Chuẩn bị cho chiến dịch Xuân Mậu Thân, từ giữa năm 1967, đến đầu năm và cuối năm 1968, Quảng Đà là một trong những tỉnh ác liệt nhất của miền Nam Việt Nam: “Nhất Củ Chi, nhì Quảng Đà”. Vậy mà, hãy đọc những dòng nhật ký sau đây của nhà báo, nhà văn Chu Cẩm Phong: Thứ ba, 5-12-1967: Ốm ba ngày rồi, vẫn là sốt rét. Trong không khí sôi nổi, rộn ràng, nô nức của tổng công kích tổng khởi nghĩa mà bị ốm thì thật là bất hạnh. Mình tha thiết mong muốn đóng góp sức lực năng lực trong cao trào này, trong trận chiến đấu cuối cùng, quyết liệt này. Mình đã tự chọn cho mình một vị trí trong một xã xung yếu, hoặc ở hỏa tuyến của chiến trường chính... Nghe Quảng Đà sắp có Đại hội chiến sĩ thi đua mình cứ tiếc mãi..; Ngày 6-12-1967: …Anh Vương Linh vừa đặt ba lô xuống đã triệu tập chi ủy… Đại khái là thế này, cần tung hết lực lượng cán bộ xuống các tỉnh, huyện, xã. Chỉ giữ lại một bộ phận lo hậu cứ, một bộ phận nhẹ cơ quan di chuyển chỗ ở đến gần mặt trận hơn. Cao Duy Thảo, Văn Cận, Thanh Đính, Phương Anh đi công tác Quảng Đà. Chú Khánh và Hoàng Lê đi công tác Quảng Ngãi. Ban giữ cả chi ủy lại, anh Linh nói: “Ba đứa mình cùng đi tiền phương”. Mình hiểu rồi đó. ‘‘Tiền phương’’ có nghĩa là bộ phận nhẹ của cơ quan, ‘‘Lực lượng cơ động’’ của Ban. Như vậy cũng có thể đi hỏa tuyến, cũng có thể chỉ ở trung tuyến thôi, cũng có thể chỉ ở hậu tuyến giữ gôn. Mình không thú bằng được đi một tỉnh như Quảng Đà, nhưng theo tinh thần của Ban phổ biến, thì đó là sự bố trí sắp xếp của Thường vụ, coi như mệnh lệnh, không để đạt ý kiến gì cả, chỉ có chấp hành tốt mà thôi…”.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tôi và Vũ Thành Lê vừa đặt chân về Báo Quảng Đà, đêm đầu tiên ngủ chưa trọn giấc thì bị đánh thức. Anh Tùng đập chân tôi, gọi: Dậy! Dậy. Khi tôi thức dậy thì các anh đang vội vã thu xếp đồ đoàn: muối vào lon, mắm vào lọ, gạo vào ruột nghé, mấy cái soong xâu một xâu. Mỗi người một cái gùi cá nhân phải nhận thêm một trong những thứ của chung, mang thêm được bao nhiêu thì quí bấy nhiêu. Anh Tùng phân cho tôi một ruột nghé gạo và một đùm soong nồi lỉnh kỉnh, lơ mơ là bị dính nhọ, nhưng lẽ nào không nhận, mà thoái thác cho ai, khi ai cũng lưng gùi, tay xách, vai mang. Người trên lưng mang nặng nhất, hai tay cũng không ở không là anh Hoàng Kim Tùng - Người Bí thư chi bộ mà sau này, vào lúc 1 giờ sáng ngày 21 tháng 5 năm 1972, cơ quan của Ban Tuyên huấn Quảng Đà đóng trên núi Hòn Tàu bị một loạt bom B.52, làm chết 10 người, làm bị thương 5 người, mãi đến năm 2012, đồng đội còn sót lại mới tìm được hài cốt anh Hoàng Kim Tùng và đồng đội đưa về quê nhà. Độ 3 giờ sáng thì bắt đầu rời cơ quan là một căn nhà dân đã chạy lánh bom, đi chống càn. Mò mẫm trong đêm tối trời, tôi vừa đi vừa chạy lúp xúp, bất kể mương nước, ruộng lầy, gai, mảnh, cố bám theo các anh, thỉnh thoảng giật thót người vì những quả pháo bất ngờ xè... xè... ầm, ùm sau lưng. Hừng sáng hôm sau thì đến một ngôi nhà ở trên lưng đồi, sau đồi là mờ mờ núi thấp. Đó là thôn Hai xã Xuyên Khương.
