Xu hướng vay tiêu dùng để cải thiện cuộc sống

.

Dù Việt Nam có dân số cao nhưng tỷ lệ người vay được vốn ngân hàng còn thấp vì những rào cản  như: mạng lưới giao dịch của ngân hàng còn chưa tiếp cận được đến vùng sâu, vùng xa, chuẩn khách hàng cao, chi phí dịch vụ cao, quy trình, thủ tục vay vốn còn phức tạp. Chính vì thế, cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính là một lựa chọn bổ sung hiệu quả.

Người nghèo cần vay còn nhiều.

Dân số toàn cầu đang chạm ngưỡng 9 tỷ người. Dân số Việt Nam chạm ngưỡng 97 triệu người.
  Kinh tế phát triển, nhu cầu tiêu dùng của con người đang tăng theo thu nhập, nhưng không phải ai cũng tiếp cận được nguồn vốn chính thức. Thế giới hiện vẫn còn có tới 2 tỷ người chưa tiếp cận và sử dụng bất kỳ một dịch vụ tài chính chính thức nào, hầu hết trong số họ sinh sống tại các nước đang phát triển và kém phát triển.

Dù Việt Nam có dân số cao nhưng tỷ lệ người vay được vốn ngân hàng còn thấp vì những rào cản  như: mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch của ngân hàng còn chưa tiếp cận được đến vùng sâu, vùng xa, chi phí dịch vụ cao, quy trình, thủ tục vay vốn còn phức tạp… Trong khi những người dân đô thị và các doanh nghiệp lớn tiếp cận khá dễ dàng đến các dịch vụ tài chính chính thức  thì dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, người làm nghề tự do, lao động di cư, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vẫn đang gặp không ít trở ngại.

Theo Findex, 2017, trong tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ở các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc thì Việt Nam ở mức thấp, chỉ 30,8% so mức trên 80% của 3 quốc gia cao nhất là Malaysia, Thailand và Trung Quốc. Trong khi đó tỷ lệ người trưởng thành có tiết kiệm và đi vay tại một TCTD của Việt Nam còn thấp hơn nữa, chỉ tương đương 14 và 22%. 

Ít hoặc chưa tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, những đối tượng khách hàng kể trên ít có cơ hội để xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, tích lũy tài sản. Bà Lụa (Đà Nẵng) kể: “Cả nhà tôi chỉ làm nông, chồng chạy xe ôm bữa đực, bữa cái, không có thu nhập gì đáng kể, nhà đất lại heo hút, ngân hàng không cho vay, mua sắm phải chơi hụi họ, đột xuất đi vay nặng lãi trong làng. Vay 1, tính lãi vào trả 3, 4, cứ lần hồi, làm ra đến đâu chỉ trả tiền vay với lãi. Đời tôi chắc chẳng bao giờ hết nợ”.

Người trẻ muốn mua sắm ngày một tăng

Trong  96,6  triệu người Việt Nam có  70% dân số trong độ tuổi lao động, 34,70%  sống ở thành thị. Nhóm người trong độ tuổi lao động có thu nhập gia tăng và nhóm người thành thị có nhu cầu nâng cao đời sống đang có sự thay đổi lớn trong nhu cầu và hành vi tiêu dùng, từ tiết kiệm sang mua sắm, từ sử dụng tiền mặt sang tín dụng tiêu dùng. Bên cạnh đó sự bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội cũng đang tạo ra làn sóng mua sắm, đặc biệt đồ công nghệ, thời trang… của những thanh niên trẻ, nhóm người  dù chưa có đủ tiền tích lũy nhưng vẫn sẵn sàng mua trước trả sau, mua trả góp. Họ cũng có nhu cầu nâng cao chất lượng sống của bản thân và chủ động hơn trong vấn đề quản lý tài chính cá nhân của chính mình.

Công ty tài chính - đối tác thân thiện của người tiêu dùng

Ra đời và phát triển chỉ trong vòng hơn 10  năm nay, các công ty tài chính tiêu dùng (CTTC)  với ưu điểm vượt trội: nhanh chóng, tiện lợi và thân thiện, cho vay tiền mặt với thời gian linh hoạt, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng và thẻ tín dụng với nhiều tiện ích đa năng song song cùng với phát triển hệ thống mạng lưới các đối tác cho các sản phẩm vay mua thiết bị điện tử, điện máy, mua bảo hiểm… đã trở thành  đối tác tiện lợi, tin cậy, thân thiện của người nghèo, người có thu nhập thấp và người vay mua sắm…

Một số CTTC đã có mạng lưới các chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ tại 63 tỉnh/thành phố trong cả nước, phục vụ hàng chục triệu khách hàng. Ví dụ,  FE Credit hiện phục vụ hơn 7 triệu khách hàng, hợp tác với 5.500 đối tác tại gần 9.000 điểm bán hàng trong toàn quốc. Home Credit có mạng lưới 7.000 điểm giới thiệu dịch vụ, đã và đang phục vụ gần 6 triệu khách hàng.

Sự phát triển cả về độ rộng của mạng lưới lẫn sự gia tăng nhảy vọt về giá trị cho vay là minh chứng hùng hồn cho thấy vai trò của CTTC tiêu dùng trong việc đảm bảo tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính thích hợp, cần thiết cho các nhóm khách hàng dễ bị tổn thương, yếu thế và nhóm thu nhập thấp với một mức chi phí hợp lý, một cách công bằng và minh bạch.

Tại diễn đàn chuyên đề Vốn-Tài chính vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 21-8-2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong phát biểu tổng kết đã đề cập về tái cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam mà một trong giải pháp quan trọng là cần tăng vai trò của thể chế phi ngân hàng trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế. Vì vậy, tạo điều kiện các công ty tài chính tiêu dùng mở rộng và thuận lợi hơn trong hoạt động tại Việt Nam là một trong những giải pháp để tái cấu trúc thị trường tài chính, giúp đảm bảo cho đông đảo người dân có thể tiếp cận dịch vụ tài chính thích hợp, cần thiết với mức chi phí hợp lý một cách công bằng và minh bạch.

Phương Anh

;
.
.
.
.
.
.