Báo Đà Nẵng Xuân 2020

Lời thề với Tổ quốc và nhân dân

16:23, 09/01/2020 (GMT+7)

Năm ấy đại đội 2, pháo 37 ly thuộc trung đoàn 593 mới lập. Tôi về đại đội đó làm A trưởng.

Tôi chưa phải đảng viên. Bởi tôi vẫn khai thành phần tiểu tư sản, vì ruộng nương ở quê nhà, đời ông, rồi đến đời cậu tôi là trưởng tộc, có 5,3 mẫu đất, nhưng từ năm 1950, cậu tôi đã hiến cho kháng chiến 3 mẫu. Song khi đi nghĩa vụ, lý lịch công an hộ khẩu vẫn phê vào rằng, cha tôi là địa chủ kháng chiến. Suốt bao năm tôi rất thiệt thòi. Đến vào Đoàn cũng khó khăn, cảm tình Đảng khó vô cùng, không được.

Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau (nằm trong khuôn viên đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ) được mô phỏng theo kiến trúc cột cờ tại Thủ đô Hà Nội.  Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN
Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau (nằm trong khuôn viên đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ) được mô phỏng theo kiến trúc cột cờ tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN

Chính trị viên đại đội mới khi ấy là anh Gội. Anh Gội quê Hà Tây, là người rất sâu sát cùng anh em binh lính, đồng cam cộng khổ, chiến đấu cũng rất oách, nên tôi kính trọng. Anh Gội thấy tôi có uy tín với anh em Hà Nội, lại khi làm A trưởng luôn nhanh nhẹn, chiến đấu khá nhất đơn vị, nên hay gần gũi tôi, tâm sự cả chuyện anh có vợ và hai con gái. Anh mong có thằng con trai mạnh khỏe, nhanh nhẹn như tôi. Một hôm anh hỏi, sao Thọ ở bộ đội lâu thế mà không được cảm tình Đảng. Tôi cười ngượng nghịu, rồi kể ngọn nguồn với anh là, tôi tự biết khi lý lịch bị phê như vậy thì khó vào Đảng lắm, nên tôi từ chối. Anh Gội động viên rồi nói, mình sẽ đưa ra chi bộ theo dõi đồng chí và nếu chi bộ đồng ý Thọ nên cố gắng trở thành đảng viên. Đảng cần những người cán bộ như em.

Tôi suy nghĩ lắm, song nghĩ, bao năm ở chiến trường, cứ xét cảm tình là bị loại, chắc gì chi bộ lần này đồng ý. Nhưng nhiệm vụ chiến đấu thì không thể làm không tốt, nên dù tôi chẳng hy vọng gì việc vào Đảng, vẫn chỉ huy tốt, luôn đứng đầu đại đội. Rồi vài tuần sau, anh Gội lại gặp. Thì ra chi bộ đã xét và đồng ý tôi trở thành cảm tình của Đảng. Nửa năm nữa qua đi, anh Gội lại bảo tôi, em viết đơn xin vào Đảng để chi bộ xét.

Đêm ấy tôi suy nghĩ lắm. Rồi nửa đêm, lấy tờ giấy học trò ra, suy nghĩ, cặm cụi viết đơn xin vào Đảng. Tính tôi độc lập nên không làm theo mẫu. Tôi viết lá đơn giản dị, lý do xin vào Đảng đơn giản: “Tôi thấy Đảng là tổ chức chính trị lãnh đạo giành Độc lập, Tự do cho Tổ quốc. Qua 7 năm chiến đấu, thấy đảng viên luôn đi đầu, sẵn sàng hy sinh cho đồng đội, cho đất nước, nên tôi kính trọng, mà muốn trở thành một đảng viên để cống hiến cho đất nước”. Cuối đơn tôi ghi rõ, cha tôi dặn là con người phải trung và tín. Nếu là đảng viên, tôi sẽ không bao giờ phản bội Đảng, cần chết cho sự nghiệp của Đảng, cho nhiệm vụ của đơn vị, tôi chấp nhận hy sinh. Viết xong, đêm khuya, tôi vẫn tìm hầm, gặp anh Gội, đưa cho anh. Anh Gội đọc đơn ngay. Đọc xong anh cười tủm tỉm, đặt tay lên vai tôi nhẩn nha nói, mọi người đều viết đơn theo mẫu. Đơn của cậu thật lạ, nhưng cậu là người lính trung thực.

