“Cứu dân” - trách nhiệm cũng là mệnh lệnh thiêng liêng của những người lính giữa thời bình. Lao vào dòng nước lũ của trận mưa lịch sử giữa tháng 10 năm 2022, nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang không ngại hiểm nguy để ứng cứu, sơ tán gần 10.000 người dân đến nơi an toàn.
Các lực lượng cứu hộ ứng cứu, sơ tán nhân dân ở quận Thanh Khê trong đêm 14-10-2022. Ảnh: PV |
Ứng cứu kịp thời
Không hẹn mà trùng phùng, những ngày đầu tháng 11-2022, những đơn vị đã tham gia ứng cứu, sơ tán nhân dân trong trận lũ quét kinh hoàng vào tối và đêm 14-10-2022 tại các kiệt, hẻm ở đường Mẹ Suốt và khu vực Đà Sơn, Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) lại gặp nhau trên công trường khắc phục sạt lở tại nghĩa trang Khe Cái (phường Hòa Khánh Nam). Tại đây, nhiều câu chuyện về ứng cứu, sơ tán nhân dân trong trận lũ quét, mưa lịch sử đó được kể lại.
Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự phường Hòa Khánh Nam, kể, lúc 17 giờ 30 ngày 14-10, khi trời mưa to, 30 dân quân chia thành nhiều mũi tỏa xuống các khu vực ngập sâu để giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân sơ tán, kê cao đồ đạc. Sau đó khoảng 1 giờ, nước bắt đầu dâng lên nhanh. Các mũi dân quân, tự vệ, thanh niên bơi giỏi được huy động lội vào các khu vực ngập sâu để ứng cứu, sơ tán nhân dân.
“Khi lội vào đường Mẹ Suốt nước mới ngập ngang mắt cá chân nhưng chỉ sau 20 phút đã dâng lên tới ngực. Phương tiện ứng cứu lúc đó thiếu nhiều, có những mũi dân quân chỉ có sợi dây dài 5m để kéo người ra. Khoảng 19 giờ, các cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban Chỉ huy Quân sự quận Liên Chiểu và Lữ đoàn 74 (Tổng Cục 2, Bộ Quốc phòng) có mặt tại hiện trường, phối hợp lực lượng dân quân của phường lội vào các khu vực ngập 1,8-2m và dùng các phương tiện để đưa dân ra. Rồi các chiến sĩ công an và các nhóm có xuồng hơi, thuyền chèo sup cũng xuống hỗ trợ ứng cứu và sơ tán nhân dân”, ông Ngô Ngọc Khôi kể lại.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết |
Trung tá Ngô Văn Trỗi, Phó Tham mưu trưởng, Ban Chỉ huy Quân sự quận Liên Chiểu, kể: “Phường Hòa Khánh Nam được xác định là nhiều khu vực ngập sâu nhất quận nên chúng tôi hỗ trợ lực lượng, phương tiện như: canô, xuồng, phao bè, phao cứu sinh... xuống ứng cứu, sơ tán nhiều người dân đến nơi an toàn. Đến khi trời sáng, bộ đội mới trở về”.
Anh Nguyễn Phước Đúng, dân quân tự vệ phường Hòa Khánh Nam, chia sẻ, không thể đếm được bao nhiêu người được ứng cứu và sơ tán ra khỏi vùng ngập sâu. Ai còn sức là còn cầm dây, phao cứu sinh, xuồng... lội vào tìm gọi, cứu dân ra. Mãi đến 9 giờ 15 ngày 15-10 mới kiểm đếm được đầy đủ lực lượng dân quân tham gia ứng cứu, sơ tán nhân dân và tất cả đều an toàn. Trong đêm đó, do bị chia cắt nhiều nơi, đặc biệt là ngay khu vực cầu Bà Xí bị ngập sâu và nước chảy xiết nên các dân quân không thể lội qua được. Trong hoàn cảnh đó, 80 cán bộ, chiến sĩ cùng 2 xuồng cao su và nhiều phương tiện của Tiểu đoàn Đặc công 409 đã chủ động di chuyển từ đường Hoàng Văn Thái vào cứu được rất nhiều người dân.
