Bảo tồn "Cây di sản Việt Nam"

.

Mỗi cây di sản được vinh danh là niềm tự hào về bề dày truyền thống văn hóa lịch sử của địa phương. Thành phố Đà Nẵng có 7 cây cổ thụ nằm trong khuôn viên di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn và bán đảo Sơn Trà được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là “Cây di sản Việt Nam”. Bảo tồn cây di sản không chỉ góp phần giáo dục văn hóa, lịch sử cho cộng đồng, mà còn bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Cây đa di sản ở bán đảo Sơn Trà có 36 chùm rễ phụ lớn nhỏ. Ảnh: Đ.H.L
Cây đa di sản ở bán đảo Sơn Trà có 36 chùm rễ phụ lớn nhỏ. Ảnh: Đ.H.L

Những cơn mưa phùn cuối năm bắt đầu xuất hiện báo hiệu thời tiết giao thời sang xuân cũng là lúc những cây cổ thụ trên ngọn núi Thủy Sơn của danh thắng Ngũ Hành Sơn đâm chồi nảy lộc tươi tốt. Chúng tôi hòa mình vào các đoàn khách du lịch đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) để khám phá những cây di sản nơi đây.

Trường tồn hàng thế kỷ

Ấn tượng đầu tiên khi đứng làm lễ cầu nguyện ở chùa Linh Ứng dưới chân núi Thủy Sơn là quang cảnh không gian lắng đọng và thiêng liêng nhờ những tán cây đa sộp tỏa cành xum xuê che kín ngôi chùa và che chở những du khách khỏi bị ướt mưa. Từ đây nhìn lên đỉnh núi, những thân cây đa cổ thụ vững chãi - nhân chứng cho lịch sử thăng trầm của mảnh đất Hòa Hải anh hùng - dường như vẫn còn lưu dấu những bước chân người xưa lưu lạc qua đây.

Anh Lưu Phong, du khách Đài Loan (Trung Quốc) không khỏi trầm trồ khi nghe hướng dẫn viên thông tin về niên đại của cây đa cổ thụ này: “Trên một ngọn núi cao toàn đá vôi mà có một cây đa to tồn tại hàng trăm năm như thế quả là đáng kinh ngạc. Những cây xanh có tuổi đời hàng trăm, hàng ngàn năm là “chứng nhân” sống xuyên thế kỷ, minh chứng cho lịch sử trường tồn của danh thắng Ngũ Hành Sơn”.

Theo anh Thái Hải Chung, nhân viên Ban Quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, nhiều du khách nước ngoài  đến tham quan rất thích thú khi đi qua động Tàng Chơn bởi nơi đây không chỉ có cây đa sộp có niên đại hàng trăm năm tuổi, mà còn có thêm hai cây bồ kết hơn  200 tuổi. Đây là những loài cây quý làm đẹp cảnh quan di tích và tạo bóng mát cho du khách tham quan. Do mọc trên núi đá vôi và có tuổi thọ cao, hai cây bồ kết hiện giờ không ra quả nữa nhưng vẫn tỏa bóng xanh mát mỗi ngày.

“Trước đây, ở động Tàng Chơn có ba cây bồ kết, tuy nhiên, trận bão Noru năm ngoái đã làm gãy ngọn khiến một cây chết. Đến nay, ngọn Thủy Sơn có tất cả 6 cây cổ thụ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận cây di sản, trong đó có hai cây bàng, hai cây bồ kết, một cây đa sộp và một cây thị. Hầu hết các loài cây này có niên đại hơn  100 năm tuổi, trong đó cây đa sộp có tuổi thọ hơn 300 năm tuổi”, anh Thái Hải Chung giải thích.

Cùng với sáu cây di sản ở danh thắng Ngũ Hành Sơn, cây đa cổ thụ hơn 800 năm tuổi ở bán đảo Sơn Trà cũng được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận cây di sản vào tháng 5-2014. Trước đây, người dân thường gọi cây này là “cây đa ngàn năm” nhưng kể từ khi được hội chứng nhận, cây đa được gắn bảng hiệu “Cây đa di sản”.

