Trời hửng nắng, dọc con đường bê-tông dẫn vào làng nghề hương truyền thống Quán Hương (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) ngào ngạt mùi thơm của hương trầm, hương quế. Trải qua hơn 200 năm hình thành và phát triển, những thế hệ con cháu trong làng không chỉ tiếp nối cha ông giữ nghề, mà còn lan tỏa sản phẩm hương truyền thống của người dân xứ Quảng đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhất là trong dịp Tết cổ truyền dân tộc.
Vợ chồng ông Võ Tấn Hiếu mỗi ngày sản xuất khoảng 100kg hương để cung cấp cho thị trường. Ảnh: N.Q |
Lưu giữ nghề hương truyền thống
Cách thành phố Đà Nẵng hơn 40km về phía nam, làng nghề hương truyền thống Quán Hương nằm ở cạnh quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Thăng Bình. Người dân trong làng làm hương quanh năm và từ tháng 10, 11 âm lịch sẽ tăng cường làm nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu cao của thị trường dịp Tết Nguyên đán. Trước đây người dân se hương bằng tay, giờ đây, mọi quy trình làm hương đều được hỗ trợ của máy móc. Vào những ngày cao điểm cuối năm, người dân sản xuất hàng trăm kg hương các loại để cung cấp cho thị trường.
Ông Võ Tấn Hiếu (SN 1954), Trưởng ban đại diện làng nghề hương Quán Hương, có hơn 50 năm kinh nghiệm trong nghề làm hương. Gia đình ông trải qua 5 đời làm nghề. Kể về nguồn gốc ra đời làng nghề, ông Hiếu cho biết, Quán Hương xưa là một vùng quê nghèo thuần nông thuộc xứ Bàu Đỏa, làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình. Nghề làm hương tại đây không phải du nhập từ địa phương khác mà chính người trong làng tự mày mò tận dụng những loại cây, lá quanh nhà để làm hương thắp cho ông bà tổ tiên. Đến nay, làng nghề có lịch sử hình thành, phát triển hơn 200 năm và truyền lại qua 6 đời. Theo các bậc cao niên, người khai sinh ra nghề truyền thống làm hương ở Quán Hương là cụ Võ Tấn Thơ.
Tích xưa kể lại, cụ Võ Tấn Thơ đến tá túc và phụ giúp ở chùa Ngọc Sơn (nay thuộc xã Bình Phục, huyện Thăng Bình) và bắt đầu hái những loại lá, cây ở xung quanh để làm hương thắp ở chùa. Sau khi lấy vợ sinh con, cụ Thơ truyền nghề cho con trai là cụ Võ Tấn Túc. Cụ Túc và vợ Võ Thị Thơ đã phát triển và mở rộng nghề làm hương của cha mình. Thấy hai vợ chồng cụ Túc làm ăn khấm khá, các hộ trong làng cũng theo học nghề và dần dà làng nghề làm hương hình thành từ đó. Sau khi cụ Túc, cụ Thơ mất, nghề làm hương được truyền lại cho cụ Võ Tấn Đồng (SN 1917). Hiện nay, các thế hệ con cháu của cụ Đồng vẫn kế tục và phát triển nghề truyền thống của tổ tiên để lại.
Theo ông Võ Tấn Hiếu, khi chưa có máy móc hiện đại hỗ trợ, việc làm hương khá khó khăn do làm hoàn toàn bằng tay và trải qua nhiều quy trình. Trước đây, người dân phải lặn lội đến các vùng núi ở huyện Tiên Phước, Trà My để tìm những lá có hương thơm như quế, tu hú, mơ răng, bạch đàn, lá sim,... rồi gom lại mang về phơi khô và giã thành bột hương. Các cụ ngày xưa dùng các bộ phận của cây dung luộc lấy nước, rồi cho vôi vào khuấy đều để cho ra màu vàng và hòa vào bột hương để tạo màu. Ngoài ra, người xưa dùng lá, vỏ cây bời lời giã nát lấy nước và trộn với bột hương để tạo sự kết dính, sau đó mới vuốt vào tăm hương. Các cụ còn tạo ra chiếc bàn se để quá trình làm hương được thuận lợi, giúp cây hương tròn đều.
