Một thế kỷ dưới ánh sáng Chủ nghĩa Mác-Lênin

.

Năm 1920, với sự khẳng định dứt khoát của Nguyễn Ái Quốc: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, một thế kỷ đã trôi qua. Chúng ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ như hôm nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đinh Tân Trào (1961).Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đinh Tân Trào (1961). Ảnh tư liệu

Tìm được đường cứu nước từ đêm đen nô lệ

Từ giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp nổ súng ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) mở đầu quá trình bành trướng xâm lược Việt Nam, hơn 60 năm nhân dân Việt Nam sống trong cảnh: “Đêm sao đêm mãi tối mò mò/ Đêm đến bao giờ mới sáng cho?”.

Hàng trăm cuộc đấu tranh anh dũng từ Nam ra Bắc vào Trung với bao hy sinh xương máu, nhưng đều không giành được thắng lợi. Triều đình phong kiến từ chỗ lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống Pháp đã từng bước nhượng đất cho giặc. Hiệp ước Patenotre (6-6-1884) đánh dấu chấm kết thúc vai trò lãnh đạo của giai cấp phong kiến nhà Nguyễn. Ngọn cờ đấu tranh trao vào tay các sĩ phu, văn thân yêu nước, không chịu sống đời nô lệ.

Bước sang thế kỷ XX, những con người tràn đầy bầu máu nóng nhiệt huyết cứu nước, cứu dân với “Bình Tây thu Bắc”, “Hải ngoại huyết thư”, nhưng rốt cuộc vẫn “trăm thất bại không một thành công” như lời than của Phan Bội Châu.

Cả dân tộc bế tắc về con đường, tổ chức và phương cách cứu nước.

Nhớ lại thời đoạn đó của lịch sử, có lần trả lời nhà văn Mỹ Anna Strong, Bác nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ”.

Lúc bấy giờ, từ năm 1901, có thân phụ là một Phó bảng, sự nghiệp quan lộ của Nguyễn Tất Thành rộng mở. Nhưng với lòng yêu nước thương dân, căm thù giặc sâu sắc, lại nhận được cảm hứng “đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình” (vật dĩ quan gia vi ngô phong dạng) từ người cha, cùng với những câu thơ Phan Bội Châu thường ngâm: “Mỗi bữa không quên ghi sử sách/ Lập thân hèn nhất ấy văn chương”, Nguyễn Tất Thành đã muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta.

Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo này của Nguyễn Tất Thành sau này đã được Người nhắc lại trong những cuộc trò chuyện với các nhà báo nước ngoài. Trả lời nhà báo Nga Osip Mandelstam, Người nói: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”. Trả lời nhà văn Mỹ Anna Strong, Người nói: “Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.

Số phận dân tộc ta được định đoạt bởi quyết tâm đi ra nước ngoài, khám phá nền văn minh Pháp, hoài nghi với những chữ Pháp “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” cách đây 100 năm, để trở về giúp đồng bào của Nguyễn Tất Thành.

Một thế kỷ vẫn nóng hổi tính thời sự

Cái gì đến, sẽ đến. Từ Nguyễn Tất Thành đến Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn - Người yêu nước), rồi Hồ Chí Minh, một ý chí cao độ, dứt khoát, rõ ràng, quyết tâm thực hiện giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người được khởi phát dưới ánh sáng Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin năm 1920.

Không phải ngẫu nhiên khi đọc Luận cương của Lênin, Bác của chúng ta lại “vui mừng đến phát khóc lên”. Ngồi một mình trong buồng mà Người nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.
Con đường dẫn Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Lênin là sự tích tụ của lòng yêu nước, thương dân; là thời gian được nuôi dưỡng, vun bồi vốn văn hóa của gia đình, quê hương, dân tộc; được trang bị những kiến thức khoa học, thực tiễn, vốn sống qua nhiều châu lục, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều hạng người, nhiều số phận, nhiều màu da, tiếng nói, chủng tộc. Sự trải nghiệm của Hồ Chí Minh cho thấy văn minh châu Âu trên đất nước của Người dùng lưỡi lê và rượu độc; pho tượng Thần Tự Do đứng ở cảng New York tuy bên ngoài rất đồ sộ, cao to, nhưng bên trong thì rỗng tuếch!

Đọc Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng. Bởi vì, qua nghiên cứu, tìm tòi, Người nhận ra rằng tuy học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chỉ có chủ nghĩa Lênin là chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất.

Nhận thức đó của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh một thế kỷ trôi qua vẫn còn nguyên giá trị và nóng hổi tính thời sự. Giá trị và tầm vóc của sự kiện là ở chỗ Người luôn luôn biết vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn Việt Nam. Qua trí tuệ, bản lĩnh, phương pháp Hồ Chí Minh, một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, Chủ nghĩa Mác-Lênin luôn luôn mang sinh khí của một học thuyết. Nói đến Hồ Chí Minh là nói đến tính hiện đại, phổ quát và rất Việt Nam.

Truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam để kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, Hồ Chí Minh đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng theo đúng đường lối Mác-Lênin, lòng dân và ý Đảng kết thành một khối, tạo nên sức mạnh to lớn, làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do, tạo tiền đề đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lấy dân làm gốc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành các cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Hơn 30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, đánh dấu sự trưởng thành của Đảng. Từ chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng ta lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động là bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận.

Nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa những sai lầm khuyết điểm, vượt lên chính mình, tự đổi mới, chỉnh đốn, gắn với xây dựng, Đảng ta đã giữ vững được vai trò lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền, từng bước đưa công cuộc đổi mới tiến lên.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân ta xác định đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, vì một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, cùng nhịp bước với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại.

PGS.TS Bùi Đình Phong

;
;
.
.
.
.
.