Câu hỏi về động lực là một trong những chủ đề thường gặp khi tham gia phỏng vấn. Trên thực tế, đây cũng được coi là cơ sở để nhà tuyển dụng đánh giá toàn diện hơn về mức độ phù hợp của ứng viên đối với công việc và doanh nghiệp.
Dưới đây là top 5 câu hỏi phỏng vấn về động lực thường gặp khi tìm việc làm quận 12, Củ Chi hay bất kỳ nơi nào khác để bạn có thể tham khảo cũng như có được những gợi ý hữu ích về cách trả lời.
Điều gì thúc đẩy bạn ứng tuyển vào công việc này?
Đối với câu hỏi “Điều gì thúc đẩy bạn ứng tuyển vào công việc/công ty này?” thì bạn nên cân nhắc những thông tin đã tìm hiểu trước về doanh nghiệp để có thể đưa ra câu trả lời hợp lý. Trên thực tế, bạn không nên bắt đầu với câu trả lời “mức lương cao” mặc dù đây cũng được coi là một yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy tinh thần làm việc. Tốt nhất nên đề cập đến những đặc điểm như môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến,... hoặc những yếu tố có liên quan đến tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi,... của công ty.
Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn có thể nói rõ mục đích khi lựa chọn công việc này như những khả năng phát triển kỹ năng nhờ trải nghiệm mới từ công ty. Điều này sẽ giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng khi trả lời câu hỏi liên quan đến động lực làm việc.
Bạn làm việc hiệu quả nhất trong môi trường như thế nào?
Câu hỏi này cũng là một trong những câu hỏi phỏng vấn về động lực thường gặp. Thông qua câu hỏi này, phía công ty muốn biết được bạn đang tìm kiếm hoặc kỳ vọng những điều gì ở môi trường mới. Cũng từ đó mà họ có thể cân nhắc xem bạn có thực sự là một ứng viên phù hợp với doanh nghiệp của họ hay không. Lý do là bởi nếu nhân viên không cảm thấy thoải mái trong chính nơi làm việc thì không thể đạt hiệu suất tối đa. Bạn hãy thành thật với câu trả lời của mình như mong muốn môi trường thân thiện, hòa đồng, mọi người giúp đỡ lẫn nhau; môi trường chuyên nghiệp, sử dụng ngoại ngữ chủ yếu,... Hoặc dựa trên những hiểu biết về doanh nghiệp để có được những cách đáp lại ấn tượng. Ví dụ, một trong những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là “Trách nhiệm”, thì bạn có thể nói điều này cũng giống với mong muốn của bạn về môi trường làm việc lý tưởng bạn đang hướng đến.
Theo bạn thành công trong sự nghiệp có ý nghĩa như thế nào?
Thông qua câu hỏi trên, nhà tuyển dụng muốn biết rõ hơn về định nghĩa thành công của riêng bạn cũng như động lực để bạn đạt đến điểm đích một cách nhanh nhất. Có nhiều cách để trả lời câu hỏi này, bạn có thể chia thành (1) thành công ngắn hạn và (2) thành công dài hạn.
Đối với những thành công ngắn hạn, chỉ cần bạn đạt được những mục tiêu trước mắt từ 6 tháng - 1 năm đã được xem là hoàn thành, chẳng hạn như vượt KPI hàng tháng, trở thành nhân viên xuất sắc nhất quý,... Lúc này, động lực của bạn là hoàn thành công việc thật tốt để tăng thu nhập nhờ những khoản thưởng, hoa hồng,... Còn đối với những thành công cần nhiều thời gian hơn để cố gắng được ghi nhận, ví dụ như trở thành team leader, trưởng phòng, được đề bạt trở thành người lãnh đạo,... thì ứng viên phải có động lực lớn hơn. Hãy chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng mong muốn bạn hướng đến không chỉ là mức đãi ngộ tốt, lương cao mà còn là thăng tiến trong doanh nghiệp.
Bạn có cách nào để lan tỏa tinh thần tự tạo động lực tới những người xung quanh ở nơi công sở không?
Khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi này, họ muốn biết thêm về cách hành xử nơi công sở của bạn cũng như xem bạn có thể hòa nhập với môi trường mới hay không. Bởi thực tế, mỗi cá nhân trong tập thể đều có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu chung. Ngoài việc tự tạo động lực để bản thân hoàn thành tốt công việc, nếu bạn cũng có khả năng lan tỏa năng lượng tích cực này đến mọi người để họ cũng hiện thực tốt mục tiêu của mình thì lại càng là một điểm cộng. Chẳng hạn như bạn có khả năng động viên và chia sẻ với người khác khi họ mất đi nguồn năng lượng tích cực, giúp họ cảm thấy thoải mái hơn sau khi trò chuyện,…
Bạn có bao giờ mất động lực đi làm chưa? Và bạn vượt qua điều này như thế nào?
Kiệt sức hay đôi lúc mất động lực làm việc là một điều vô cùng bình thường khi chúng ta mệt mỏi, cần nghỉ ngơi. Do vậy, bạn đừng ngần ngại mà hãy trung thực chia sẻ quan điểm của mình. Tất cả quá trình này sẽ chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn thực sự có khả năng vượt qua những vấn đề khó khăn, biết cách chuyển hóa áp lực thành động lực.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đưa ra câu trả lời bằng cách thể hiện nhiệt huyết với mục tiêu của mình. Điều này gián tiếp giúp nhà tuyển dụng hiểu được rằng nếu có lúc bạn gặp vấn đề, mất đi động lực thì bạn vẫn không bỏ cuộc. Bạn sẽ nỗ lực và tìm cách vực dậy bản thân nhờ niềm đam mê và lòng tin vững vàng.