Quảng Ngãi hoàn thiện mạng lưới giao thông, gia tăng sức hút đầu tư

.

Đến nay, các công trình giao thông cơ bản đã hoàn thiện, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã thông xe, cầu Thạch Bích đã đi vào hoạt động, tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh giai đoạn I đã hoàn thành… Những công trình này đã và đang dần hiện thực hóa mạnh mẽ việc liên kết liên vùng, đưa Quảng Ngãi bước vào thời kỳ mới.

Quảng Ngãi đã hoàn thiện nhiều công trình hạ tầng giao thông có tính chất  đột phá, kết nối liên vùng và khu vực.
Quảng Ngãi đã hoàn thiện nhiều công trình hạ tầng giao thông có tính chất đột phá, kết nối liên vùng và khu vực.

Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ

Quảng ngãi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, hội đủ các điều kiện địa lý và tự nhiên thuận lợi cho đầu tư phát triển giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không đến tất cả các vùng, miền trong cả nước và quốc tế. Nhận thức được điều này, đồng thời, xác định rõ hạ tầng giao thông là mạch nối quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, là lợi thế cạnh tranh của tỉnh để thu hút đầu tư, Quảng Ngãi đã triển khai đồng bộ các biện pháp đầu tư hoàn thiện mạng lưới giao thông rộng khắp.

Đến nay, nhiều dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng như Cầu Thạch Bích; Dự án nâng cấp, mở rộng QL 1A, QL 24; Tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh giai đoạn I; Đường Mỹ Khê - Trà Khúc, Trà Bồng - Trà Phong, Di Lăng - Trà Trung, Thạch Phụ - Phổ An, Long Môn - Sơn Kỳ; Cầu Cộng Hòa; Cầu Hải Giá; Đường bờ Nam sông Trà Khúc; Đường Sơn Hà - Ba Tiêu; Đường Sơn Hà - Sơn Tây; Hệ thống giao thông KKT Dung Quất, các KCN, đô thị của tỉnh….

Đặc biệt, dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có chiều dài 139,52km với tổng mức đầu tư 34.516 tỷ đồng đã đi vào hoạt động. Công trình giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các trung tâm kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các khu công nghiệp của Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi...

Có thể thấy, sự đồng bộ về hạ tầng giao thông không chỉ tạo thuận lợi cho thông thương hàng hóa, nông sản của Quảng Ngãi mà còn là đòn bẫy cho thu hút đầu tư. Đây là kết quả thực hiện phát triển hạ tầng giao thông có tính đột phá chiến lược và luôn được tỉnh Quảng Ngãi ưu tiên, xác định giao thông “đi trước một bước” để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của tỉnh mà còn của các địa phương trong khu vực.

Mở rộng đô thị về phía biển

Định hướng quy hoạch chung Quảng Ngãi đến năm 2030, Tp Quảng Ngãi là đô thị hướng biển, lấy dòng sông Trà Khúc là trục cảnh quan chủ đạo, gắn kết chặt chẽ với KKT Dung Quất.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư loạt công trình trọng điểm nhằm hướng tới mục tiêu này. Cụ thể, dự án ghi dấu ấn đầu tiên là hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa, với tổng số vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Công trình này đã mở ra cơ hội phát triển đối với các xã vùng đông Tp Quảng Ngãi, đồng thời tạo kết nối, mở rộng đô thị theo quy hoạch đã được duyệt.

Với chiến lược hướng ra biển được quy hoạch gần đây, Quảng Ngãi đang dành nguồn lực tài chính khá lớn để đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối.
Với chiến lược hướng ra biển được quy hoạch gần đây, Quảng Ngãi đang dành nguồn lực tài chính khá lớn để đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối.

Dự án Đập dâng sông Trà khúc với mục tiêu dâng nước tạo cảnh quan cho dòng sông đồng thời đánh thức tiềm năng du lịch của đảo Ngọc với tổng số vốn 1.500 tỷ đồng đang được gấp rút thi công. Dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2020.

Đáng chú ý, tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh giai đoạn II (đoạn Trà Khúc – Sa Huỳnh) với tổng vốn đầu tư 2.507 tỷ đồng cũng đã được duyệt chủ trương đầu tư và dự kiến khởi công vào cuối năm 2019 - Đây được cho là “tuyến đường kim ương” của Quảng Ngãi trong tương lai. Nhìn từ Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Định, có thể thấy, sự xuất hiện của tuyến đường ven biển sẽ là cú hích cho các dự án bất động sản nghỉ dưỡng và là tiền đề cho ngành du lịch bứt tốc.

Đặc biệt, chiến lược hình thành những cây cầu bắc qua sông Trà Khúc là một trong những giải pháp của tỉnh để hướng đến mục tiêu quy hoạch hướng sông, mở rộng không gian đô thị về phía biển. Tính đến nay, Quảng Ngãi có 4 cây cầu bắc qua sông Trà Khúc và con số này tiếp tục tăng lên thành 5 khi cầu Cửa Đại chính thức đi vào hoạt động vào đầu năm 2020. Đây là cây cầu đường bộ lớn nhất nối 2 bờ sông Trà Khúc giúp rút ngắn khoảng cách đi lại cho cư dân hai bên bờ sông từ hơn 20 km còn 2,5 km, hoàn thiện tuyến ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh.

Các Chuyên gia Kinh tế nhìn nhận, định hướng phát triển đô thị hướng biển của Tp Quảng Ngãi là phù hợp với xu thế phát triển chung của các đô thị hiện đại. Sắp tới đây khi các công trình giao thông trọng điểm hoàn thành sẽ làm thay đổi mạnh mẽ kết cấu hạ tầng, đô thị Quảng Ngãi, góp phần liên kết vùng, tạo động lực phát triển toàn diện vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thúc đẩy giao thương trong và ngoài khu vực, đưa Quảng Ngãi lên vị thế mới.

Hạnh Thủy
 

;
;
.
.
.
.
.