Chuẩn bị cho chiến dịch, tất cả các cơ quan, đơn vị đều xây dựng một vài cơ sở ở ‘‘phía trước’’, tức là ở đồng bằng, nơi khi chiến dịch nổ ra thì kịp tiếp cận.” “Phía trước” của Ban Tuyên huấn Quảng Đà, có một bộ phận đóng ở Xuyên Khương, trong xóm nhà ông Trùm Diễn, nhà bà Trùm Tính... cơ sở thứ hai là nhà chị Bảy ở thôn Thanh Châu, xã Xuyên Thanh, Duy Xuyên. Cả hai nơi này là cơ quan nằm giữa đồng bằng lên vùng núi. Từ Xuyên Khương cũng như Xuyên Thanh đều khá gần khu đồn A Đông, đồn Gò Am, đồn Kiểm Lâm... đi chừng hai tiếng đồng hồ thì đến vùng chân núi Hòn Tàu. Thời bấy giờ, Ban Tuyên huấn Quảng Đà bao gồm các tiểu ban: Huấn học, Tuyên truyền, Giáo dục, Trường Đảng, Đoàn văn công, Nhà in và Báo. Tất cả đều ở trong nhà dân, vùng này chưa bị đánh phá nặng nề như Gò Nổi. Đứng ở đồng bằng Duy Xuyên nhìn lên núi Hòn Tàu thấy một quả núi trông như cái đầu con chim cu, gọi là Hòn Quắp. Nhà in báo lúc bấy giờ khoét một cái hang sâu vào sườn núi làm nơi đặt máy in. Báo Giải phóng Quảng Đà đào một căn hầm vào núi để tránh bom pháo và cái chòi lợp lá nón cạnh Nhà in để treo võng nghỉ, đọc,viết. Xung quanh khu vực Hòn Quắp từng đóng cơ quan Văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà, và có những cái hang làm nơi ở và làm việc của Bí thư Đặc khu ủy Hồ Nghinh, của Phó Bí thư Đặc khu ủy Trần Thận, của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Phạm Đức Nam.
Bom, pháo, địch tình đến mức, nhiều cán bộ của Ban Tuyên huấn Quảng Đà đi công tác rồi sau này người thân nhận bằng liệt sĩ như anh Hồ Hiến, anh Phan Quýt ở Tiểu ban Giáo dục, anh Trần Mậu Tý ở Tiểu ban Tuyên truyền... phóng viên Dương Tấn Nhường ở Báo Cờ Giải phóng Quảng Đà... Có lần đi công tác khi cơ quan đóng ở Gò Nổi, lúc về cơ quan ở trên Mặt Rạng – Hòn Tàu hoặc trên dốc ông Thủ ở vùng núi Đại Lộc. Đi và về đều phải bám theo giao liên.
Không quân Mỹ đánh phá bừa bãi, vô cùng khốc liệt, những người dân kiên cường bám trụ trên đất giải phóng không còn nơi yên ổn để trồng tỉa. Nhà cửa tan hoang. Nhiều gia đình phải chạy tránh ác liệt. Vẫn còn các xóm dân kiên cường với tinh thần ‘‘một tấc không đi, một ly không rời’’. Đâu chỉ du kích mà cán bộ Tuyên huấn, các nhà báo cũng bám trụ với dân, cùng đội ác liệt với dân.
