Sau trận thắng giòn giã 3-0 của U22 Việt Nam trước U22 Indonesia, tôi nhận ngay được email của bạn tôi, nhà thơ Nguyễn Đỗ, từ Hoa Kỳ gửi về. Hóa ra, anh chàng này có xem trực tiếp trận Việt Nam-Indonesia, dù hằng ngày phải đi làm vất vả: “Lâu lắm rồi mới đọc bài bóng đá của ông. Còn tôi, như vậy là sau 20 năm mới xem trọn vẹn, trực tiếp một trận bóng đá Việt Nam.
Niềm vui chiến thắng của đội tuyển U22 Việt Nam khi lần đầu tiên đăng quang tại đấu trường SEA Games. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG |
Cả kỹ thuật lẫn chiến thuật khác xưa rất nhiều và bóng đá Đông Nam Á đã tiệm cận sát với bóng đá thế giới. Ngày xưa, xem bóng đá Việt rất hồi hộp, phập phù, không bao giờ đội bóng chủ động được thế trận. Bây giờ đã khác”, bạn nói.
Tôi quan tâm tới 4 chữ cuối cùng, vì theo tôi, nó nói đúng về bóng đá Việt Nam hiện nay: “Bây giờ đã khác”. Tôi ấn tượng với nhận xét ngắn gọn của một nhà bình luận bóng đá Việt Nam sau trận chung kết SEA Games 30: “Chỉ tung ra năm cú sút, có tới bốn lần bóng đi đúng hướng cầu môn và mang lại ba bàn thắng. Các cầu thủ Việt Nam biến trận chung kết SEA Games được dự báo tiềm ẩn hiểm nguy trở thành màn trình diễn hoàn hảo của bản lĩnh, đẳng cấp và vị thế của nền bóng đá số một Đông Nam Á”.
Đó là một nhận xét “yêu nên tốt”, chứ trong một trận bóng, điều người ta quan tâm trước hết là những bàn thắng chứ không phải những cú sút cầu môn. Có những trận mà đội bóng chơi hay hơn sút cầu môn liên tục, nhưng chỉ ghi được… một bàn thắng. Ngược lại, có những trận, như trận đội Việt Nam vừa chơi và đã được nhà bình luận thống kê, tỷ lệ ăn bàn trong tổng số cú sút là 3/5, ngang với 60% - một tỷ lệ cao khó tưởng tượng. Nhưng điều đó chưa đủ để đánh giá một đội bóng mang danh hiệu quốc gia, dù là bóng đá trẻ và chưa giải thích được vì sao bóng đá Việt Nam “nay đã khác”.
Có thể nói, đây là thành tựu “một ngày trồng cây, mười năm chăm sóc, một giờ hái quả” của sự nghiệp đào tạo bóng đá trẻ. Mà nói đến đào tạo trẻ, thì lập tức chúng ta phải nhớ ngay tới ông bầu Đoàn Nguyên Đức, một cái tên đã quen trên làng bóng đá Việt từ hơn 10 năm trước. Tôi còn nhớ, khi bầu Đức chính thức khai giảng khóa đào tạo đầu tiên của Học viện Bóng đá Hoàng Anh-Gia Lai (HA-GL), tôi may mắn được lên Pleiku và dự lễ khai giảng này, theo lời mời của một người bạn, là tuyển trạch viên kiêm trợ lý huấn luyện viên Học viện HA-GL lúc đó.
Tôi gặp vị này ở Quảng Ngãi, khi ông cùng đoàn của học viện đi khắp cả nước để tuyển những em bé có tố chất và đam mê bóng đá, đưa về đào tạo. Ngồi ăn cơm với nhau, ông nói với tôi: “Hầu hết các cháu được chọn đều là con nhà nghèo, ở nông thôn, có những cháu nhà rất nghèo”. Lúc đó tôi đã nói: “Các cháu con nhà giàu ít chọn con đường này anh ạ, vì nó vất vả, mà tương lai chưa biết thế nào. Cứ coi đây là “cánh cửa thoát hiểm” của các cháu con nhà nghèo đi, vì người nghèo ít có khả năng chọn lựa lắm”.
Hóa ra, tôi nói đúng. Nghe đâu cầu thủ Văn Hậu, người vừa ghi hai bàn thắng trong tổng số ba bàn vào lưới U22 Indonesia, ngày xưa là một chú bé… chăn bò.
Cũng bắt đầu từ lò đào tạo Học viện bóng đá HA-GL của bầu Đức, sau gần 10 năm, đã cho ra lứa cầu thủ trẻ đầu tiên như Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn… Đó là những cầu thủ trẻ mà tài năng đã được kiểm chứng trên sân cỏ, là lớp cầu thủ Việt Nam hoàn toàn khác với những lớp cầu thủ trước: Được học hành bài bản, được học cả văn hóa và nhất là, học tiếng Anh. Khi nghe những cầu thủ này nói tiếng Anh với trọng tài hay cầu thủ đội bạn, tôi chợt rưng rưng cảm động. Có ngoại ngữ là có cơ hội để đi xa hơn trong sự nghiệp bóng đá. Đúng là “có học có khác”, và đó là cái khác đầu tiên.
Lớp cầu thủ xuất thân từ học viện bóng đá này có lối sống văn minh và khả năng hòa nhập của họ với bóng đá quốc tế. Không chỉ luyện tập miệt mài, tiếp thu nhanh kiến thức và kỹ năng, họ còn thể hiện một lối chơi văn minh, không bạo lực trên sân cỏ, trong những cuộc giao đấu. Đó là một cái khác nữa của bóng đá Việt Nam.
