Khám phá văn hóa lễ hội Lý Sơn ngày Tết

.

Lý Sơn là huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, gồm 3 đảo là Cù Lao Ré (đảo Lớn), xã đảo An Bình (đảo Bé) và hòn Mù Cu, nằm cách đất liền khoảng 30km. Lý Sơn không chỉ được biết đến với nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp mê hoặc lòng người, mà còn là địa danh chứa đựng những nét văn hóa truyền thống quý giá khó có vùng biển, đảo nào có được, đặc biệt là các lễ hội ngày Tết cổ truyền…

Lễ dựng cây nêu ngày Tết. Ảnh: GIA MINH
Lễ dựng cây nêu ngày Tết. Ảnh: GIA MINH

Nói đến đảo Lý Sơn người ta nghĩ ngay đến lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, tuy nhiên, bên cạnh lễ này, Lý Sơn còn có rất nhiều nghi thức lễ được lưu giữ, tạo nên bản sắc riêng của cư dân đất đảo như lễ dựng cây nêu ngày Tết; lễ hội đua thuyền tứ linh; lễ cầu ngư; lễ cầu mùa, cầu an, tạ mùa, dồi bồng là nét văn hóa đặc sắc trong văn hóa tín ngưỡng của người Lý Sơn. Vào dịp Tết cổ truyền, trên đất đảo vẫn giữ gìn nguyên vẹn các nghi lễ truyền thống, phong tục Tết của người Việt như đi tảo mộ, trang hoàng bàn thờ gia tiên, mua sắm các lễ vật để cúng tế ở các đình, miếu… đều được chuẩn bị hết sức chu đáo.

Vào dịp Tết Nguyên đán, theo tục lệ hằng năm, sau lễ cúng đưa ông Công, ông Táo về trời từ đêm 23, rạng sáng 24 tháng Chạp, các đình làng, dinh miếu và các nhà thờ tộc họ đồng loạt làm lễ dựng cây nêu để đón Tết cổ truyền của dân tộc. Lễ thượng nêu là một trong những nghi lễ truyền thống trong dịp Tết được người dân đảo quê hương Hải đội Hoàng Sa gìn giữ, lưu truyền hằng trăm năm nay. Trong khi ở nhiều địa phương cả nước, nghi lễ này bị mai một thì tại Lý Sơn vẫn được gìn giữ bảo tồn đến ngày nay. Đây là nghi thức ăn sâu vào tâm thức, văn hóa truyền thống người dân xứ đảo.

Trước khi dựng nêu, các đền chùa, miếu mạo và các tộc họ bắt đầu gióng trống, khua chiêng dâng lễ vật để làm nghi lễ lên nêu. Kết thúc nghi lễ này, cây nêu được đưa ra trước sân đình, miếu hay các nhà thờ tộc để dựng lên báo hiệu với tiền nhân, ngày Tết đã đến. Trước khi mở đầu phần lễ chính, các vị bô lão cúng vái theo phong tục truyền thống. Mâm cúng gồm nhiều lễ vật do người dân trồng trọt, đánh bắt trong năm. Trong đó không thể thiếu món bánh ít lá gai và hải sản ngư dân khai thác từ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Tiếp theo là nghi lễ mộc trụ thường kỳ vui xuân, đón Tết được các bô lão kính cẩn vái vọng thể hiện lòng thành kính với các bậc tiền nhân mở cõi, cắm mốc chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… Đây cũng là dịp để con cháu, tộc họ trên đảo tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công khai khẩn vùng đất đảo và tri ân những vị hùng binh đã nằm lại ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Bên cạnh đó, ở đảo Lý Sơn những ngày tháng Chạp, tất cả các dinh miếu đều thấp thoáng bóng áo thụng xanh, thụng đỏ của các bô lão; tiếng trống, tiếng chiêng trộn lẫn trong tiếng sóng biển... Đó là lúc người dân Lý Sơn làm lễ hoàn nguyện, lễ tạ ơn các đấng thần linh, các bậc tiên hiền, các binh phu đi Hoàng Sa thuở trước, sau một năm ra khơi bám biển, một năm miệt mài trên những cánh đồng nhỏ hẹp quanh 5 ngọn núi Giếng Tiền, Thới Lới, Hòn Sỏi, Hòn Tai, Hòn Vung mà 15 vị tiền hiền khai phá từ thuở vua Lê Kính Tông trị vì.

