Di khảo cổ "sống" giữa lòng dân

.

Được nhân dân "bao bọc" và gìn giữ, khu di khảo cổ Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) được gần như vẹn nguyên vẻ đẹp kể từ khi được khai quật vào năm 2011, dẫu phải chịu cảnh “nắng mưa dãi dầm” và phủ bụi thời gian.

Từng viên gạch xây nên nền móng của một tháp Chăm ở di khảo cổ Chăm Phong Lệ được giới nghiên cứu khẳng định là dòng gạch nung đỉnh cao của kiến trúc Chămpa. Ảnh: KHÁNH HÒA
Từng viên gạch xây nên nền móng của một tháp Chăm ở di khảo cổ Chăm Phong Lệ được giới nghiên cứu khẳng định là dòng gạch nung đỉnh cao của kiến trúc Chămpa. Ảnh: KHÁNH HÒA

Một phần lịch sử dân tộc

Từ con đường bê-tông nhỏ, có bề rộng chừng hơn 2m ở xóm Cấm (tổ 3, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ), để đi vào khu di khảo Chăm Phong Lệ phải chạy xe men theo con đường nhỏ rộng chưa tới 1m, vòng vèo một lúc mới tìm đến tận nơi. Bao quanh con đường nhỏ là đoạn bờ tường gạch nung đỏ, uốn lượn mềm mại, đôi chỗ những mảng rêu xanh mướt phủ kín cả bề mặt tường. Giữa khoảng đất được dàn phẳng, nằm sâu dưới lòng đất tầm gần 1m, những gì còn sót lại của một đền tháp Champa cổ hiển hiện thật rõ.

Hôm chúng tôi tìm về khu di khảo cổ Chăm Phong Lệ, tiết trời dịu mát sau trận mưa kéo dài của những ngày cuối tháng 10. Cơn mưa như gột sạch để từng viên gạch, cột đá ở khu di khảo càng hiện rõ hơn đường nét, kết cấu in đậm màu thời gian. Người dân ở xóm Cấm kể rằng, làng Phong Lệ xưa vốn nằm ở vùng trũng, vào mùa mưa lũ thường bị ngập, nhưng may mắn thay, chất đất ở đây thuộc loại đất đỏ, có khả năng thấm và rút nước rất nhanh. Phải chăng vì vậy mà trải qua những đợt mưa lụt lớn, những phần gạch, cột đá còn sót lại ở khu di khảo cổ Chăm Phong Lệ không bị ngâm nước nên vẫn giữ được đường nét vốn có.

Đã có nhiều nguồn tư liệu khác nhau mô tả về di khảo cổ Chăm Phong Lệ, trong đó, tài liệu hiện lưu giữ ở Bảo tàng nghệ thuật Chăm có ghi: “Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ như là một tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất cao, được bao quanh bởi một dòng chày cổ thuộc dòng sông Cẩm Lệ. Di tích được người Chăm-pa khởi dựng vào khoảng đầu thế kỷ X và được duy trì thờ tự cho đến ít nhất vào thế kỷ XII. Những di tích, di vật tìm được tại Phong Lệ đã phản ánh nhiều mặt về đời sống xã hội, tinh thần, kinh tế của người Chăm-pa tại vùng đất Amaravati từ thế kỷ đến thế kỷ XII. Những kiến trúc, tác phẩm điêu khắc đá đã góp phần khẳng định tinh thần tôn giáo của người Chăm-pa xưa, đó là tục thờ các vị thần có nguồn gốc Ấn Độ giáo. Các di chỉ cũng đồng thời phản ánh kỹ thuật chế tác vật liệu xây dựng, kỹ thuật xây cất, kỹ thuật khắc tạc đá...

Quần thể kiến trúc Phong Lệ có thể là một công trình quy mô lớn trong hệ thống đền tháp Chăm hiện biết ở miền Trung Việt Nam”. Sau một thời gian bị “bỏ quên” dưới tầng đất đá, cỏ dại, năm 2011, từ sự phát hiện tình cờ của một người dân ở xóm Cấm, khu di khảo cổ Chăm Phong Lệ được các ngành chức năng quan tâm, tiến hành các đợt khai quật quy mô và giữ nguyên hiện trạng như hiện nay. Điều đặc biệt, di khảo cổ Chăm Phong Lệ là di khảo cổ duy nhất được phát hiện ở Đà Nẵng và hiện vẫn được lưu giữ giữa đời sống dân gian thay vì đóng trong hòm kính như nhiều loại hình di sản khác.