Đưa sản phẩm ra thị trường cả nước
Từng có một giai đoạn làng nghề hương truyền thống Quán Hương đi xuống, trong làng chỉ còn vài hộ sản xuất cầm chừng để duy trì làng nghề. Tuy nhiên, tháng 10-2004, UBND tỉnh Quảng Nam công nhận “Làng nghề hương truyền thống Quán Hương” và xây dựng một nhà truyền thống, cổng làng và 1,2km đường bê-tông dẫn vào làng.
Đồng thời, chính quyền địa phương tổ chức cho người dân tham gia nhiều lớp tập huấn, tham quan học hỏi những phương pháp làm hương mới, từ đó, đã tạo khởi sắc cho làng hương truyền thống xứ Quảng. Hiện nay, làng Quán Hương có hơn 100 hộ làm hương với khoảng 300 lao động. Để tăng số lượng và chất lượng cho cây hương, người dân đầu tư hơn 80 máy làm hương tự động. Mỗi năm, làng nghề sản xuất hơn 1.000 tấn hương, phân phối khắp các tỉnh, thành trên cả nước, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng.
Ông Võ Tấn Hiếu - Trưởng ban đại diện làng nghề hương Quán Hương thực hiện các công đoạn sản xuất hương trên máy tự động |
Sản phẩm hương quế và viên trầm thuộc cơ sở sản xuất hương của ông Võ Tấn Hiếu được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh và cũng là sản phẩm OCOP đầu tiên của làng nghề. Mỗi ngày, cơ sở của ông sản xuất khoảng 100kg hương các loại, giải quyết việc làm cho khoảng 5 lao động tại địa phương. Làm ăn khấm khá, ông có điều kiện nuôi 6 người con ăn học thành tài và có công việc ổn định. Trong đó, người con gái thứ 2 tiếp tục kế nghiệp theo nghề làm hương truyền thống của gia đình. Những ngày cuối năm, ông thường được mời tham dự các hội chợ triển lãm để biểu diễn các công đoạn làm hương truyền thống, từ đó, làng nghề hương Quán Hương được đông đảo người dân, du khách biết đến.
Gia đình anh Võ Tấn Bửu (SN 1990) có 6 đời theo nghề làm hương. Từ những ngày được cha truyền nghề và làm hoàn toàn thủ công, đến nay, anh đã thay thế bằng những chiếc máy tự động và mở rộng sản xuất, góp phần giảm công lao động và hương sản xuất ra nhiều hơn. Nguyên liệu sản xuất hương gồm những loại bột quế, bột trầm, bột mùn cưa được mua từ huyện Tiên Phước, Trà My. Đặc biệt, gia đình dùng một loại keo tự nhiên để kết dính bột với tăm hương nên không độc hại. Nếu đủ nắng, chỉ cần phơi liên tục và đảo đều tay trong vòng 4 giờ là hương vừa khô.
Những ngày cuối năm, trung bình cơ sở của anh Bửu sản xuất khoảng 350kg hương các loại như hương trầm, quế, bột cưa. Trong đó, giá bản sỉ tại các đại lý với 1kg hương trầm có giá 150 nghìn đồng, 1kg hương quế có giá 50 nghìn đồng, hương bột cưa có giá rẻ hơn. Những sản phẩm của gia đình không chỉ phân phối trong tỉnh mà còn phục vụ nhu cầu khách hàng ở khu vực miền Trung - Tây nguyên.
Cơ sở của anh giải quyết việc làm cho 6 lao động tại địa phương với thu nhập trên 5 triệu đồng/1 tháng. “Thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên trong những ngày rằm, lễ, Tết trở thành nét truyền thống từ bao đời này của người dân. Cây hương sau khi đốt tạo sự ấm cúng, hương thơm lan tỏa dễ chịu cho người dùng. Do vậy, chúng tôi luôn chú trọng đến chất lượng và dùng nguyên liệu phù hợp để tránh tạo ra khói độc ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng”, anh Bửu chia sẻ.
Trải qua hàng trăm năm thăng trầm của lịch sử, làng nghề hương Quán Hương từng có những lúc hưng, thịnh. Tuy nhiên đến nay, bao thế hệ con cháu trong làng vẫn bảo tồn, giữ gìn và phát triển nghề làm hương truyền thống của cha ông. Các sản phẩm hương của làng nghề đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, đồng thời vươn ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nghề hương Quán Hương cũng chính là nét đặc trưng của văn hóa làng, xã. Trong thời gian tới, nếu khai thác được tiềm năng, lợi thế sẽ thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, góp phần vào quá trình xây dựng, phát triển kinh tế, du lịch tại địa phương.
NGỌC QUỐC