Một chiến trường khốc liệt như thế nhưng giới báo chí, văn nghệ từ miền Bắc chi viện vào cho chiến trường Khu 5, nhiều người xin đi thực tế Quảng Đà, Quảng Nam, như: Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Chu Cẩm Phong, Bùi Minh Quốc, Dương Thị Xuân Quý, Dương Đức Quảng, Võ Thế Ái, Nguyễn Khắc Phục, Thái Bá Lợi, Thanh Quế, Nguyễn Bá Thâm... Sau hai đợt xuống với chiến trường bom đạn, Chu Cẩm Phong đã có đến hai bút ký hay: ‘‘Mặt biển, mặt trận’’ và ‘‘Gió lộng từ Cửa Đại’’. Chu Cẩm Phong hy sinh ở tuổi ba mươi, để lại hàng chục bút ký, truyện ngắn và cả ngàn trang nhật ký. Được về Quảng Đà, lăn lộn với cán bộ, du kích, Dương Hương Ly đã sáng tác rất nhiều bài thơ hay, xúc động, khi nhà văn Dương Thị Xuân Quý vợ anh hy sinh, anh đã khóc thành thơ “Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên’’, anh có một tập thơ lấy tên của một bài thơ “Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ’’. Nhà văn Dương Thị Xuân Quý về Quảng Đà trong một thời gian ngắn, viết được bút ký “ Gương mặt thách thức’’ và hàng trăm trang nhật ký. Nguyễn Khắc Phục rất mừng vì thoát đi cõng gạo và phát rẫy mà cho đi Quảng Đà. Mới xuống đến cơ quan của Báo Quảng Đà ở trên hang đá núi Hòn Tàu, chưa xuống đồng bằng được vì Mỹ đổ quân vây dưới chân núi, tranh thủ thời gian chống càn, nghe anh em kể chuyện về Đà Nẵng, đêm đêm ra ngồi trên hòn đá nhìn về phía xa mờ có ánh đèn hừng sáng, Nguyễn Khắc Phục hoàn thành một bài thơ dài, với cái tên cũng dài: “Đà Nẵng, thành phố rốc két, thành phố của những tâm hồn du kích’’. Nguyễn Khắc Phục đọc cho anh em “duyệt’’, ai cũng khen cha này có tài tưởng tượng. Bằng tài năng và sức tưởng tượng, từ những gương mặt sáng chói của Đà Nẵng, Nguyễn Khắc Phục đã viết tiểu thuyết “Học phí trả bằng máu’’, “Bay qua cõi chết’’...
Được đi thực tế trong chiến dịch Xuân Mậu Thân - 1968, Thu Bồn theo một cánh quân vào mặt trận Đà Nẵng. Mới về đến Điện Hòa nghe tin chị Tính bị địch bắt, xẻo vú, cắt tai và lột trần truồng bêu xác giữa chợ Vĩnh Điện, người nóng ran, vài giờ sau, Thu Bồn viết xong bài thơ Chiếc hầm bí mật. Bám theo bộ đội áp sát Đà Nẵng, đang chống địch phản kích ở Gò Nổi, Thu Bồn viết được bài thơ Đà Nẵng gọi ta:
Đà Nẵng gọi ta như người mẹ gọi con
Như người yêu gọi người yêu xa cách
Ta muốn nói với từng viên gạch…
Nhà văn Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc) lấy bài thơ đến nhờ Trần Văn Anh phụ trách Báo Giải phóng Quảng Đà, chuyển gấp cho bộ phận tiền phương nhà in báo đang đóng ở Tư Phú, Gò Nổi, in thành nhiều bản. Sau một tiếng đồng hồ bài thơ đã đến tận tay các chiến sĩ tiểu đoàn R20 - mũi quân sự chủ yếu đang hành quân bám sát ngoại vi Bộ chỉ huy Quân đoàn 1, bên bờ sông Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Nghe tin bộ đội R20 và một số cán bộ chỉ huy hy sinh, quá đau đớn, Thu Bồn lặng người. Khóc. Sau chiến dịch Xuân Mậu Thân, rút về căn cứ trên núi, đang đói, nghe bên Tiểu ban văn nghệ cũng đang rất đói, Thu Bồn viết thư thăm nhà văn Chu Cẩm Phong:
Phong ơi!
Mình nghe tin lão đói
Nhưng biết nói gì đây
Rừng thì lắm lá cây
Biết lấy gì gửi bạn
Gửi lòng yêu vô hạn
Trong vầng thơ tươi xanh
Thôi thúc chân dồn bước
Trên đường dài đi nhanh…
Đêm đó, đang ở khu A9, Chu Cẩm Phong thức viết truyện ngắn “Rét Lộc’’. Sau hai hôm thì cơ quan dời về A7. Sau Mậu Thân, bước qua năm 1969, cao điểm 3 Đ: “Địch. Đói. Đau”. Phải lùi về phía sau củng cố lực lượng, nhớ Bác Hồ, Thu Bồn “Gửi lòng con đến cùng cha’’:…
Tiếc rằng trước lúc chia ly
Con chưa được thấy dáng đi
của Người
Hẳn trong đôi mắt sáng ngời
Còn nguyên vẹn một khoảng trời phương Nam
Con qua Cẩm Lệ, sông Hàn
Ngũ Hành Sơn đứng mơ màng
bóng Cha...
Hà Thanh