Mùa xuân nghĩ về sức sống một con người

.

Con người đó là Lê Đại Cang, từng làm quan qua ba triều: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị lâu đến 41 năm, mãi đến khi 72 tuổi mới hưu trí với 20 lần được thăng thưởng quân tước, 5 lần bị giáng chức, một lần bị “trảm giam hậu”, tức phạm nhân bị hạ ngục chờ chém.

Lê Đại Cang đã tự bạch về cuộc đời làm quan của mình: “Vâng lịnh ra Bắc vào Nam, giong ruổi không ngừng, phàm những nơi đã trải qua, đều là những nơi phức tạp, bởi tôi không tính chuyện sắc bén hay cùn lụt, làm công việc mở đường, ngừa mong cho đời phán xét, miễn đừng để tai tiếng cho dòng họ, mặc dù con đường làm quan cay cực…(1).

Đua thuyền đầu xuân. Ảnh: V.V.ÁNH
Đua thuyền đầu xuân. Ảnh: V.V.ÁNH

Vậy là cái quan điểm làm quan là ăn trên ngồi trước, vinh thân phì gia, thu vén cho mình và cho gia đình, lợi ích nhóm, cả làng cả họ làm quan, một người làm quan cả họ được nhờ bị lật nhào.

Quan điểm cổ hủ đó không phải chỉ tồn tại từ lâu xa mà nó còn là hiện thực hôm nay. Con người làm lật nhào quan điểm đó lại không phải là người hôm nay mà là một người sống cách chúng ta cả hai thế kỷ. Ông đã lấy cuộc đời để chứng minh cho “con đường làm quan cơ cực” của mình. Dưới đây là một vài nét chấm phá trên con đường làm quan cơ cực ấy.

Một số tác phẩm về Lê Đại Cang.
Một số tác phẩm về Lê Đại Cang.

Năm 1823, Lê Đại Cang được điều làm Cai bạ Quảng Nam, năm sau ông phụ trách huy động 3.000 phu khởi đào sông Vĩnh Điện, nối sông Thu Bồn với sông Hàn. Công việc hoàn tất, ông được thưởng 80 quan tiền, 2 tấm sa… Nhưng tháng 5 năm 1825, do sông Vĩnh Điện bị sụt lở, vua Minh Mạng đi tuần Quảng Nam quở trách: “Trước kia đào khai sông ấy hạn bề ngang trên bờ là 5 trượng, dòng nước rộng 3 trượng 4 thước, nay mới hơn một năm mà đã sạt lở, chỗ rộng chẳng quá 2 trượng, chỗ hẹp chỉ hơn 10 thước, lại hai bờ cao quá, dáng dựng như vách thì thế nước chảy mau sụt lở càng nhiều, của nhà nước và công của dân cả hai đều uổng phí, cái tội của Đổng lý Lê Đại Cang nói sao cho xiết…” (2). Lúc này, Lê Đại Cang đang thụ chức Cai bạ Vĩnh Thanh bị cách chức (trong án có ghi đáng bị tội đồ, vua đặc cách gia ơn đổi làm án cách lưu).

Tháng 9 năm 1826, ông được triệu về kinh, đến tháng 11 được làm bộ Thị lang Bộ Hình rồi thăng lên Tham tri Bộ Hình. Tháng 7-1827, ông được vua cử làm khâm sai ra Bắc Thanh xem xét các vụ án hình tồn đọng. Vua dụ: “Hết thảy các án hiện được giao cùng án mạng, ăn cướp trong hạt đến tháng 11 phải xét xử xong… khiến không có án để đọng, ngục không có tù giam lâu, để đáp ý trẫm cẩn thận việc ngục, thương xót việc hình”. Đúng thời hạn vua ra, Lê Đại Cang hoàn thành nhiệm vụ, trở về kinh được vua khen ngợi.

Lục tỉnh Nam kỳ thời Lê Đại Cang.
Lục tỉnh Nam kỳ thời Lê Đại Cang.

Rồi ông được điều phụ trách Nha đê chính Bắc Thành, tháng 11 năm 1828 trực tiếp chỉ đạo khởi công đắp hệ thống đê mới. Tháng 12 năm 1828 được vua ban thưởng vì có công trong việc đắp đê, thì tháng 4 năm 1829 bị giáng 3 cấp vì vỡ đê Đa Hòa - Kim Quan. Bốn tháng sau được phục chức vì đoạn đê vỡ được gia cố, công việc đắp đê ở Bắc Thành hoàn tất. Rồi tháng 6 năm 1830, do vỡ đê ở Sơn Nam, Lê Đại Cang lại bị cách chức. Rồi lại được phục chức sau đó 2 tháng vì khắc phục được lỗi lầm. Chỉ riêng việc đắp đê ở Bắc Thành ta đã thấy sức làm việc phi thường của ông. Lên chức, xuống chức 4 lần nhưng chẳng thể nào làm sa sút được ý chí của Lê Đại Cang.

Tháng 10 năm 1831, ông nhận ấn quyền Tổng trấn Bắc Thành rồi được thăng làm Binh bộ Thượng thư, Tổng đốc Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên Quang kiêm Tuần phủ Sơn Tây rồi kiêm luôn Tổng đốc Hà Nội - Ninh Bình. Công việc ở Bắc Thành đang trôi chảy thì ông được vua Minh Mạng điều vào làm Tổng đốc An Giang - Hà Tiên.

Có thể nói thời kỳ này là nét chấm phá kỳ đặc trong đời làm quan của Lê Đại Cang.