Rồi sư đoàn 320 đánh Chư Nghé. Địch trong công sự kiên cố có cả tiểu đoàn. Pháo từ Plâycu, Kon Tum yểm trợ. Máy bay A37 vẫn từng tốp 4 chiếc bay lên. Phải nhổ Chư Nghé, không để cái gai cắm sâu vào đất ta. Sư 320 có E tôi phối thuộc đánh một trận diệt gọn căn cứ này.

Bấy nay đại đội giao cho nhiều nhiệm vụ, A tôi đều hoàn thành xuất sắc. Từ mùa mưa đi gùi gạo cứu đói cho dân rất vất vả, tới làm nương cực nhọc hay huấn luyện, không việc nào tồi. Chiến đấu tôi cũng tỏ ra ứng biến nên thường hoàn thành xuất sắc. Thời cơ thử thách qua đi, chi bộ xét kết nạp. Sau này tôi mới rõ việc chi bộ thảo luận có kết nạp tôi hay không là cả vấn đề. Vài ý kiến rõ rằng không thể kết nạp tôi vào Đảng vì gia đình tôi là địa chủ.

Lại có người bảo, đây là đồng chí Thọ khai. Ở xa chúng ta không thẩm tra được nhỡ cha đồng chí Thọ là địa chủ nợ máu thì sao. May sao bí thư Gội rất kiên định. Anh bảo, Đảng cần các người lính ưu tú, đảng viên giỏi, để làm đầu tàu sẵn sàng hy sinh cho đất nước.

Đồng chí Thọ đủ phẩm chất ấy. Chi bộ ta cần các đảng viên như vậy. Nên bố đồng chí ấy là địa chủ chứ đồng chí ấy là địa chủ tôi vẫn đề nghị kết nạp. Còn nếu đồng chí ấy khai gian, cha mẹ nợ máu thì nay mai xác minh ra sẽ chịu kỷ luật Đảng. Hiện tại nhiệm vụ của đơn vị cần các chiến sĩ ưu tú như đồng chí Thọ. Biểu quyết, chi bộ tán thành 8 trên 9.

Chuẩn bị lễ kết nạp, tôi là quản ca của đơn vị, nên tự vẽ một lá cờ Đảng to bằng vở học trò. Lấy thuốc đỏ nhuộm đỏ. Giã ký ninh làm màu vàng. Hồ cơm lên vẽ lá cờ búa liềm.

Lễ kết nạp tôi trong hầm, vách treo lá cờ tay tôi vẽ. Lửa nến cây dầu rái bập bùng cháy, soi tỏ từng khuôn mặt đã cùng tôi sống chết. Đến lúc tuyên thệ, tôi giơ cao tay phải rồi đặt vào trái tim dõng dạc đọc lời thề. Rồi bí thư chi bộ Đảng đọc quyết định công nhận tôi là đảng viên của chi bộ. Lần đầu tiên trong quân ngũ có một người anh bảo vệ mình, tin mình đến cùng, tôi xúc động quá, nhìn vào gương mặt anh Gội, tôi đột ngột òa khóc. Khóc nức nở. Chắc khó có ai hiểu nỗi lòng tôi khi ấy.

Đời binh sĩ, trong chiến tranh luôn phải đọ sức với hiểm nguy, thì sự tin cậy nhau đứng trước cái chết, khi hiểm nguy tột cùng, cần thiết vô cùng và hạnh phúc vô cùng. Nó chính là sức mạnh, là chỗ dựa để vượt qua cái chết. Tôi đánh bao nhiêu trận, thoát chết trong gang tấc nhiều lần, chứng tỏ được tôi là ai để hôm nay có người tin tôi như chi bộ này, như anh Gội đây.