Theo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cây đa di sản ở bán đảo Sơn Trà có độ cao hơn  22m, chu vi thân chính và thân phụ 85m. Cây có bộ rễ đẹp với gần 36 chùm rễ phụ lớn nhỏ, trong đó có 26 rễ phụ lớn tiếp đất. Hiện cây đa di sản là điểm dừng chân của tour “Vòng quanh bán đảo Sơn Trà” đang được các công ty lữ hành khai thác phục vụ khách thập phương đến tham quan. Đa là loài cây gắn bó với đời sống văn hóa tâm linh và đi vào ca dao, dân ca của người Việt qua hình tượng “cây đa, giếng nước, sân đình”.

Bảo vệ cây di sản phục vụ du khách

Qua quan sát thực tế của chúng tôi, những cây di sản có tuổi thọ cao rất dễ bị tác động bởi thiên tai và con người. Để tránh xâm hại cây như chạm khắc lên rễ cây, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã lập một tổ bảo vệ túc trực thường xuyên tại đây. Tổ có 3 người thay phiên trực từ 7 giờ 30 đến 17 giờ 30 hằng ngày. Bên cạnh việc hướng dẫn du khách tham quan, tổ bảo vệ còn thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh,  trật tự và phòng chống cháy rừng, thu dọn vệ sinh thực bì dưới tán cây, đặc biệt là ngăn chặn thanh, thiếu niên khắc chạm vào thân cây.

Chia sẻ về công tác bảo vệ cây đa di sản ở bán đảo Sơn Trà, anh Lê Minh Việt, nhân viên tổ trật tự Sơn Trà, Phòng Quản lý khai thác du lịch Sơn Trà (Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng), cho hay vào ngày thường, cây đa thu hút khoảng 100-200 khách đến tham quan, còn vào ngày cuối tuần thì có hơn 200 khách.

“Để bảo đảm an toàn trật tự khi khách đến tham quan, tổ trật tự sẽ nắm thông tin du khách rồi cấp thẻ và hướng dẫn khách vào tham quan. Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở du khách không được chặt cây, bẻ cành, không đục khắc lên thân cây, không trải bạt ăn uống và đốt lửa trại xung quanh khu vực này”, anh Việt nhấn mạnh.

Thời gian qua, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phối hợp đơn vị tư vấn đầu tư, duy tu, bão dưỡng cây đa di sản nhằm khai thác hợp lý, an toàn để phát triển du lịch. Tuy nhiên do vướng kết luận thanh tra Chính phủ nên bản thiết kế chưa được triển khai. Ông Phan Minh Hải, Phó ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho biết: “Trong tương lai, các hạng mục thiết kế nơi đây sẽ thực hiện triển khai xây dựng như vườn dạo, hàng rào, lan can, vọng cảnh vừa bảo đảm phục vụ tốt du khách tham quan vừa làm tốt công tác bảo vệ cây đa di sản”.

So với cây đa di sản trên bán đảo Sơn Trà, những cây di sản trên ngọn núi Thủy Sơn ở danh thắng Ngũ Hành Sơn gặp nhiều rủi ro hơn bởi hầu hết chúng sinh sống trên núi đá vôi và nằm ở vị trí hứng gió biển. Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, trăn trở: “Những cây di sản hiện nằm ở vị trí khá bất lợi nên tính an toàn không cao. Nếu ở dưới đất gió giật cấp 10 thì trên ngọn Thủy Sơn giật cấp 12, 13 nên việc chống chọi thiên nhiên của các cây di sản khá bất lợi. Trong khi đó, Thủy Sơn là núi đá vôi nằm sát biển nên thường xuyên hứng chịu gió bão vào mùa mưa. Để bảo vệ cây tốt hơn, Ban Quản lý thường xuyên chăm sóc và hợp đồng với một công ty mối kiểm tra, xử lý khi có dấu hiệu mối mọt xâm hại”, ông Nguyễn Văn Hiền nhấn mạnh. 

Những cây di sản được công nhận có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân. Việc công nhận các cây di sản sẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với thiên nhiên, đồng thời quảng bá rộng rãi sự phong phú, đa dạng và giá trị khoa học của hệ thực vật đến công chúng. Thông qua chăm sóc và bảo tồn cây di sản còn giúp lưu giữ nguồn gen quý hiếm, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. Cây di sản gắn với các di tích nên việc bảo tồn và phát huy tốt không chỉ bày tỏ lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân, mà còn tạo thêm sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh độc đáo, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.