Sức dân - sức nước trong hội nhập, phát triển

.

1. Khi bàn về dân và vai trò sức dân đối với sự tồn vong, phát triển của một quốc gia dân tộc, Nguyễn Trãi – một trong những nhà tư tưởng lớn của dân tộc VIệt Nam thế kỷ XV, bằng khảo cứu lịch sử và trải nghiệm thực tế thời đại ông, đã khái quát cực kỳ chính xác và đầy tính hình tượng: Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định. Dân như nước, nước có thể đẩy thuyền, cũng có thể lật thuyền.

Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN
Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN

Có thể nói, nhận thức đầy đủ về vai trò của dân, mặc dù không phải ai, lực lượng chính trị nào cũng đạt được nhưng dẫu sao đó chỉ là bước khởi đầu, quan trọng hơn đối với mọi vương triều, mọi chế độ chính trị là tìm kiếm được những giải pháp để dưỡng dân, huy động sức dân, làm cho sức dân thực sự là sức nước – động lực của mọi tiến trình - từ dựng nước đến giữ nước; từ việc bảo vệ nền độc lập dân tộc đến dựng xây, phát triển đất nước.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhờ kế thừa những giá trị tinh hoa trong truyền thống tư tưởng của dân tộc và vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta luôn khẳng định và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi quần chúng nhân dân, coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của mọi tiến trình phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của toàn dân”(1). Quan điểm đó thể hiện sự tin tưởng của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sức mạnh vô địch, tuyệt đối của quần chúng nhân dân - những chủ nhân làm nên lịch sử của dân tộc.

Những thắng lợi to lớn, những thành tựu vẻ vang của cách mạng Việt Nam giành được trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước - trong suốt 88 năm qua luôn gắn liền với việc bồi dưỡng sức dân và phát huy sức dân một cách đúng đắn và hiệu quả của Đảng, của Nhà nước ta.

Đó cũng là cơ sở để khi đề cập đến việc nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội hay hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới sau 30 năm, Văn kiện Đại Hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định:

Dân chủ là một trong những nội dung hợp thành mục tiêu và động lực của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay(2). Huy động sức dân trong điều kiện Đảng cầm quyền, theo quan điểm của Đảng, Bác Hồ thực chất là tạo lập và thực hiện nền dân chủ hiện thực; là tôn trọng và tạo dựng môi trường cho sự sáng tạo của con người, của mọi tầng lớp nhân dân.

Ảnh: VÕ VĂN ÁNH
Ảnh: VÕ VĂN ÁNH

2. Cả về lý luận cũng như trên thực tế cho thấy, thể chế, cơ chế có thể tạo nên những động lực hay tính hiệu quả cho sự phát triển xã hội - hoạt động theo đuổi nhu cầu lợi ích của các cộng đồng người, rút cục chỉ có thể là thể chế, cơ chế dân chủ.

Đối chiếu với những giá trị phổ biến của dân chủ, xét từ hiện trạng nhận thức và thực hành dân chủ trong xã hội Việt Nam hiện nay, phải chăng  từ người dân đến các cấp độ chủ thể lãnh đạo, quản lý cần thống nhất trong nhận thức và thực hành có hiệu quả các loại vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất: Dân chủ là số đông quyết định, nhưng không phải bao giờ chân lý cũng thuộc về số đông. Nói cách khác, ý chí của số đông không hẳn sẽ mang lại một quyết sách có hàm lượng trí tuệ cao. Có lẽ vì thế, V.I. Lênin đã từng lưu ý rằng, trình độ dân trí - học vấn của dân chúng là chìa khóa để nâng cao chất lượng của dân chủ.

Trong thực tế đã có không ít những phản giá trị được tạo ra từ những ý kiến của số đông. Xét về mặt nhận thức, có thể đó là nỗi đau và kèm với nó là sự thông cảm, chia sẻ. Mặt khác, cũng có không ít những hành vi, sản phẩm phản văn hóa xuất phát từ việc xem dân chủ chỉ là lá bài để biến những người ít học thành “con rối” trong tay những nhà chính trị xảo quyệt - như V.I Lênin đã từng cảnh báo. Vì lẽ đó, nâng cao trình độ dân trí - xem giáo dục là quốc sách phải là giải pháp nền tảng - chìa khóa để nâng cao chất lượng của dân chủ XHCN ở nước ta hiện nay.

