Khu du lịch Bà Nà Hills nhanh chóng khắc phục sự cố du khách vẽ bậy ở Cầu Vàng

.

Sáng 22-4, một fanpage cộng đồng nổi tiếng đã chia sẻ loạt hình ảnh một du khách trẻ dùng bút xóa viết lên bàn tay nâng đỡ cây Cầu Vàng tại khu du lịch Bà Nà Hills (Đà Nẵng). Sau sự việc tương tự tại Fansipan và nhiều nơi khác, đến lúc này, rất cần một giải pháp mạnh để ý thức của người đi du lịch được cải thiện.

Theo phản ánh, du khách này đã vô tư dùng bút xóa viết lên đôi bàn tay khổng lồ dòng chữ “DT11678” trước sự ngạc nhiên của rất nhiều người có mặt tại Cầu Vàng lúc bấy giờ. Sau đó, du khách này còn vô tư selfie với “tác phẩm” của mình một cách đầy tự hào. Những hình ảnh “phản cảm” này lập tức đã khiến cư dân mạng vô cùng phẫn nộ. Hầu hết các ý kiến đều lên án hành động vô ý thức của nam du khách. Một số cho rằng, thay vì chụp ảnh phản ánh sự việc, những người chứng kiến sự việc nên nhắc nhở và ngăn chặn kịp thời hành động xấu xí này.

Ngay khi nhận được thông tin, khu du lịch Sun World Ba Na Hills - nơi Cầu Vàng tọa lạc, đã nhanh chóng có phương án khắc phục hậu quả, để lấy lại vẻ rêu phong độc đáo vốn có của đôi bàn tay khổng lồ nâng đỡ Cầu Vàng - công trình du lịch nổi tiếng của Việt Nam gần đây đã khiến thế giới phải thán phục.

Đại diện khu du lịch Sun World Ba Na Hills, ông Nguyễn Lâm An cho biết, ngay khi phát hiện sự việc, khu du lịch đã huy động đội họa sĩ của Bà Nà lập tức khắc phục sự cố, để trả lại nguyên trạng vẻ rêu phong cho bàn tay Cầu Vàng.

Việc phủ lại màu sơn nguyên bản như ban đầu cho bàn tay ở khu vực bị vẽ bậy nói thì dễ nhưng thực hiện không hề đơn giản. Quy trình theo ông An cho biết, đầu tiên, đội họa sĩ phải làm sạch bề mặt khu vực bị vẽ bậy, tiếp theo là dùng sơn trắng phủ lên dòng chữ viết bằng bút xóa, sau đó dùng lớp sơn màu tiệp với bề mặt cũ và màu rêu của bàn tay để pha phối, vẽ lại nhiều lớp màu khác nhau theo đúng quy trình trước đây các chuyên gia kỹ thuật đã áp dụng để hoàn thiện công trình này. Mỗi lớp sơn sau muốn được vẽ lên lại phải chờ lớp màu trước đó khô hết, vẽ đi vẽ lại tới 4-5 lớp sơn khác nhau, kết hợp với kỹ thuật pha, phối màu tinh xảo mới có thể tạo nên màu sắc giống với ban đầu, để chỗ viết bậy không bị lệch tông so với tổng thể của bàn tay. Trung bình thời gian đợi một lớp sơn khô mất khoảng 45 phút nên dù đội họa sĩ của Bà Nà làm việc rất khẩn trương nhưng để hoàn thiện việc khắc phục này cũng mất gần 4 giờ đồng hồ. “Mặc dù có đội họa sĩ chuyên nghiệp nhưng việc khôi phục lại hoàn toàn như ban đầu là rất khó”, ông An chia sẻ.

Đây không phải là lần đầu tiên cư dân mạng bức xúc với những hành vi thiếu ý thức của một bộ phận không nhỏ khách du lịch.

Cách đây không lâu, sự việc tương tự cũng đã xảy ra tại khu du lịch Sun World Fansipan Legend. Một du khách “vô tư” khắc dòng chữ  “Tú Love Nhung” lên bề mặt chân cột cờ trên đỉnh thiêng Fansipan. Sau khi sự việc được phản ánh, khu du lịch này cũng đã mất nhiều giờ đồng hồ để có thể làm cho dòng chữ biến mất và phục dựng lại sắc màu đá giống với màu sắc ban đầu tại khu vực bị vẽ bậy.

Theo Điều 23 của Nghị định 158/2013/NĐ-CP, những hành động vẽ bậy, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật sẽ bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng. Mức phạt tăng tới 5 - 15 triệu đồng nếu hiện vật có giá trị dưới 50 triệu đồng, và 30 - 40 triệu đồng nếu hiện vật có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Được biết, Cầu Vàng của Sun World Ba Na Hills có giá trị xây dựng lên tới hàng chục tỷ đồng.

Thậm chí, ở các nước khác như Nhật Bản, những hành vi này còn có thể bị phạt tù tới 5 năm, hoặc thậm chí “thủ phạm” còn phải gánh chịu đồng thời các hình phạt gồm: phạt tiền, bỏ tù và bị đánh bằng roi như ở Singapore.

Thiết nghĩ, chúng ta cũng cần có những biện pháp mạnh nhằm nâng cao ý thức của du khách tại các điểm du lịch, để những câu chuyện tương tự không bị lặp lại.

;
;
.
.
.
.
.