Cần biết

Sun Symphony Orchestra-gửi niềm tin vào tài năng âm nhạc trẻ

16:58, 28/10/2017 (GMT+7)

Trong số hàng trăm nghệ sỹ trong và ngoài nước đến nhà hát Star Galaxy trung tuần tháng 10 vừa qua để tham gia dự tuyển vào Dàn nhạc Sun Symphony Orchestra (SSO), đa phần là những người còn rất trẻ. Họ gửi gắm trọn vẹn niềm tin, và cả mơ ước lẫn đam mê âm nhạc vào một dàn nhạc mới mẻ, nhưng có nhiều hứa hẹn như SSO.

1. Nguyễn Ly Hương, 27 tuổi, hiện là giảng viên Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Gắn bó với nhạc cổ điển từ khi 10 tuổi, đã từng đạt giải thưởng quốc tế và giành học bổng đào tạo thạc sỹ tại Thụy Điển, nhưng sau khóa đào tạo, cô chọn về nước, theo con đường giảng dạy, và cũng là một nghệ sỹ thuộc biên chế của dàn nhạc Hanoi Philharmonic Orchestra, cũng tung tẩy với những dự án trẻ của chính mình. Nhưng có thể chừng đó vẫn chưa đủ để thỏa niềm đam mê nhạc cổ điển của cô gái đầy nội lực này.

Vậy là cô đã quyết định tham dự cuộc tuyển chọn nghệ sỹ của Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời, với một tinh thần ngập tràn hứng khởi: “Em rất ấn tượng với cách thức tuyển chọn nghệ sỹ của Sun Symphony Orchestra. Đây là một hình thức thi tuyển phổ biến theo đúng tiêu chuẩn quốc tế nên chắc chắn sẽ lựa chọn được những nhạc công tài năng. Em tin tưởng vào tương lai của Sun Symphony Orchestra”.

2. Với Cẩm Tú - thí sinh nhỏ tuổi nhất, cuộc tuyển chọn nghệ sĩ cho dàn nhạc Sun Symphony Orchrestra chính là cơ hội lớn để những người trẻ theo đuổi giấc mơ âm nhạc ngay trên chính quê hương mình.

Tú chia sẻ, em đã theo đuổi ước mơ với nhạc giao hưởng, với contrabass đã hơn 10 năm rồi. Và những nghệ sĩ trẻ như chúng em luôn nuôi khát vọng được có một môi trường để trau dồi thêm kỹ năng chuyên môn. Gần đây em có trải qua một khóa học ngắn tại Mỹ, và em thấy, được rèn nghề trong một môi trường âm nhạc quốc tế là điều quý giá để em hoàn thiện bản thân, tuy nhiên, từ trước tới nay, mong muốn ấy chưa bao giờ là dễ dàng.

Bởi vậy, dàn giao hưởng SSO ra đời, với mục tiêu vươn tới những tiêu chuẩn quốc tế, tạo cơ hội cho các nghệ sĩ Việt Nam được biểu diễn với các nghệ sĩ quốc tế và ra với thế giới đã hiện thực hóa ước mơ của bao người, trong đó có em. Em thật sự mong chờ những đột phá từ SSO, để nghệ sĩ Việt có cơ hội được trưởng thành trên chính quê hương mình.

3. Nguyễn Minh Hồng là cộng tác viên trong dàn nhạc giao hưởng Hà Nội và Đặng Ngọc Vũ là giáo viên âm nhạc mầm non, đều sinh năm 1991. Cả hai đều đã gắn bó với cây sáo flute 15-16 năm trời. Họ cùng đến với cuộc tuyển chọn nghệ sỹ của SSO, chỉ với một ước mơ duy nhất: được cọ xát và được làm nghề.

Nguyễn Minh Hồng kể: “Hơn chục năm theo đuổi âm nhạc cổ điển, chỉ mong được biểu diễn. Nhưng có một thực trạng, những chương trình hòa nhạc trong nước, vé mời nhiều hơn vé bán. Lớp trẻ giờ càng nhiều người không thích nhạc cổ điển”. Cô gái bé nhỏ tràn đầy hy vọng: “Em đến với cuộc tuyển chọn này, cũng chỉ mong muốn được làm nghề, được biểu diễn cho khán giả xem, mong họ sẽ biết đến âm nhạc cổ điển nhiều hơn. Với SSO, em sẽ có một môi trường khác hoàn toàn, có cơ hội học hỏi, cọ xát sẽ tốt hơn và kỹ năng được nâng cao hơn”.

Còn với Vũ, ước mơ làm nghề đang phải nhường chỗ cho một lối rẽ khác: giảng dạy cảm thụ âm nhạc cho trẻ mầm non. “Ngành nghề của bọn em rất khó để xin việc. Học 15 - 16 năm ra trường nhưng lại không có sân chơi vì các dàn nhạc cũng đã đủ nhạc công rồi”, Vũ ngậm ngùi, trong cậu vẫn cháy bỏng một niềm đam mê được chơi nhạc, khi cậu bảo, từ lúc biết tin SSO tuyển chọn nghệ sỹ là lập tức đăng ký tham dự, luyện tập miệt mài ngày đêm.

Không có cơ hội được làm nghề khi ra trường, Vũ rẽ sang một lĩnh vực khác như một cơ duyên. “Được truyền thụ về âm nhạc cho các em nhỏ, hướng cho các em nhỏ những đam mê với âm nhạc cổ điển, giới thiệu cho các em các loại kèn, đàn... hoặc cho các em nghe các bản giao hưởng, em mong muốn thế hệ mới sẽ có cách nhìn mới, suy nghĩ mới và có sự quan tâm đối với âm nhạc cổ điển”. Những người như Vũ ít nhiều đang gieo hạt mầm âm nhạc cổ điển cho thế hệ trẻ Việt Nam từ trong trứng nước.

4. Còn rất nhiều những câu chuyện kể, những ước mơ đẹp với âm nhạc cổ điển đã được chia sẻ, bằng lời, bằng âm nhạc, bằng ánh mắt nụ cười của những người trẻ, người đầu đã hai thứ tóc vẫn hào hứng tới dự tuyển.

Hơn một cuộc tuyển chọn nhân tài, các nghệ sỹ nhạc cổ điển đã gọi đây là “cuộc chơi thú vị”, là giấc mơ có thực, là cơ hội lớn… Họ đặt niềm tin và hy vọng vào một dàn nhạc mới mẻ như Sun Symphony Orchestra. “Mừng lắm. Mình hi vọng SSO sẽ phát triển để đưa những nghệ sĩ Việt Nam sang biểu diễn ở nước ngoài”, nghệ sỹ cello Hà Miên nói.

Niềm tin ấy không dễ mà có được, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Như thế, những người đứng ra thành lập Dàn nhạc SSO đang được tiếp thêm động lực lớn, để có thể lái con tàu lớn này ra biển lớn âm nhạc.

 

.