Chợ Tết nay đã khác xưa

.

1. 28 Tết, chị Thùy Nhung (28 tuổi, nhân viên kế toán, trú đường Hải Phòng, quận Thanh Khê) tạt về nhà ba mẹ. Nhìn quanh quất, chị hỏi: “Mẹ đi chợ hả ba?”. “Ừ, giờ ni thì bả ở ngoài chợ chớ đâu nữa”. “Răng đi chợ miết rứa hè, sáng mô cũng đi, mua miết chưa đủ hà?”.  “Ừ, đi miết, mua miết, xách miết về. Răng mà ưng ra chen chúc ngoài chợ rứa không biết”.

Hầu hết các chợ truyền thống nay đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: QUỲNH TRANG
Hầu hết các chợ truyền thống nay đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: QUỲNH TRANG

Qua mấy câu đối thoại chị “khoe” với ba: “Nhà con sắm sửa hết rồi, từ nải chuối, quả bưởi, gạo nếp, đậu xanh loại ngon nhất đến đặc sản vùng miền như miến dong Hà Nội, măng khô Lạng Sơn đến thịt heo một nắng Phú Yên… Con chỉ ở nhà mở điện thoại ra là cái chi cũng có, lại có hàng tá ưu đãi, tích điểm, nào là các shop thực phẩm online giao hàng tận nơi, đúng giờ, sơ chế sẵn, mình chỉ việc ngồi một chỗ kích chuột, gọi một cú điện thoại là xong”. “Rứa à, có tươi ngon không con, bây coi chừng nó quảng cáo một đường rồi giao hàng một nẻo nghe, chưa kể sát Tết các cửa hàng đông đúc rồi nó quên giao hàng cho mình là Tết nhứt không có món chi trong nhà đó hỉ”, ba chị băn khoăn nói. Chị cười lớn: “Thời đại ni mua chi cũng có chấm điểm 3,4,5 sao ba ơi. Mình coi chỗ mô uy tín, nhiều người đánh giá cao mình mới mua chớ”…

Tiếng dép của người mẹ bên ngoài cắt ngang cuộc trò chuyện của hai cha con. Mẹ chị cười, bảo: “Thời gian đã làm nhiều giá trị chuyển dịch, thay đổi, biến mất. Trong đó có chợ Tết. Mẹ không buộc các con phải tất bật như các bà, các dì ngày xưa. Mỗi năm, Tết chỉ ghé qua một lần. Mẹ mong con xắn tay vun vén, thành tâm sửa soạn, từ nhà bếp đến ban thờ. Một mai khi ba mẹ già yếu, chẳng được gần con nữa, miễn sao nhớ tới Tết, con sẽ nhớ về ba mẹ, gia đình, nhớ mẹ chăm chút cắm từng bông hoa trên bàn thờ ông bà, nhớ ba thay chân hương mới ngày cúng ông Công, ông Táo; nhớ căn bếp lúc nào mẹ cũng chuẩn bị đầy ắp đồ ăn, nhớ những ngày giáp Tết cùng mẹ ra chợ lấy gà cúng cho bữa cơm tất niên cuối năm… Khi nào trong lòng con đầy ắp nỗi lo toan, bận bịu với chợ búa, nhà cửa dịp Tết đến, là khi ấy, con đã thực sự là người phụ nữ Việt rồi đấy”.

2. Cùng mẹ đặt bình hoa, trải lại chiếc khăn trên ban thờ, chị nũng nịu: “Mẹ ơi, chợ Tết ngày nay không chỉ gói gọn trong chợ truyền thống mà tỏa ra mọi ngóc ngách. Người ta có thể đến siêu thị, trung tâm thương mại để sắm Tết, ở đó, người mua tự do lựa chọn mặt hàng, không cần chen lấn, xô đẩy, mồ hôi nhễ nhại. Với những chị em bận rộn, họ có thể đặt mua từ thực phẩm đến đồ trang trí nhà cửa, thậm chí cả trái cây, hoa tươi, áo giấy/vàng mã… trên các ứng dụng mua sắm online. Sự phát triển của công nghệ, điện thoại thông minh đã giúp thế hệ trẻ đón Tết theo phong cách hoàn toàn khác, gỡ bỏ được nhiều tất bật của Tết truyền thống. Dù vậy, tụi con vẫn lo toan, sắm Tết đủ đầy, tình yêu của thế hệ trẻ với Tết cổ truyền chẳng bao giờ mất đi mẹ à”.

Trong câu chuyện đẩy đưa của hai mẹ con, chị nói: “Với lại, để con cài đặt ví điện tử cho mẹ. Bây giờ, các chợ truyền thống, kể cả chợ phường, xã cũng có thanh toán trực tuyến, mẹ mua ít hay nhiều đều chuyển khoản được, không cần dùng tiền giấy, bám mùi tanh nồng cá, thịt”. Mẹ chị hào hứng: “Cái ni hay con nè, mẹ cũng thấy nhiều cô tuổi mẹ dùng điện thoại chuyển tiền “nhoay nhoáy” mà không cần bấm dãy số dài dễ bị nhầm lẫn như trước đây, chỉ cần đưa điện thoại vô quét cái mã rồi gõ số tiền là xong, tiện thật”.

 Bánh kẹo, mứt, hải sản khô... là những đặc sản hút khách tại chợ Hàn vào dịp Tết.  Ảnh: QUỲNH TRANG
Bánh kẹo, mứt, hải sản khô... là những đặc sản hút khách tại chợ Hàn vào dịp Tết. Ảnh: QUỲNH TRANG

3. Trong những mảng màu của Tết, bên cạnh “bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” thì ký ức về chợ Tết dường như là kỷ niệm khó quên nhất. Chẳng vậy mà dẫu cả thế kỷ đã trôi qua, mỗi khi Tết đến xuân về, những vần thơ rộn ràng, reo vui trong bài “Chợ Tết” của nhà thơ Đoàn Văn Cừ lại ngân vang trong tâm trí người đọc nhiều thế hệ: Người các ấp tưng bừng ra chợ tết/Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc/Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon/Vài cụ già chống gậy bước lom khom/Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ/Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ (…) /Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản/Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân/Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ/Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ/Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.

Chợ Tết qua bao biến thiên thời cuộc vẫn rực rỡ sắc màu, vẫn đông vui, tấp nập, vẫn là nơi không khí Tết cổ truyền về sớm nhất. Người trẻ ngày nay có nhiều lựa chọn để sắm Tết, nhàn nhã, hưởng thụ hơn. Dù sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi tâm thức sắm Tết nhưng những giá trị truyền thống vẫn được bảo lưu dưới hình thức này hay hình thức khác. Việc sắm Tết online ngày càng phổ biến khi nhịp sống trở nên nhanh hơn, con người bận rộn hơn. Nhiều người đã lựa chọn hình thức này thay vì đi chợ truyền thống. Song cũng không ít người vẫn muốn hưởng không khí Tết cổ truyền bằng cách đi chợ, tự tay lựa những món đồ cần thiết cho gia đình. Mới thấy, những gì thuộc về truyền thống luôn neo đậu, bám rễ sâu trong tâm thức của mỗi con người. Những giá trị nhân văn, sự sẻ chia, yêu thương của tình thân mỗi độ Tết về không vì công nghệ mà thay đổi. Chỉ là, chúng ta ứng xử với nó như thế nào mà thôi…

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.