Điều đó làm tôi xúc động quá đỗi. Bao nhiêu đồng đội đã chết trên tay mà tôi bao nhiêu năm vẫn không lùi bước, coi cái chết nhẹ như lông hồng, như lời cậu tôi dặn trước lúc lên đường, thì việc trở thành đảng viên đã đánh dấu lòng tin của một tổ chức, của một cán bộ Đảng như anh Gội thực sự làm tận tâm can tôi xúc cảm.

Rồi địch muốn tái chiếm Chư Nghé. Trung đội tôi chỉ huy được nhận nhiệm vụ phục kích ngay cứ điểm cũ cùng một B khác. Chính trị viên Gội dẫn tôi lên gặp chính ủy, anh ấy hỏi nhiệm vụ này khó khăn, ý đồng chí Thọ thế nào. Tôi thản nhiên trả lời, báo cáo đồng chí, là đảng viên tôi sẵn sàng thi hành nhiệm vụ, phục kích địch có thể hy sinh tôi vẫn sẵn sàng và khi các thủ trưởng tin cậy thì Thọ này sẽ hoàn thành xuất sắc, dẫn anh  em an toàn trở về.

Đúng như dự kiến, địch mò vào, 7 cái trực thăng võ trang HU1A. Trung đội nổ súng quyết liệt dù chúng bắn rốc két, 20 ly loại 6 nòng xuống như rắc thóc. Sự đánh trả quyết liệt buộc chúng quay đầu chạy, bỏ ý định đổ quân xuống và từ đó không dám lên Chư Nghé nữa.

Trận chiến cam go, chúng tôi hành quân đánh Buôn Ma Thuột, giải phóng Sài Gòn. Bao hiểm nguy đều qua cả. Tôi được thưởng Huân chương Chiến công hạng ba vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Năm 2020 - tròn 90 năm Ngày thành lập Đảng. Tôi cũng vừa tròn 46 tuổi Đảng. Ngồi nhớ lại tôi vẫn không quên lời thề của tôi với Đảng, chính là lời thề với Tổ quốc và nhân dân. 45 năm trôi qua, trải qua biết bao thăng trầm của đất nước, tôi vẫn son sắt giữ vững lời thề, vẫn nhớ mồn một cái đêm tôi đứng vào hàng ngũ của Đảng, trong căn hầm ẩm thấp và ở tình thế chiến tranh vẫn vô cùng  ác liệt, vào Đảng để đứng đầu mũi nhọn, lúc anh em binh sĩ xung phong, tức là sẵn sàng chấp nhận hy sinh cả tính mạng mình, vì nhiệm vụ sứ mạng cao  quý của Đảng  mà nhân dân, đất nước trao cho.

 “... Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng phải trên cơ sở đổi mới căn bản mô hình phát triển kinh tế, chú trọng phát triển theo chiều sâu, kết hợp với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý; phát huy mạnh mẽ vai trò của các thành phần kinh tế; coi nguồn lực trong nước là nền tảng và quyết định, nguồn lực nước ngoài là quan trọng. Nhận diện và phát huy tốt các động lực tăng trưởng mới, nhất là việc xây dựng chính quyền đô thị và phát triển kinh tế tư nhân, đẩy mạnh và phát huy hiệu quả kết nối, liên kết vùng, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, coi việc nâng chất lượng cuộc sống của người dân đạt ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm; tập trung phát triển 3 trụ cột chính: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo, trật tự, an toàn xã hội...”

(Trích Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045)

Tập trung triển khai ngay những cơ chế, chính sách đã được thực tế chứng minh là hiệu quả; đồng thời nghiên cứu, đề xuất Trung ương những cơ chế, chính sách mới, phức tạp nhưng cấp thiết cho sự phát triển của thành phố để thí điểm thực hiện.

Chủ động nghiên cứu, đề xuất Trung ương ban hành các văn bản pháp luật về thí điểm thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính-ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương…; nghiên cứu cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào thành phố.
Nghiên cứu xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật; đề xuất thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế.

(Trích Chương trình số 29-CTr/TU ngày 10-5-2019
của Thành ủy Đà Nẵng triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII)
về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045)

Nguyễn Văn Thọ

.