Bác Hồ quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ sớm. Hai năm sau khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, Người đã bàn đến Sửa đổi lối làm việc của Đảng (10-1947), mà một trong những điều căn cốt là chỉnh đốn Đảng.
Đến Di chúc, Người nhắc lại “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”.
Một trong những lý do cơ bản cần phải chỉnh đốn Đảng là vì “đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Đảng ta không phải trên trời sa xuống, Nó ở trong xã hội mà ra, nên không phải là người người đều tốt, việc việc đều hay. Trong Đảng chưa hoàn toàn tránh khỏi một vài kẻ vu vơ, một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa, những việc không chính đáng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (1951). (Ảnh tư liệu) |
Vấn đề cần nhận thức thấu đáo là làm đảng viên Cộng sản tức là làm người có trình độ cao, nhưng vẫn trên cái nền “làm người”; đổ vỡ tư cách làm người, thiếu nhân tính là đổ vỡ tất cả. Theo Bác, tính xấu của một người thường có hại cho người đó, còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân.
Nếu không chỉnh đốn Đảng, không dám tự phê bình, không dám phê bình, khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình; khác nào thấy đồng chí mình ốm mà không chữa cho họ. Bác chỉ rõ: “Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng.
Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Như vậy, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là đòi hỏi khách quan của sự nghiệp cách mạng, là yêu cầu tự thân của một Đảng chân chính cách mạng, là đạo đức, là văn minh.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay để thực sự Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” là nhiệm vụ then chốt, liên quan tới sự tồn vong của Đảng và chế độ, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Bởi vì “Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta đã khẳng định: “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng”.
Trước hết, muốn Đảng cầm quyền thực sự là một đảng đạo đức và văn minh, nhất thiết phải vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “làm cốt”.
Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được đúc rút từ thực tiễn và tổng kết kinh nghiệm; là khoa học về quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội; là khoa học về cách mạng của quần chúng bị áp bức; khoa học về xây dựng xã hội mới, mang bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn, là kim chỉ nam, chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.
Vì vậy, đảng viên, cán bộ phải không ngừng và thiết thực học tập, nghiên cứu, đào sâu lý luận. Xao nhãng, lười, ngại học tập là một khuyết điểm rất to, “khác nào người thầy thuốc chỉ đi chữa người khác mà bệnh nặng trong mình thì quên chữa” như Hồ Chí Minh đã chỉ ra.
Phải chữa cái bệnh chủ quan mà nguyên nhân là kém lý luận, khinh lý luận hoặc lý luận suông; đồng thời phải bỏ tư tưởng học để lấy bằng cấp. Hiện nay, tình hình thế giới nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thâm nhập sâu rộng vào tất cả các nước, các lĩnh vực. Vì vậy, không có lý luận, “cũng như một mắt sáng, một mắt mờ, lúng túng như nhắm mắt mà đi”.
Thứ hai, để Đảng cầm quyền thật sự là đạo đức, là văn minh thì trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải luôn luôn quán triệt quan điểm “theo đúng đường lối nhân dân” như Bác đã dạy, nói ngắn gọn “Dân là gốc” như Đảng ta khẳng định.
Tài sản lớn nhất, có giá trị nhất của Đảng là lòng dân nhiều năm qua có phần thất thoát. Nhiệm vụ hàng đầu, xuyên suốt là củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Xác định sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân là thước đo quan trọng nhất của một Đảng đạo đức, văn minh. Đảng ta nhiều lần khẳng định “chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử.
Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ và của Đảng”.
Thứ ba, Đảng cầm quyền đạo đức, văn minh thì mỗi đảng viên, cán bộ phải là những người đạo đức, văn minh. Bởi vì, “Đảng là mỗi chúng ta. Đảng lớn lên là do mỗi chúng ta lớn lên”. Với ý nghĩa là những người chiến sĩ tiên phong của giai cấp, của dân tộc, đại biểu cho lợi ích của dân tộc, của giai cấp; là gốc của mọi công việc, đảng viên, cán bộ phải rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực trí tuệ, bản lĩnh, phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương, gắn với thực tiễn cách mạng.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải hằng ngày, suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị; trung thực, trách nhiệm, gắn bó với nhân dân.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải có bản lĩnh vững vàng khi có quyền trong tay. Phải chống tham nhũng quyền lực. Vì quyền lực có xu hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối. Những người có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”.
Với thể chế chính trị của chúng ta, theo quy định của Hiến pháp, quyền lực thuộc về nhân dân, nhưng trên thực tế không hoàn toàn như vậy. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên say sưa quyền lực, mua, bán, chạy quyền, tham quyền cố vị, coi quyền lực là tài sản của riêng mình, tự tung tự tác. Những hành vi suy thoái đó bào mòn, làm hoen ố đạo đức, văn minh của Đảng, cần phải được chữa trị tận gốc.
Bản lĩnh của cán bộ, đảng viên trước mọi tình huống phức tạp, khó khăn là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Phải biết bảo vệ cái đúng, cái tốt, cái đẹp, chống cái sai, cái xấu, cái ác, cái giả dối; “phò chính trừ tà”.
Bối cảnh mới không có đất tồn tại và dung nạp loại cán bộ “nhát gan, dễ bảo”, “đập đi, hò đứng”, “thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi, theo gió bẻ buồm, không có khí khái”, không dám chịu trách nhiệm, tranh công, đổ lỗi. Bản lĩnh của mỗi cán bộ đảng viên là dám tự phê bình và phê bình đồng chí mình, tự chỉ trích, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, sẵn sàng từ chức khi dân chúng không còn tín nhiệm.
Hiện nay, tham nhũng như dịch bệnh, diễn ra nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành. Với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đảng ta phải “nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra.
Phải kiên quyết, kiên trì với quyết tâm chính trị cao trong việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả mà Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đề cập. Phải coi tăng biên chế, phình bộ máy là một dạng tham nhũng, khi đó chúng ta mới đủ quyết tâm xử lý và thực hiện có hiệu quả.
Tóm lại, xây dựng, chỉnh đốn Đảng cầm quyền thành một Đảng thật sự là đạo đức, là văn minh trong điều kiện nay tuy hết sức khó khăn, phức tạp, vì lực cản chính là “giặc nội xâm” trong mỗi con người chưa bị đánh bại và một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên - trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, kể cả một số cán bộ cao cấp - hư hỏng, tha hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nhưng khó không phải không làm được.
Khó dễ là tại mình. Từ chỗ chưa cầm quyền trở thành cầm quyền, Đảng ta có một bước phát triển về văn minh chính trị. Nhưng Đảng cần phải trưởng thành về văn hóa chính trị, tức là sử dụng quyền lực đó vì lợi ích của dân tộc và Tổ quốc, làm cho đồng bào sung sướng, hạnh phúc. Muốn làm được điều đó thì - như Bác Hồ dạy - “trước hết phải đánh thắng lòng tà là kẻ thù trong lòng mình. Phải “chính tâm tu thân” mới có thể “trị quốc bình thiên hạ”.
Vấn đề cần nhận thức thấu đáo là làm đảng viên Cộng sản tức là làm người có trình độ cao, nhưng vẫn trên cái nền “làm người”; đổ vỡ tư cách làm người, thiếu nhân tính là đổ vỡ tất cả. |
PGS.TS Bùi Đình Phong