Thứ hai: Phát hiện ra giới hạn có thể của “ý chí số đông”, ngày nay chúng ta chủ trương tôn trọng và cho phép cá nhân bảo lưu ý kiến trước ý kiến của số đông; nhưng trên thực tế về mặt tâm lý, ý chí, quan điểm của cá nhân thường dễ bị xem là lạc lõng, nếu không nói là trở thành “trái đạo” trước quan niệm của tập thể, cộng đồng.

Và, điều đó tạo nên một “sự chuyên chế số đông” khiến mỗi cá nhân buộc phải nén lòng chấp nhận, cản trở “dân khí”. Và, sự chấp nhận nào cũng có giới hạn. Nếu dồn nén quá độ, rất có thể nhiều hành động phi nhân tính, phạm pháp có thể bùng phát mà chúng ta đã chứng kiến ở đâu đó.

Vì thế, tư tưởng cho rằng, dân chủ thừa nhận để đạt tới sự nhất trí đòi hỏi sự đồng thuận từ phía người dân - chủ thể quyền lực với những người được trao quyền, ủy quyền - lực lượng cầm quyền, giới lãnh đạo, quản lý.

Ở đây sự tường minh của thể chế, sự minh bạch trong hoạt động phục vụ công của người cầm quyền, cùng với đó sự hợp tác, lòng khoan dung của các bên liên quan cần phải được mọi chủ thể hành động trong xã hội - nhà nước chia sẻ.

Thứ ba: Dân chủ là hình thức quá độ để đạt tới sự bình đẳng thực tế, nhưng điều đó rất dễ khiến người ta ngộ nhận rồi cổ súy và thực hành thứ bình đẳng nguyên thủy - thực chất là cào bằng, ác cảm với mọi sự phân tầng xã hội và hệ luỵ lớn nhất sẽ làm triệt tiêu động lực của sự phát triển.

Vì thế, giới lãnh đạo, quản lý phải hiểu đâu là nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của số đông và đâu là việc cần thiết mà số đông chưa cảm nhận được, để bằng “nêu gương”, “làm mẫu”, “thí điểm”... qua đó và nhờ đó tạo nên sự đồng thuận xã hội - động lực cho sự phát triển.

Sự nhắc nhở của Hồ Chí Minh rằng, từ “dân là chủ” đến “dân làm chủ” là một quá trình lâu dài vẫn luôn có giá trị. Nói cách khác, dân chủ hiện thực, vừa phải tránh tình trạng theo đuôi số đông theo kiểu mị dân - “dân túy”, vừa phải có những quyết định hợp “đạo” của nhân tố lãnh đạo, quản lý. Sự tùy tiện trong quá trình ra quyết sách liên quan đến quốc kế dân sinh, cần được ngăn chặn.

Thứ tư: Cho đến nay, dân chủ đại diện là một trong những phát kiến vĩ đại của nền dân chủ hiện đại. Nhưng đi kèm với nó, lại luôn tiềm ẩn khả năng: ủy quyền, trao quyền rồi lại mất quyền. Vì thế, bên cạnh việc mở rộng dân chủ trực tiếp bằng việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân để phát huy tối đa quyền của người dân, thì phải tạo lập, không ngừng hoàn thiện thể chế, cơ chế để kiểm tra, giám sát và kiểm soát mọi hoạt động của các cấp độ chủ thể đang thực hành quyền lực được ủy thác (quyền lực công, quyền lực Nhà nước).

Lưu ý rằng ngoài kiểm tra, giám sát-công việc thường xuyên phải có trong bộ máy quyền lực Nhà nước, điều quyết định vẫn là nhận thức đúng và có giải pháp để có thể xác lập được cơ chế  kiểm soát quyền lực Nhà nước từ phía xã hội. Chỉ khi nào tạo lập được cơ chế kiểm soát quyền lực bằng quyền lực mới có thể ngăn chặn được nguy cơ tha hóa quyền lực từ phía Nhà nước.

Dân chủ là hình thức quá độ để đạt tới sự bình đẳng thực tế, nhưng điều đó rất dễ khiến người ta ngộ nhận rồi cổ súy và thực hành thứ bình đẳng nguyên thủy - thực chất là cào bằng, ác cảm với mọi sự phân tầng xã hội và hệ luỵ lớn nhất sẽ làm triệt tiêu động lực của sự phát triển.

PGS.TS Hồ Tấn Sáng


1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 8, tr. 276
2. Xem tiêu đề Báo cáo chính trị, Đại hội XII, ntr, tr55.

;
.
.
.
.
.