Các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 409 cũng kể lại việc đã bơi ra cứu 2 mẹ con bà Trần Thị Kim Trang (trú tại tổ 45, phường Hòa Khánh Nam) để đưa lên thuyền. Đặc biệt là các cán bộ, chiến sĩ phát hiện 4 thành viên trong gia đình chị Nguyễn Thị Vy Ân đang bám trên mái nhà và đưa về trụ sở đơn vị an toàn. “Gia đình tôi dỡ tôn, leo lên mái để chờ nước rút mà nước vẫn dâng lên ngập gần lút mái nhà. Lúc đó, may mà bộ đội đến cứu kịp thời”, bà Nguyễn Thị Vy Ân nói.
Thiếu tá Lê Quang Hiệp, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công 409, cho hay: “Đến hơn 3 giờ sáng 15-10, công tác cứu hộ nhân dân mới kết thúc, 100 hộ gia đình đã được các cán bộ, chiến sĩ lội vào ứng cứu và sơ tán, trong đó có 203 người được bố trí ăn, ở ngay tại đơn vị”.
Thắm tình quân dân
Trong tối 14-10, do mưa lớn lịch sử lại xảy ra đúng thời điểm triều cường nên đã gây ngập diện rộng 52/56 phường, xã thuộc 7 quận, huyện với hầu hết các tuyến đường và gần 73.000 nhà dân bị ngập. Theo Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, các lực lượng vũ trang kịp thời ứng cứu, sơ tán gần 10.000 người đến nơi an toàn. Đại tá Nguyễn Văn Hòa, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, cho hay: “Ngay từ chiều tối 14-10, chúng tôi chủ động chỉ huy các lực lượng ở các quận, huyện, phường, xã đến các địa điểm xung yếu, nước ngập sâu, chảy xiết để sơ tán nhân dân cũng như ứng cứu người bị mắc kẹt, hỗ trợ nhân dân di chuyển, kê cao đồ đạc... Cùng với đó, huy động 6 phương tiện đặc chủng cùng nhiều canô, xe tải để phục vụ ứng cứu, sơ tán nhân dân. Trong đó có 6 trường hợp ở quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang mà nếu cứu chậm 30 phút thì người dân sẽ mất an toàn tính mạng. Các lực lượng quân đội đã phối hợp với lực lượng công an, biên phòng và chính quyền các địa phương ứng cứu, sơ tán nhiều người dân ở nhiều vùng ngập lũ, lụt trọng điểm”.
Các lực lượng cứu hộ ứng cứu, sơ tán nhân dân ở quận Thanh Khê trong đêm 14-10-2022. Ảnh: PV |
Đại tá Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Công an thành phố, thông tin, Công an thành phố đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân và các phương tiện giao thông mắc kẹt trên các tuyến đường, nhà dân bị ngập nước, nhất là các khu vực như: đường 2 Tháng 9, Cách mạng Tháng Tám... Các đơn vị đã cứu nạn thành công một nhóm người bị mắc kẹt tại khu vực bán đảo Sơn Trà do sạt lở núi và hàng ngàn người dân bị mắc kẹt tại nơi cư trú hoặc trên các tuyến đường do nước ngập nhanh. Sau ngập lụt lịch sử, các lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố đã hỗ trợ dọn vệ sinh 47 trường học và chợ trên địa bàn, nạo vét và xử lý bùn non trên 72km đường nội thành và thu gom, vận chuyển 200 tấn rác ở các khu dân cư, giúp người dân nhanh chóng trở lại với đời sống bình thường.
Đến thăm các lực lượng vũ trang đang khắc phục hậu quả mưa lũ tại nghĩa trang Hòa Sơn vào cuối tháng 10-2022, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: “Thành phố Đà Nẵng đã chịu nhiều thiệt hại do lũ, lụt lịch sử bởi ảnh hưởng của bão số 5. Qua những việc làm rất nhân văn, nghĩa tình và luôn luôn có mặt mọi lúc, mọi nơi của các cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ trong những tình huống khó khăn, gian khổ, đặc biệt là trong và sau thiên tai, bão, lũ... đã thể thiện phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” và tình cảm quân với dân như cá với nước. Lãnh đạo thành phố cảm ơn các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Về lâu dài, thành phố sẽ có những giải pháp để bảo đảm an toàn trong thiên tai, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra”.
HOÀNG HIỆP