Cội rễ của phát triển bền vững phải bắt đầu từ ý thức của người làm du lịch

.

Không ít doanh nghiệp chọn cách làm du lịch gắn với lợi ích cộng đồng, với điểm đến, để tạo nên những sản phẩm chất lượng, đẳng cấp, thay đổi hẳn diện mạo của một vùng đất, dù biết rằng lợi nhuận chẳng một sớm một chiều mà có được. Nhưng với họ, bền vững là sự sống còn của doanh nghiệp.

Khát vọng đưa du lịch Việt Nam lên bản đồ thế giới

Tại cuộc tọa đàm “Xây dựng tương lai bền vững trong ngành du lịch” (Diễn đàn kinh doanh Forbes 2018), Phó Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Sun Group Đặng Minh Trường chia sẻ, ngay khi trở về Việt Nam cách đây hơn 10 năm, Sun Group đã đặc biệt quan tâm đến việc làm sao để du lịch Việt Nam có thể phát triển bền vững, coi “sự bền vững của ngành du lịch Việt Nam cũng là sự sống còn của những doanh nghiệp như Sun Group”.

Tuy nhiên, theo ông Trường, ngay từ trước khi trở về quê hương lập nghiệp nhiều năm, những người đứng đầu Sun Group đã luôn trăn trở với câu hỏi: “Tại sao Việt Nam có 3.000km đường bờ biển đẹp tinh khôi, là một trong những nước ở top đầu về tài nguyên du lịch và thiên nhiên, song lại không có tên trên bản đồ du lịch thế giới. Phải chăng chúng ta chưa có cách quảng bá đúng cũng như sự đầu tư cơ sở hạ tầng xứng tầm?”.

Nỗi trăn trở trên của lãnh đạo Tập đoàn Sun Group hoàn toàn có cơ sở khi thực tế, hạ tầng cơ sở yếu kém từ lâu đã là một trong những “rào cản” của du lịch Việt Nam trên con đường phát triển bền vững. Sự thiếu vắng những khu nghỉ dưỡng cao cấp, các tổ hợp vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế đã khiến du lịch Việt Nam nhiều năm liền không thu hút được những thị trường khách cao cấp - đối tượng thường chọn lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn khi đi du lịch. Thậm chí, Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 dù đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng của du lịch Việt Nam khi thăng hạng lên thứ 67/136 quốc gia, thì riêng các chỉ số Chất lượng hạ tầng du lịch vẫn chỉ xếp hạng 113/136.

Sớm nhận ra hạn chế này của du lịch nước nhà, ngay khi trở về Việt Nam năm 2007, Sun Group đã xác định lấy du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí làm lĩnh vực đầu tư chiến lược, đầu tư xây dựng những những công trình, sản phẩm du lịch chất lượng, đẳng cấp quốc tế, với mục tiêu hàng đầu là cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch Việt Nam.

“Các sản phẩm du lịch của Sun Group luôn phải hội tụ 4 tiêu chí: quy mô xứng tầm, cảnh quan – kiến trúc khác biệt, dịch vụ chất lượng, trải nghiệm đẳng cấp, để không chỉ thay đổi diện mạo của những vùng đất giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác xứng tầm, mà còn phải đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội, thay đổi đời sống của người dân địa phương”, ông Trường tiết lộ triết lý kinh doanh của Sun Group.

Với những tiêu chí trên, hầu hết sản phẩm của Sun Group đều không đem lại lợi nhuận ngay, nhưng “ông lớn” của ngành du lịch này không hề quan ngại về điều đó. Họ tin với quy mô và sức hút từ các sản phẩm của mình, lợi nhuận sớm muộn sẽ có.

Hài hòa lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích cộng đồng địa phương

Tổ chức tư vấn phát triển du lịch Lorton Consulting của Anh đã đề ra 12 nguyên tắc phát triển du lịch bền vững, trong đó đặc biệt đề cao các nguyên tắc: Khác biệt, Phản ánh được giá trị cộng đồng; Tôn trọng các giá trị tự nhiên và văn hóa; Đem lại ích lợi tương hỗ cho khách tham quan và cộng đồng địa phương.

Theo chia sẻ của ông Trường, ý thức rõ tầm quan trọng của vấn đề phát triển bền vững và bám sát những nguyên tắc nói trên, ngay từ đầu, Sun Group đã luôn đề cao triết lý về sự hài hòa nhằm đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của cộng đồng địa phương, cân bằng giữa phát triển và bảo tồn, tôn trọng các giá trị của thiên nhiên và con người, thể hiện trong mỗi dự án, mỗi công trình trải dọc đất nước.

“Chẳng hạn như với dự án InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, ngay từ khâu thiết kế, chúng tôi đã mời bằng được kiến trúc sư Bill Bensley, không chỉ bởi ông là kiến trúc sư tài ba mà còn vì ông rất tôn trọng những giá trị tự nhiên. Tại khu nghỉ dưỡng này, những giá trị kiến trúc truyền thống cũng như văn hóa Việt được tận dụng tối đa, để tạo nên sự độc đáo trong thiết kế, sự hài hòa với môi trường cảnh quan của Sơn Trà” – ông Trường cho hay.

Nguyên tắc này cũng được Sun Group áp dụng triệt để tại các khu vui chơi giải trí Sun World trải dọc đất nước. Đó là lý do vì sao Sun World Fansipan Legend (Sa Pa) liên tục tổ chức những lễ hội mang đậm màu sắc văn hóa bản địa với sự tham gia của chính người dân bản địa để phục vụ du khách, góp phần quảng bá và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống Tây Bắc, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương.

Nhận xét về cách làm du lịch này, ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định: “Các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào các điểm đến trọng điểm của Việt Nam sẽ góp phần làm năng lực của điểm đến, năng lực về sức chứa, năng lực về sản phẩm, chất lượng của sản phẩm được tăng lên. Nhờ đó, không chỉ bản thân các nhà đầu tư được hưởng lợi, mà cộng đồng và các doanh nghiệp ở khu vực ấy được hưởng lợi theo”.

Còn rất nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết để du lịch Việt Nam có thể phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như kỳ vọng của đất nước. Tuy nhiên, trước khi bàn đến những giải pháp vĩ mô và lâu dài thì có lẽ điều quan trọng hơn cả, đó là những đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch cần đề cao các giải pháp phát triển bền vững từ trong ý thức, trong mỗi bước đi, mỗi công trình như cách mà nhà đầu tư chiến lược Sun Group đã và đang làm.

;
.
.
.
.
.
.