Bâng khuâng chạm đến chốn thiêng

Có lẽ, bất cứ ai khi đứng trước di khảo cổ Chăm Phong Lệ đều cùng chung cảm giác bâng khuâng, bùi ngùi khó tả. Dường như, một phần của lịch sử dân tộc đang sống lại, buộc ta phải tìm hiểu thật sâu, thật kỹ. Văn hóa Chăm hay nền văn minh Chăm-pa đã không còn xa lạ với lớp hậu thế nhờ vào những công trình nghiên cứu quy mô, bài bản và được truyền thông mạnh mẽ thời gian qua. Nhiều nơi, người dân có phần thờ ơ với những di sản văn hóa của địa phương, tuy nhiên người dân ở xóm Cấm và xung quanh rất ý thức trong việc gìn giữ từng viên gạch, cột đá, hố thiêng trong quần thể di khảo cổ. Để đến nay, vẫn giữ được gần như vẹn nguyên kết cấu, hình hài. Cũng bởi vậy mà, trải qua “dãi dầu mưa nắng” chỉ càng khắc họa rõ nét màu của thời gian cũng như sức sống bền bỉ của khu di khảo này.

Trải qua mưa nắng dãi dầm, phần phát lộ của di khảo cổ Chăm Phong Lệ vẫn giữ gần như vẹn nguyên
Trải qua mưa nắng dãi dầm, phần phát lộ của di khảo cổ Chăm Phong Lệ vẫn giữ gần như vẹn nguyên. Ảnh: KHÁNH HÒA

Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, là người gắn bó với di chỉ Phong Lệ từ ngày đầu phát lộ. Theo ông Thắng, di khảo cổ Chăm Phong Lệ có đầy đủ những đặc tính tiêu biểu, hoàn hảo cho các di tích Chăm, với những lớp lang văn hóa vẫn chưa được giải mã hết. Trong đó, những bí ẩn của gạch tháp Chăm như: không bị rêu phong, đen sạm vì mưa gió và dòng thời gian vẫn còn là ẩn số. Gạch Chăm có độ nung rất cao (hơn 1.000 độ C) và tính hoàn chỉnh của từng viên gạch rất lớn. Khi đó, gạch trở thành “ghè”, không còn chịu ảnh hưởng của môi trường bên ngoài (mưa, gió, sinh vật tầm gửi…). Chất liệu sét, kỹ thuật nung và độ nung tạo nên một viên gạch Chăm hoàn hảo.

Tuy nhiên, điều đặc biệt là, không phải tháp Chăm nào cũng có được loại gạch như vậy. Và loại gạch làm nên quần thể di khảo cổ Chăm Phong Lệ là một trong những thực thể “sống”, minh chứng rõ nét cho đỉnh cao của dòng gạch tháp Chăm đã được giới nghiên cứu khẳng định. “Di sản muốn sống được thì phải trả lại cho dân. Di sản chỉ thực sự mang đúng ý nghĩa khi dân được tiếp xúc với di sản, gắn sinh hoạt đời sống với di sản. Di sản nào được dân đồng lòng ủng hộ và tham gia trùng tu, tôn tạo đều đạt hiệu quả rất tốt", ông Thắng nói.

Sống giữa lòng dân, được nhân dân gìn giữ và bảo vệ, dẫu nắng mưa dãi dầm thì di khảo cổ Chăm Phong Lệ vẫn giữ gần như vẹn nguyên vẻ sống động để kể tiếp cho hậu thế những thông tin bổ ích về nền văn hóa Chăm-pa. Ông Phan Ngọc Thành (70 tuổi), Tổ trưởng Tổ dân phố 3 (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) cho biết, chẳng ai bảo ai nhưng tất cả bà con trong khu dân cư đều ý thức gìn giữ khu di khảo cổ này. Cũng từ lúc di khảo cổ Chăm Phong Lệ được khai quật, người ta biết đến “làng Phong Lệ” nhiều hơn. Đây là niềm tự hào của khu dân cư.

Điều người dân mong muốn nhất là việc quy hoạch khu di khảo cổ Chăm Phong Lệ nhanh chóng được triển khai thực hiện. Nhất là tiến độ dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm (cơ sở 2 tại Phong Lệ) được triển khai nhanh chóng, giúp phát huy và lan tỏa những giá trị của vùng đất này. Có như vậy, người dân sẽ phấn khởi, vui mừng.

Những bí ẩn về đền tháp, nền văn minh Chăm-pa vẫn còn là ẩn số đối với hậu thế. Nhưng phải chăng, chính vì còn quá nhiều điều chưa thể lý giải nên văn hóa Chăm cũng như những di sản còn sót lại của nó sẽ luôn là đề tài hấp dẫn để những ai thực sự quan tâm tập trung nghiên cứu, góp phần làm dày thêm nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của nước ta nói chung, Đà Nẵng nói riêng.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.