Theo bô lão Phạm Trung Chỉnh, lễ hoàn nguyện,  tạ ơn trên đảo Lý Sơn bắt đầu từ ngày 2 tháng Chạp đến ngày đưa ông Táo về trời 23 tháng Chạp. Tùy từng đình làng, dinh miếu thì lễ tạ ơn, lễ hoàn nguyện được diễn ra theo thứ bậc từ các miếu (của các lân), đến các dinh (của xóm, thôn), lăng (thờ Cá Ông của các vạn), xong mới đến đình (chung của làng)… Ngoài ra, trong các lễ hội, lễ hội đua thuyền tứ linh được duy trì tổ chức hằng năm thu hút đông đảo du khách trải nghiệm, khám phá. Lễ hội đua thuyền tứ linh được gìn giữ gần 200 năm qua, các thuyền đua mang biểu tượng tứ linh (long, ly, quy, phượng) được chạm khắc tinh xảo. Đây là lễ hội nhằm tưởng nhớ cội nguồn tổ tiên, các vị tiền hiền buổi đầu khai sinh đất đảo và đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa đã có công bảo vệ biên cương Tổ quốc…

Chuẩn bị ghe đua ngày Tết. Ảnh: GIA MINH
Chuẩn bị ghe đua ngày Tết. Ảnh: GIA MINH

Bà Nguyễn Thị Phượng (cư dân hơn 70 năm gắn bó ở đảo) cho biết, ngày Tết có rất nhiều món ăn, nhưng với nhiều gia đình ở Lý Sơn, đặc biệt hơn cả vẫn là món cá đòn kho nước dừa, hương vị thơm ngon đến độ từ tấm bé cho đến lúc về già, dù đi khắp các phương trời, nhiều người quê Lý Sơn vẫn nhớ món cá trong ngày Tết. Ngoài ra, nếu có dịp thưởng thức bánh ít lá gai ở Lý Sơn sẽ không quên hương vị thơm ngon rất đặc trưng mà hiếm nơi nào có được. Đây là món không thể thiếu trong mâm cúng gia tiên của người dân đất đảo trong ngày Tết.

Theo cụ ông Nguyễn Phong (làng An Vĩnh), vào ngày mồng 1 Tết, Ban tế tự của đình mang quả bánh, trầu rượu đến nhà thờ các vị tiền hiền của làng để ra mắt, nhằm bày tỏ lòng tri ân. Một nghi thức quan trọng nữa của làng là lễ động thổ, diễn ra vào tối mồng 2 Tết tại đình làng. Lễ động thổ được tổ chức hết sức trang trọng, gắn liền với tâm thức của cư dân nông nghiệp. Theo quan niệm, từ ngày 30 tháng Chạp đến mồng 1 Tết, không ai được làm động đến đất đai, kể cả có người chết cũng không được mai táng vào ngày này, vì chưa được thần linh cho phép, mà phải đợi đến tối mồng 2 Tết sau nghi lễ động thổ. Đến ngày mồng 7, các làng làm lễ hạ nêu, tế cáo thần linh kết thúc các nghi lễ mừng năm mới, để trở lại cuộc sống bình thường...

Truyền thống, bản sắc văn hóa của cư dân đảo

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là lễ hội dân gian đặc sắc này được các tộc họ trên đảo Lý Sơn trân quý, duy trì tổ chức hằng năm qua nhiều thế hệ. Nghi thức lễ để tưởng nhớ các đội Hoàng Sa Bắc Hải cùng các dân binh, tráng đinh hy sinh khi làm nhiệm vụ tuần phòng bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ hơn 400 năm trước. “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa”. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - luôn là niềm tự hào, tượng trưng cho truyền thống, bản sắc văn hóa của cư dân đất đảo mà con cháu nhiều đời phải nỗ lực gìn giữ.

GIA MINH

;
;
.
.
.
.
.