương những thành quả tuyệt vời mà các nước đã đạt được… Thành phố cảng này đang phát triển nhộn nhịp với tàu thuyền cập bến từ khắp nơi trên thế giới. Các công trình kiến trúc như cầu Rồng chào đón hàng triệu người đến thăm quan, các bãi biển chan hòa ánh nắng cùng vẻ đẹp duyên dáng cổ xưa của Đà Nẵng…”.

Không chỉ ở Đà Nẵng, cả đất nước vào Xuân mới đang từng ngày đổi thay, từ những công trình mới mọc lên, những doanh nghiệp mới ra đời; nhưng có lẽ quan trọng hơn là những CON NGƯỜI- từ chính quyền các cấp cho đến mỗi doanh nghiệp, mỗi người lao động - đã nhận thức được nhất thiết phải thay đổi cho phù hợp với các “tiêu chuẩn” của thời đại mới, kịp thời nắm bắt công nghệ mới, xây dựng “thể chế” mới trên nhiều lĩnh vực để không tụt hậu trong cuộc đua tranh quyết liệt ở mỗi địa phương và trên toàn cầu. Hy vọng trong cuộc đua tranh ấy, với quyết tâm giữ gìn và xây dựng vùng đất “đáng sống” nơi cửa sông Hàn, Đà Nẵng sẽ đi tiên phong như 160 năm trước đã mở đầu cuộc chiến đấu anh hùng chống giặc ngoại xâm…

Nguyễn Khắc Phê

;
.
.
.
.
.