Lối nhỏ dẫn vào con hẻm thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu hôm nay dường như rộn ràng hơn mọi ngày tôi thường qua. Thấp thoáng trong những dáng người hối hả với công việc thường nhật có những sắc cam đang vận chuyển cọ quét, tôn, thùng sơn và nhiều vật tư khác đến ngôi nhà ở cuối đường kiệt. Nơi ấy, một người phụ nữ dáng lam lũ đứng lặng lẽ, đôi mắt chị dường như đang đợi chờ điều gì...
Công nhân Điện lực Liên Chiểu sơn vôi tại nhà chị Nguyễn Thị Nhung. |
Chúng tôi băng qua những căn phòng liên tiếp nhau để đến “nhà” của chị Nguyễn Thị Nhung – một hộ thuộc diện đặc biệt nghèo của quận Liên Chiểu. Căn nhà ẩm thấp và xuống cấp rất nhiều. Gọi là “nhà” nhưng nơi ấy nhiều năm qua không có lối vào. Gia đình chị nhiều năm qua đành quen với việc băng qua những căn phòng khác để vào “nhà” của mình. Điều mong ước giản dị của chị vì thế là có đủ tiền để trổ cửa, có được một lối đi riêng tư. Niềm mong mỏi giản dị ấy của chị Nhung đã thôi thúc những người thợ Điện lực Liên Chiểu, PC Đà Nẵng xắn tay áo để “rẽ ngang” làm anh thợ xây, làm công trình nho nhỏ nhưng ý nghĩa như một món quà gửi đến gia đình chị Nhung trong tháng Tri ân khách hàng năm 2020 của ngành điện.
Hì hục khuân cánh cửa gia công vừa khít với vị trí của lối vào vừa được chọn, các anh em trong đơn vị ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi, bỗng chốc lại thấy vui hẳn ra khi lắp xong cánh cửa. Đôi mắt hằn những vết chân chim đầy những lo toan mưu sinh của chị Nhung không giấu được niềm hạnh phúc khi ngôi nhà của chị từ nay đã có cửa ra vào đúng nghĩa. Mong ước của chị có lẽ quá nhỏ nhoi so với nhiều người nhưng với gia đình chị đó là một niềm vui trong những tháng ngày khó khăn này. Xong cánh cửa, các anh lại mải miết sơn vôi lại những bức tường đã cũ kỹ của nhà chị Nhung dưới cái nắng hiếm hoi của tháng 11. Rồi loáng chốc, các anh lại thoăn thoắt đôi tay kiểm tra và sửa chữa, thay thế hệ thống điện nhà chị. Công việc kết thúc khi đồng hồ đã điểm chiều, cả đội chỉ kịp tạm biệt gia đình chị thật nhanh để đến hỗ trợ một nhóm công tác khác đang hối hả mang đến niềm vui cho một gia đình khác cũng vô cùng đặc biệt. Nhìn cánh cửa, những bức tường thơm mùi sơn vôi mới, lòng tôi thoáng dâng niềm vui đến lạ, và có lẽ chị Nhung, người thân của chị - lòng họ dường như đã khoác lên “tấm áo mới”…
Tháng 11, trời đã sang đông. Chút nắng vàng còn sót lại cuối ngày rơi rớt trên vai của người thợ điện áo cam mà hôm nay “thoắt cái” đã thành anh thợ hồ mang niềm vui đến với những mái nhà còn nhiều khốn khó. Màu nắng cứ thế nhạt dần về cuối chiều. Một người đàn ông đã ngoài bốn mươi đang đẩy chiếc máy bơm hơi lốp xe cùng hàng tá món đồ lỉnh kỉnh khác vội vã chạy vào kiệt 183 Tô Hiệu. Mãi về sau chúng tôi mới biết anh là chồng của chị Trần Thị Lan – trú tổ 20 phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, làm nghề vá xe trên các hè phố. Chị Lan bị thương tật nên chỉ có thể phụ giúp kinh tế gia đình bằng công việc may gia công tại nhà.
Và rồi, chúng tôi không khỏi bất ngờ đến mái ấm vỏn vẹn 25m2 giữa con hẻm là nơi sinh hoạt hàng ngày của ba thế hệ gia đình chị. Hoàn thành việc thay tôn mới cho nhà chị, các anh em của đội lại hối hả sơn vôi lại ngôi nhà của chị kịp trước khi trời tối. Chúng tôi không ai bảo ai, nhanh chóng vào nhà kiểm tra, sửa chữa hệ thống điện. Ánh sáng của bóng tuýp mới sáng bừng cả ngôi nhà nhỏ, soi tỏ từng gương mặt khắc khổ đang mong chờ những thay đổi mới để cuộc sống tất bật của họ tốt đẹp hơn phần nào. Giữa ánh sáng ấm áp ấy, chị Lan không giấu nỗi xúc động, nghẹn ngào cảm ơn các anh em đơn vị. Chồng chị phấn khởi tiễn chúng tôi đi một đoạn thật xa rồi mới quay vào nhà. Mùa đông này, hơn gần mười thành viên của đại gia đình nhà chị không còn phải ôm nhau run bần bật mỗi lúc gió rít hay mưa điểm nhịp trên mái tôn cũ mục. Bởi bức tường còn thơm mùi vôi vừa quét xong sẽ là điểm nhấn của gia đình chị khi đông qua xuân đến…
Nắng đã tắt sớm trên nền trời mùa đông, dưới ánh đèn đường phản chiếu, mưa lất phất rơi khiến tóc của ai nấy đều điểm những hạt sương lấp lánh, đôi tay chúng tôi bắt đầu cảm nhận được cái lạnh của gió trời. Vậy mà trong lòng mỗi người, một ngọn lửa nhỏ ấm áp được nhen nhóm, đang tí tách như reo vui hòa cùng niềm hạnh phúc giản dị của những tổ ấm nhỏ.
QUỲNH TRANG