Một chữ

.

Cô giáo Nguyễn Khoa Diệu Trà là giáo viên dạy môn Vạn vật lớp đệ Thất 2 niên khóa 1967-1968, Trường Trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Cô là vợ của thầy hiệu trưởng lúc bấy giờ. Nhẹ nhàng, khoan thai, cô thường ngồi ở ghế giáo viên, vừa lặng lẽ vừa hóm hỉnh nhìn xuống lớp với đủ khuôn mặt trẻ thơ. Có thể cô hẳn biết bọn nhóc con trai 12-13 tuổi bắt đầu vào thời kỳ mơ mộng (vào thời ấy, ngôi trường này chỉ dành cho nam sinh). Vẻ đẹp của người phụ nữ nền nã xứ Huế chắc chắn ít nhiều đẩy các giấc mơ kia đi xa vào một miền nào đó dịu dàng, trong trẻo nhưng hứa hẹn nhiều rạo rực, lãng mạn.

Có phải nhận ra điều này nơi gương mặt nhiều cậu trai mới lớn nên sau đó cô giáo môn Vạn vật của chúng tôi đôi lúc trở nên dè dặt? Cô đến lớp với dáng nhẹ nhàng nhưng không quên tô điểm để giữ cho được nét mặn mà, duyên dáng. Cô giảng bài bằng giọng dịu dàng từ tốn, vừa thân tình gần gũi với học trò vừa giữ được một khoảng cách cần thiết với các ánh mắt mà chắc chắn cô thừa biết xuyên qua đó có nhiều xao động.

Bằng chứng mới nhất về sự cẩn trọng này là một chữ dùng trong bài học về quá trình sinh sôi nảy nở của loài kiến. Thay vì dùng chữ “giao phối” hay một từ nào khác diễn tả cuộc giao hoan mang tính bản năng giữa kiến chúa và kiến mái, cô Trà đọc cho chúng tôi chép vào vở câu “kiến chúa tô kiến mái”. Chữ “tô” lạ lùng mới mẻ khiến nhiều cậu bạn của tôi phải dừng tay bút để ngước mắt lên, hướng về cô trông đợi một lời giải thích. Mặc kệ, cô giáo của tôi vẫn thản nhiên, ung dung đọc nốt bài học về quá trình sinh sản, trưởng thành và phát triển của loài kiến cho học trò chép vào vở mà không một lời giải thích.

Và bọn nhóc chúng tôi thuở ấy, không ai bảo ai, đều thầm hiểu ý nghĩa của cái từ lạ lẫm này, thầm nhận biết nguyên do vì sao cô giáo của mình không một lời giải thích. Thế nào rồi chúng cũng hiểu mà, có chi mà băn khoăn! Các lớp trước cũng từng được mình dạy như thế và rồi chúng đều thông suốt ý nghĩa chữ “tô”. Hẳn là lúc ấy, cô giáo của chúng tôi đoan chắc như thế với nụ cười tinh ý.

Trước và sau, năm này sang năm khác, các học trò của cô Trà từng được cô giáo mình đọc để chép vào vở chi tiết ấy trong bài học mới. Chữ “tô” vì thế không còn lạ lẫm mà ung dung, ngạo nghễ ghé ngang cuộc đời nhiều thế hệ học trò Trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng và rồi đọng lại sống động, tươi xinh đến bây giờ, dù chẳng ai biết nguyên do vì sao cô giáo mình ngày ấy lại chọn cái từ độc đáo này.

Tôi biết điều này vì hơn nửa thế kỷ sau, mỗi lần gặp nhau, bạn bè của tôi từng học giờ Vạn vật với cô Trà đều cười vui khi ôn lại kỷ niệm. Một sáng cùng những người bạn tha phương ngồi nhắc chuyện cũ với đủ đầy hồi ức tuổi thơ ở một quán nước giữa Sài Gòn, tôi bất ngờ khi một anh bạn mới quen từng là đồng môn Phan Châu Trinh học sau mình vài niên khóa nhanh nhảu nhắc tên cô Trà vào lúc mình đọc lên câu “kiến chúa tô kiến mái”.

Anh bạn này còn nhớ như in để kể lại lớp lang cái dáng bình thản và giọng đọc tự nhiên của cô giáo vào một sáng mùa thu, sau ngày khai trường khoảng vài tháng. Bữa cà phê cuối tuần của những người từ lâu xa xứ nhờ vậy mà bỗng trở nên sôi động với rộn rã tiếng cười. Hơn nửa thế kỷ trước, từ khuôn viên của ngôi trường thân yêu nằm trên đường Lê Lợi của thành phố Đà Nẵng ngoài kia, cách chỗ chúng tôi ngồi bây giờ cả ngàn cây số, hẳn tiếng cười cũng vang ra trong trẻo, hào hứng như thế mỗi khi lũ nhóc tuổi 12-13 là chúng tôi nhắc đến chữ “tô” lạ lẫm vào lúc ra chơi.

Trong không gian nhẹ nhàng rộn rã những ngày cận Tết, bất giác tôi hình dung không khí lớp học trong giờ Vạn vật 57 năm trước, hình dung dáng diệu nền nã, mặn mà của cô giáo người Huế với ánh nhìn tinh anh và môi cười nhẹ nhàng hóm hỉnh ngày nào. Cô Trà kính yêu ơi, con chữ lạ lùng khép nép ấy vẫn còn đây, trong trí nhớ chúng em, đằm thắm ngọt ngào. Một chữ thôi mà sức nặng của nó dường vô bờ, đủ sức làm ấm lòng những kẻ tha hương nhớ về trường xưa chốn cũ; một chữ thôi mà mở toang cánh cửa tuổi thơ để ríu rít cầm tay dắt chúng em trở về ngày xưa tươi thắm…

NGUYỄN ĐÌNH XÊ

;
;
.
.
.
.
.