Năm 1833, ông chủ trì xây thành mới An Giang, khai mở đường thủy từ sông Tiền ở Tân Thành đến sông Hậu ở Châu Đốc, chiêu mộ 10 đội quân Phiên (Chân Lạp) được vua đặt tên là Cơ An Biên. Đến tháng 6, Lê Văn Khôi nổi lên làm phản, thành An Giang mất do binh lực của Khôi quá mạnh. Lê Đại Cang dâng sớ lên chịu tội. Vua cách chức Tổng đốc, cho làm “đối lãnh binh dõng quân tiền hiệu lực” - từ đại thần xuống làm lính khiêng võng. Đòn khiêng nghiến trên vai/ Những giọt mồ hôi lắng/ rơi thấm con đường dài/ tôi sinh ra làm người khiêng/ trách nhiệm/ làm người khiêng/ số phận/ làm người khiêng/ lo lắng/ làm người khiêng cay đắng… (Thanh Thảo, Trường ca Người khiêng võng).

Lăng Lê Đại Cang tại thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ảnh: Huỳnh Chương Hưng
Lăng Lê Đại Cang tại thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ảnh: Huỳnh Chương Hưng

Trong thân phận một người lính đang chịu tội, Lê Đại Cang đã tập hợp tàn quân, tuyển thêm binh lính người Việt và người Miên, tự xây dựng, huấn luyện một đội quân trên 2.000 người, phối hợp với viện binh của triều đình, phản công giặc Khôi và quân Xiêm tái chiếm An Giang và các vùng đất đã mất. Chỉ trong 4 tháng, từ một lính khiêng võng, ông được thăng liên tục 5 chức và thụ lý Tuần phủ An Giang.
Sau đó ông cùng Trương Minh Giảng chỉ huy đánh đuổi quân Xiêm ra khỏi Chân Lạp, được vua Minh Mạng giao đưa vua Chân Lạp từ Việt Nam về nước, lưu lại Nam Vang lo việc bảo vệ Chân Lạp. Năm 1836, ở tuổi 65, khi đang làm Tổng đốc quan phòng An Giang - Hà Tiên, ông xin vua về hưu, nhưng vua Minh Mạng không cho. Châu phê: “Lão đương ích tráng” và giục gắng sức làm việc. Tháng 2 năm 1838, người Chân Lạp lại nổi lên, do không có mặt ở Nam Vang, Lê Đại Cang bị quy tội “khinh nhờn”, bị cách chức Tuần phủ An Giang kiêm Trấn tây Tham tán đại thần, lần thứ hai phải làm lính khiêng võng. Dù đã lập công đánh dẹp loạn đảng và giặc Xiêm, được Trương Minh Giảng tâu lên vua Minh Mạng xin cho ông đoái công chuộc tội nhưng vua không hài lòng: “Đại Cang bị cách hưu, sao dám tự tôn mình là đại tướng, chẳng sợ phép nước, chẳng kiêng công luận. Vậy Đại Cang phải tội trảm giam hậu…”. Cuối năm 1838 ông bị đưa về triều tống giam, ít lâu sau bị phát đi đồn điền.

Năm Thiệu Trị thứ nhất 1841, ông được vua Thiệu Trị phục chức rồi được thăng Bố Chánh sứ Hà Nội. Tháng 10 năm 1842, 72 tuổi, ông xin về hưu và được vua Thiệu Trị chuẩn y.

Cuộc đời làm quan lâu bền, lên xuống, cay cực, thành công, vấp ngã rồi đứng lên của Lê Đại Cang đã diễn ra trước mặt chúng ta như một tập phim cao trào nối tiếp cao trào. Người có cuộc đời phong phú như vậy chắc phải tiềm ẩn trong bản thân họ một sức sống mãnh liệt thế nào mới có thể đương đầu với những thử thách lớn lao trên đường đời mà với Lê Đại Cang là đường làm quan.

Làm quan là một nghề đã có từ khi hình thành xã hội loài người. Đạo đức của người làm quan cũng đã được bàn thảo nhiều, cũng đã có quy định, điều luật về nó. Lê Quý Đôn từng nói: đạo làm quan là không được bày thêm việc và không được bỏ việc. Câu nói tưởng như đơn giản này nhưng lại hàm chứa những thâm ý lớn lao. Người làm quan không được tùy tiện bày vẽ ra những việc không được quy định trong luật pháp ở thời đại mình, không được lạm dụng chức vụ, quyền hạn mà mình đang có để mưu cầu lợi ích riêng, lợi ích nhóm, lợi ích dòng tộc, lợi ích địa phương và quan trọng hơn là không được bỏ việc, không được bỏ bất cứ trách nhiệm nào dù nhỏ nhất trong phạm vi quyền hạn của mình.

Làm quan va vấp sai lầm là chuyện không phải ai cũng tránh khỏi. Nhưng tấm gương Lê Đại Cang đứng dậy dũng mãnh ngay tại chỗ vấp ngã là điều nhắn nhủ cho các thế hệ sau này. Tiếc rằng thời chúng ta đang sống ít có lãnh đạo nào (cũng là một dạng làm quan) khi bị kỷ luật mà dám đương đầu với sự thật, dám tự sửa mình, dám đoái công chuộc tội rồi từ đó vững vàng tiến bước như bậc quan đại hiền Lê Đại Cang, dù ông sống xa chúng ta đến hai thế kỷ. Muốn làm được như ông những người làm quan chắc chắn phải có một tấm lòng trong sáng không tì vết chuyện tư lợi và một thể chế sáng suốt, tạo điều kiện cho người vấp ngã đứng lên làm lại đời mình. Xã hội bây giờ đang mong muốn có được điều tốt đẹp này.

12-2017

THÁI BÁ LỢI


1. Lê Đại Cang - lối dẫn trong Lê Thị gia phả.
2. Đại Nam thực lục, tập 2, NXB Giáo dục Hà Nội 2004, tr.429.

;
.
.
.
.
.