Với tinh thần không ngại dấn thân, dám nghĩ dám làm, sinh viên Đại học Đà Nẵng để lại ấn tượng khi hiện thực hóa những ý tưởng nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật. Hầu hết sản phẩm bắt kịp xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, có tính ứng dụng cao trong lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường.
Nhóm sinh viên Đại học Kinh tế thuyết minh về dự án “Sống động lịch sử” tại cuộc thi khởi nghiệp cho sinh viên. Ảnh: NVCC |
Xe hỗ trợ di chuyển cho bệnh nhân
“Cái khó nhất trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng của mình là ý chí quyết tâm, lòng kiên trì để hoàn thành nó”. Đó là tâm sự của Phan Thế Hiền (SN 2001, Trưởng nhóm nghiên cứu, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng) về quá trình chế tạo xe hỗ trợ di chuyển dành cho bệnh nhân, người khuyết tật, người già trong bệnh viện.
Ý tưởng ra đời trong một lần Hiền chứng kiến người thân của bệnh nhân bại liệt phải rất vất vả di chuyển, thực hiện việc vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân. Từ đó, Hiền đã nhen nhóm ý tưởng chế tạo được một sản phẩm trợ lực giúp việc di chuyển các bệnh nhân được dễ dàng, thuận tiện hơn. Nghĩ là làm, từ tháng 3-2020, Hiền cùng 3 sinh viên trong nhóm bắt tay vào việc hiện thực hóa ý tưởng về sản phẩm hỗ trợ cộng đồng này.
Tuy vậy, cả nhóm phải mất hơn 3 tháng để hoàn thành đề án và thuyết phục các thầy cô về tính khả thi, ứng dụng vào cuộc sống của sản phẩm. “Hiện nay, trên thị trường vẫn có những sản phẩm xe hỗ trợ cho bệnh nhân nên ngay khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng, chúng em mất một thời gian khá lâu để trả lời cho câu hỏi “Sản phẩm này có gì khác biệt, nổi bật?”, Hiền chia sẻ. Trong gần 1 năm chế tạo sản phẩm với nhiều lần thất bại nhưng sau mỗi lần thử nghiệm không thành công, cả nhóm lại động viên nhau vượt qua nỗi thất vọng để cùng cố gắng hơn.
Sau những nỗ lực vượt bậc, nhóm đã chế tạo thành công xe hỗ trợ bệnh nhân bại liệt. Điểm nổi bật ở sản phẩm này là sự thuận tiện, đầy đủ chức năng, thiết bị có thể nâng lên hạ xuống để di chuyển ở nhiều địa hình và dễ dàng sử dụng, tiết kiệm năng lượng khi sử dụng ắc-quy 24V, điều khiển trợ lực di chuyển thông qua các nút điều khiển để điều khiển động cơ. Đặc biệt là giá thành sẽ thấp hơn so với các sản phẩm khác.
Phát hiện bệnh lý hô hấp qua tiếng ho
Trong khi đó, với sản phẩm ứng dụng theo dõi và phát hiện bệnh lý hô hấp, nhóm sinh viên do Đặng Thành Sơn (SN 2002, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng) là trưởng nhóm, đã nghiên cứu hỗ trợ cho hàng ngàn người sớm phát hiện mắc Covid-19.
Ý tưởng xuất phát từ khi Sơn tham gia dự án trí tuệ nhân tạo vì sức khỏe cộng đồng. Sơn cùng những người bạn của mình đã bắt tay vào thực hiện từng bước một, trong đó có việc nghiên cứu các ứng dụng phát hiện sớm các bệnh lý hô hấp thông qua tiếng ho. Từ tháng 11-2020, cả nhóm tiến hành việc thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu về bệnh án, trong đó có tiếng ho của những người mắc Covid-19.
“Khó khăn nhất là ở bước thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu vì vừa tốn kém sức lực và thời gian. Hầu như ngày nào cả nhóm cũng phải làm việc với 200% sức lực để sàng lọc giữa tiếng ho bình thường, tiếng ho bệnh lý và các tạp âm ngoài cuộc sống. Thời điểm đó cũng là lúc dịch bệnh bùng phát, làm việc trong điều kiện hạn chế di chuyển, mọi trao đổi đều khó khăn nên cả nhóm động viên nhau cố gắng, sớm đưa dự án vào hiện thực. Khi cơ sở dữ liệu được xây dựng xong cả nhóm đều rất hạnh phúc”, Sơn chia sẻ.
Sau khi có cơ sở dữ liệu, cả nhóm tập trung đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc nhận biết các các tiếng ho và xây dựng ứng dụng trên nền tảng Android và Windows giúp theo dõi phân chia các tiếng ho làm 4 cấp độ: tiếng ho bình thường, tiếng ho bệnh lý cấp 1, tiếng ho bệnh lý cấp 2 và tiếng ho của bệnh nhân Covid-19. Ứng dụng được xây dựng như một phần mềm chạy ngầm, có thể hoạt động ngoại tuyến trên một thiết bị hoặc hoạt động trực tuyến đồng bộ trên nhiều thiết bị bằng một tài khoản.
Ứng dụng được đăng tải miễn phí trên Google Play Store và Windows Store. Thông qua việc thu thập tiếng ho, nếu ứng dụng phát hiện tiếng ho có dấu hiệu bất thường thuộc các nhóm bệnh lý sẽ có cảnh báo đến điện thoại để giúp người bệnh sớm phát hiện. Khi đưa vào thử nghiệm, ứng dụng đã đạt độ chính xác 87% khi phát hiện các bệnh nhân Covid-19. Theo Sơn, kết quả của thử nghiệm chỉ là bước đầu, bởi dự định của nhóm là xây dựng những dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc hỗ trợ sức khỏe cho cộng đồng. Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục có thêm chương trình về cảnh báo, cứu hộ cho người dân.
“Sống động lịch sử”
Các câu chuyện lịch sử Việt Nam được cung cấp qua ứng dụng G-Old Days. Ảnh: X.HẬU |
Ở một lĩnh vực khác, với tình yêu đặc biệt dành cho lịch sử nước nhà, nhóm sinh viên Trần Khánh Linh, Khoa Tài chính, Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đã triển khai dự án “Sống động lịch sử”.
Nhận thấy nhiều bạn trẻ hiện nay không còn nhiều đam mê tìm hiểu lịch sử, Linh cùng nhóm bạn đã nảy ra ý tưởng ứng dụng công nghệ thực tế ảo dựa trên các câu chuyện lịch sử Việt Nam được cung cấp qua ứng dụng G-Old Days để lịch sử trở nên sống động, hấp dẫn hơn. “Khó nhất là phần nội dung của lịch sử Việt Nam qua các đời vua phải thật chính xác.
Chúng em may mắn có sự đồng hành hỗ trợ của những cố vấn là giáo sư lịch sử học, những người chuyên làm nghiên cứu về trang phục cổ trang của dân tộc,… Chúng em vẫn đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình. Hiện nay, dự án đang tái dựng về cuộc đời, những chiến công lừng lẫy của các vĩ nhân dân tộc. Hy vọng rằng lịch sử hào hùng của dân tộc sẽ đến gần hơn với các bạn trẻ”, Linh chia sẻ.
Điểm chung của các bạn trẻ như Hiền, Sơn và Linh là những ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp vẫn không ngừng được triển khai với mong muốn sức trẻ cùng với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật sẽ góp sức cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
XUÂN HẬU