Trải qua nhiều thập kỷ, dòng sông Hàn và các quần thể kiến trúc đôi bờ sông đã từng bước thay đổi diện mạo của thành phố Đà Nẵng.
Một góc lặng lẽ của dòng sông ngày ấy. |
Nếu người Pháp tự hào về sông Seine lãng mạn của Paris, Người Hà Lan với dòng sông Amstel chảy qua thủ đô Amsterdam hay người Áo với dòng Danube xinh đẹp thì Việt Nam, đặc biệt là người dân Đà Nẵng cũng có niềm tự hào với Hàn Giang không kém.
Sông Hàn quá khứ - Chứng nhân lịch sử
Hàn giang bắt nguồn từ ngã ba sông giữa quận Cẩm Lệ, quận Hải Châu và quận Ngũ Hành Sơn cho tới vịnh Đà Nẵng, chỗ giáp ranh giữa quận Sơn Trà với tổng chiều dài khoảng 7,2km, chiều rộng khoảng 900 – 1.200m. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, sông Hàn đóng vai trò quan trọng không chỉ là đầu mối giao thông đường thủy huyết mạch mà còn là chứng nhân cho những trang lịch sử bất khuất, thiêng liêng của người Đà Nẵng nói riêng và cả dân tộc nói chung.
Ít ai biết, khi Đà Nẵng chia tách từ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, sông Hàn vẫn còn khá hoang vắng, đơn sơ. Trên sông thời bấy giờ chỉ có bóng dáng của những người làm nghề lái đò, người dân buôn bán trên ghe thuyền, phía đường Bạch Đằng có một chợ Hàn để phục vụ cho nhu cầu giao thương buôn bán của người dân. Khu vực cảng ven sông cũng chỉ có ít tàu thuyền ra vào và những công trình tạm bợ.
Về hạ tầng, nhìn toàn cục, “điểm nhấn” hai bên sông Hàn lúc đó chỉ có thể kể đến hai tòa nhà có từ trước năm 1975 là khách sạn Thái Bình Dương và Phương Đông. Ngoài ra, không có công trình nào có thể gọi là quy mô, ấn tượng ở khu vực ven sông hay toàn thành phố Đà Nẵng. Ven đường Trần Hưng đạo lúc này cũng chỉ là dãy những căn nhà chồ của dân vạn đò, vô cùng nhếch nhác, xập xệ và ô nhiễm môi trường.
Riêng về cầu, đối với một thành phố có con sông chảy ngang qua, cầu đóng vai trò quan trọng không những về mặt kinh tế - xã hội mà còn về yếu tố cảnh quan, kiến trúc giúp tôn thêm vẻ đẹp của đô thị. Trước giải phóng, bắc qua sông Hàn chỉ có 2 chiếc cầu mà nay mang tên Nguyễn văn Trỗi và Trần Thị Lý, là dấu tích của hai đời thực dân Đế quốc. Như vậy, dọc sông Hàn, hơn 5km từ cửa sông về đến cầu Trần Thị Lý không có cây cầu nào.
Sông Hàn hiện tại – Dấu ấn năng động, sáng tạo của thành phố
Sông Hàn sau hơn 20 năm kể từ dấu mốc lịch sử 1-1-1997 đã thay đổi từng ngày, đến nay trở thành biểu tượng, mang dấu ấn năng động, sáng tạo của thành phố, thể hiện một sức sống mới mãnh liệt của người Đà Nẵng.
Tính đến hiện tại, đã có 9 cây cầu bắc qua sông Hàn tạo điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan đô thị đồng thời giữ vai trò là các tuyến giao thông quan trọng của thành phố. Trong đó, cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Thuận Phước… còn là địa điểm tham quan lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng.
Với việc quy hoạch, chỉnh trang đô thị được chú trọng đầu tư mở rộng, nâng cấp, hai tuyến đường dọc sông Hàn là Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo giờ đây đã kín những ngôi nhà cao tầng, các công trình tầm cỡ. Đường Bạch Đằng được xem là tuyến phố đẹp nhất của Đà Nẵng, nơi tập trung bộ máy hành chính, ngân hàng, khách sạn. Trong khi đó, đường Trần Hưng đạo lại là địa điểm khu vui chơi giải trí lớn gồm quảng trường, quán cà-phê, khách sạn, phố đi bộ... Bến cảng ngày trước giờ là bến thuyền thu hút nhiều du khách, góp phần đa dạng hóa hình thức du lịch cho địa phương.
Dọc hai bờ sông Hàn dần hình thành các khu dịch vụ thương mại – du lịch, kết cấu hạ tầng được nâng cấp và chỉnh trang đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng phúc lợi công cộng và nâng cao điều kiện sống của nhân dân. Nơi đây đồng thời thu hút đầu tư vào các lĩnh vực hoạt động văn hóa du lịch như xây dựng khu phức hợp thể thao, sân khấu biểu diễn ngoài trời, trung tâm thương mại...
Sông Hàn của những lấp lánh phồn hoa ở thời điểm hiện tại. |
Đặc biệt, các khu nhà chồ trên sông Hàn đến nay đã được giải tỏa, nhường chỗ cho những công trình ấn tượng như bến du thuyền, cầu tàu,… tạo nên không gian giải trí, vui chơi sôi động cho cư dân và du khách thập phương khi đến Đà Nẵng.
Hơn 20 năm nhìn lại với những đổi thay tích cực của thành phố bên sông Hàn, không thể không nhắc đến công lao của cả bộ máy chính quyền cùng toàn thể người dân nơi đây. Theo đó, chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã tạo sự đồng thuận đối với người dân trong việc xã hội hóa, đóng góp xây dựng nhiều công trình và dự án quan trọng. Tiêu biểu cần kể đến chiếc cầu quay sông Hàn, mốc son quan trọng trong quá trình thành phố ven sông vươn mình ra biển lớn, được xây dựng nên từ chính sự tích cóp của người dân Đà Nẵng, một biểu trưng cho ý Đảng lòng Dân, cho sự đồng thuận được khẳng định xuyên suốt theo thời gian.
Đồng thời, trong chặng đường phát triển ấy không thể không nhắc đến vai trò của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã góp phần kiến tạo nên những công trình đáng tự hào khu vực hai bờ sông Hàn. Điển hình có thể kể đến như hệ thống khách sạn gồm Novotel, Brilliant, Hilton, Green Plaza; Chuỗi thương mại, hệ thống siêu thị gồm Indochina Center, Vincom, chợ đêm; hệ thống công viên vui chơi giải trí; đặc biệt, các khu dân cư, khu đô thị cao cấp có quy hoạch đồng bộ, những khu phố thương mại sầm uất như Halla Jade Residence, Marina Complex đã góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân, định hình nên một thành phố trẻ, năng động và hiện đại bên bờ sông Hàn.
Qua đây, có thể khẳng định vai trò quan trọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng bên dòng sông Hàn thơ mộng. Do đó, để thúc đẩy phát triển, phía thành phố cũng như nhà đầu tư cần chủ động phối hợp với nhau biến tiềm năng, cơ hội phát triển thành hiện thực trong thời gian sớm nhất. Trong quá trình phát triển, chính quyền thành phố cần trân trọng những nhà đầu tư chân chính nhưng cũng mạnh dạn loại bỏ những doanh nghiệp cơ hội, lợi dụng lỗ hổng quản lý để thu lợi bất chính. Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cần tạo điều kiện về vốn cho nhà đầu tư, người dân để phát triển các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của Đà Nẵng.
Thủy Triều