Từ thành công của Học viện Bóng đá HA-GL, nhiều học viện bóng đá khác của những ông bầu khác cũng đã hoạt động rất tích cực, và kết quả là sau một thập kỷ, bóng đá Việt Nam đã có một lực lượng trẻ khá hùng hậu. Từ đó, các CLB bóng đá trong nước cũng nghiêng dần về sử dụng những cầu thủ trẻ Việt Nam, hạn chế dần lượng cầu thủ nước ngoài trong đội hình. Một số, dù còn ít, các CLB đã thành công với những cầu thủ trẻ Việt Nam do mình đào tạo, đặc biệt là CLB Hà Nội của bầu Hiển. “Có thực mới vực được đạo”, thì “Có cầu thủ mới rủ được huy chương Vàng”. Đó là một cái khác rất quan trọng.
Bóng đá khởi đi từ đôi chân, nhưng lại quyết định bởi… cái đầu. Chính vì thế, bóng đá thế giới mới xuất hiện những huấn luyện viên siêu đẳng, những người tiêu biểu cho cái đầu của đội bóng, và đôi khi, của cả một nền bóng đá. Bóng đá Việt Nam không thiếu huấn luyện viên, cả nội lẫn ngoại, nhưng trong rất nhiều năm, vẫn còn chông chênh trong sự hô ứng giữa dàn cầu thủ và huấn luyện viên, sự hô ứng tạo nên động lực và hiệu quả nhiều khi đến bất ngờ, đến khó tưởng tượng.
Cho đến một ngày…
“Trời cho ông Park Hang-seo
Việt Nam bóng đá mổ heo ăn mừng” (ca dao đời mới )
Nói “trời cho” là nói theo dân gian, chứ bóng đá Việt Nam được như hôm nay, mọi người đã biết phải cảm ơn ai rồi. Cứ coi như đó là cái duyên, khi ông Park Hang-seo, một HLV người Hàn Quốc, trở thành một HLV mang khí chất, niềm kiêu hãnh và ý chí quyết thắng của người Việt Nam, truyền được tất cả những tố chất mãnh liệt ấy vào từng đội tuyển bóng đá, từ đội tuyển U23, đội tuyển quốc gia tới đội tuyển U22 mang vinh quang về cho Tổ quốc ở Sea Games 30 vừa qua. Ông Park Hang-seo là một “người đặc biệt”, theo cái cách mà người ta gọi ông Mourinho, có điều ông Park khiêm nhường hơn, dù không hề kém tự tin.
Có cái duyên gặp gỡ này, lại nhớ và cảm ơn bầu Đức, người đã đưa được Park Hang-seo về cho bóng đá Việt Nam, và trong suốt mấy năm đầu đã móc tiền túi trả lương cho ông Park, chỉ với mong ước ông Park yên tâm dẫn dắt bóng đá Việt Nam có được thành tựu.
Ông Park Hang-seo đã làm được điều mà hàng triệu người yêu nước, yêu bóng đá Việt Nam mong muốn. Bây giờ, con đường của bóng đá Việt Nam đi tới sân chơi châu Á và thế giới đã mở ra với nhiều triển vọng. Nhưng khó khăn phía trước mới thực sự cần một khát vọng lớn từ những đội tuyển, từ HLV và tất cả cầu thủ. Một khát vọng lớn từ sự đổi khác, đổi mới, sáng tạo, vượt qua những nỗi sợ đeo đẳng của bóng đá Việt Nam từ bao nhiêu năm nay.
Với bóng đá nữ Việt Nam, sự cần cù, hy sinh, hết mình của cả đội tuyển, sự ân cần, chăm sóc cầu thủ, khiêm nhường nhưng quyết liệt của HLV Mai Đức Chung đã đưa dàn cầu thủ nữ Việt Nam vóc dáng nữ tính mảnh dẻ, thậm chí nhỏ con của Việt Nam chơi những trận đấu “không tưởng” vì lòng quả cảm và đức hy sinh. Nhất là ở trận chung kết, gặp lại đối thủ Thái Lan - đối thủ lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, cầu thủ nữ Việt Nam đã chơi một trận bóng khiến người dân Việt Nam phải xúc động. Nhiều người đã khóc vì thương những cầu thủ nữ giàu đức hy sinh của mình. Lần thứ 6, bóng đá nữ Việt Nam đăng quang ngôi hậu ở một kỳ SEA Games.
Chỉ mong, cầu thủ nữ Việt Nam sẽ nhận được những món quà mà họ xứng đáng được nhận, để không còn cảnh những nữ cầu thủ sau khi giải nghệ phải đẩy xe bánh mỳ bán dạo như lớp cầu thủ cách đây vài chục năm. Lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bữa tiệc mừng chiến thắng rằng sẽ bảo đảm đời sống tốt cho nữ cầu thủ sau khi giải nghệ, tôi nghĩ lời hứa ấy là một món quà nhất định sẽ được trao tặng cho những nữ cầu thủ đáng kính trọng của chúng ta. Vâng, tôi nói “đáng kính trọng”, vì không còn biết dùng từ nào khác. Bóng đá, với người Việt Nam, không chỉ là bóng đá. Nó còn là mong ước, là khát vọng, là nghĩa tình, là nhân cách, là sẻ chia của cả một dân tộc.
Bóng đá Việt Nam bây giờ đã khác. Và, đó là những cái khác trong một dòng chảy thống nhất.
Thanh Thảo