Giới trẻ Đà Nẵng ngày càng quan tâm đến sở hữu trí tuệ

.

Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới năm nay (26-4-2019) có chủ đề “Vươn tới Giải Vàng: SHTT và Thể thao”. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị Ngô Phương Trà, Phó Phụ trách Văn phòng đại diện VPĐD Cục SHTT tại Đà Nẵng để tìm hiểu thêm về những hoạt động thúc đẩy phát triển SHTT tại Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói chung.

Một buổi tuyên truyền về SHTT cho sinh viên do VPĐD Cục SHTT tại Đà Nẵng tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng vào đầu tháng 4.
Một buổi tuyên truyền về SHTT cho sinh viên do VPĐD Cục SHTT tại Đà Nẵng tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng vào đầu tháng 4.

Thưa chị, chủ đề Ngày SHTT thế giới năm nay là “Vươn tới Giải Vàng: SHTT và Thể thao”. Vậy giữa SHTT và thể thao có mối liên hệ như thế nào?

SHTT gắn bó mật thiết với mọi lĩnh vực cuộc sống, trong đó có cả thể thao. SHTT trong thể thao là sự sáng tạo để vươn tới đỉnh cao và tinh thần fair-play. Các quyền SHTT được đưa vào kinh doanh giúp bảo đảm giá trị kinh tế của thể thao, từ đó kích thích sự phát triển của thể thao thông qua việc cho phép các tổ chức tài trợ sự kiện thể thao, thu tiền bản quyền từ việc phát sóng các giải thi đấu…

Hay những sáng chế cải tiến dụng cụ và trang thiết bị thể thao giúp người sử dụng thoải mái trong quá trình tập luyện, cải thiện hiệu suất và thi đấu tốt hơn, đảm bảo công bằng hơn. Ví dụ công nghệ VAR hỗ trợ trọng tài trong bóng đá, chân tay giả cho vận động viên khuyết tật, giày thi đấu giúp chuyển hồi năng lượng tốt hơn khi vận động hoặc có chức năng tự siết dây giày…

Chủ đề “Vươn tới Giải Vàng: SHTT và Thể thao” năm nay đưa ra một góc nhìn cận cảnh hơn trong thể thao, tập trung vào việc phổ biến và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về việc áp dụng Luật SHTT vào ngành kinh doanh thể thao. Từ đó giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến thể thao có thể sáng tạo, phát triển và tăng trưởng tốt hơn. Đây cũng là dịp để tôn vinh những huyền thoại thể thao và tất cả những người đang sáng tạo phía sau hậu trường để nâng cao thành tích thi đấu cũng như làm tăng sức hấp dẫn của thể thao trên toàn thế giới.

Nhân dịp này, VPĐD Cục SHTT tại Đà Nẵng đã có những hoạt động gì nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về SHTT?

Những ngày này, nếu đi ngang qua trụ sở VPĐD của chúng tôi (tại 135 đường Minh Mạng, quận Ngũ Hành Sơn), sẽ thấy các băng-rôn, áp phích được treo nhằm tuyên truyền về Ngày SHTT thế giới. Ngoài ra, còn có các băng-rôn, áp phích tại một số trường Đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và thành phố Huế nữa.

Ở Đà Nẵng, chúng tôi tham gia báo cáo chuyên đề tại Hội thảo “SHTT với văn hóa, thể thao và du lịch” do Sở Khoa học & Công nghệ tổ chức vào ngày 24-4. Chúng tôi cũng phối hợp với Viện Khoa học SHTT tổ chức lớp tập huấn về khai thác thông tin sở hữu công nghiệp, tổ chức bàn tư vấn về khai thác thông tin và thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Ở Huế, chúng tôi tổ chức cuộc thi “Sinh viên nhận diện, tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT” tại trường Đại học Luật (Đại học Huế). Đêm chung kết của cuộc thi này sẽ diễn ra vào ngày 4-5 tới.

Sau 3 năm về công tác tại VPĐD Cục SHTT tại Đà Nẵng, chị nhìn nhận như thế nào về thành tựu của Văn phòng trong những năm qua?

Trước đây, Đà Nẵng nói riêng và miền Trung- Tây Nguyên nói chung vẫn còn là 1 “vùng lõm” về SHTT. Vì vậy, những năm qua, chúng tôi dành mọi nỗ lực để tập trung vào công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về loại “tài sản vô hình” này. Những đối tượng chúng tôi ưu tiên hướng đến đầu tiên là sinh viên và cộng đồng khởi nghiệp, bởi họ thường có tư duy mở, tiếp thu cái mới rất nhanh.

Sau 3 năm, tôi vui mừng vì những nỗ lực của Văn phòng đã đạt được một số kết quả khả quan. Các buổi trò chuyện về SHTT của chúng tôi tại các trường đại học ngày càng thu hút nhiều sinh viên, giảng viên hơn. Phần hỏi - đáp ngày trước chẳng mấy khi nhận được câu hỏi, bây giờ thì khác hẳn. Độ khó, độ sát với thực tế của các câu hỏi từ sinh viên cũng tăng lên, chứng tỏ họ đã nhìn nhận được vai trò của SHTT và thực sự quan tâm đến nó. Bây giờ, một số trường đại học đã có những mối quan tâm chuyên sâu hơn khi “đặt hàng” chúng tôi thực hiện các chuyên đề phù hợp với chuyên môn của họ.

Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên hỗ trợ các địa phương trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên triển khai công tác quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Công tác tiếp nhận đơn và tư vấn hỗ trợ người nộp đơn luôn kịp thời và Văn phòng là cầu nối hiệu quả giữa các đơn vị thẩm định của Cục với người nộp đơn. Có thể nói, Văn phòng đang ngày càng khẳng định vai trò và vị thế của mình tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Xin cám ơn chị.
 

;
;
.
.
.
.
.