.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố làm việc với Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng

Xử lý nước thải các khu công nghiệp vẫn “nóng”

Sáng ngày 16-4, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố có buổi làm việc với Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất (CKCN&CX) Đà Nẵng về các nội dung: Tình hình xây dựng cơ sở hạ tầng, hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn, tình hình sử dụng đất, kết quả triển khai các dự án và thu hồi các dự án không thực hiện đúng cam kết.

Theo báo cáo của Ban Quản lý CKCN&CX, trong quí 1, các doanh nghiệp được giao phát triển và khai thác hạ tầng KCN tiếp tục triển khai nhiều hạng mục: San nền, đường giao thông, cống thoát nước, điện chiếu sáng. Hiện KCN Đà Nẵng đã hoàn thành và hết diện tích cho thuê. Trong quý 1-2008 có 8 dự án trong nước được cấp phép với tổng vốn đầu tư 587 tỷ đồng, diện tích 18 ha; 5 dự án đăng ký lại với số vốn tăng thêm 388 tỷ đồng; cấp phép mới 2 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư 16 triệu USD, diện tích sử dụng 3,9 ha, 3 dự án đăng ký lại tăng vốn đầu tư 17,5 triệu USD. Khắc phục hậu quả cơn bão số 6 năm 2006, nhiều doanh nghiệp đã vươn lên sản xuất kinh doanh tốt, một số doanh nghiệp còn mở rộng sản xuất trong năm 2007, nộp ngân sách 7,87 triệu USD và 35,25 tỷ đồng. BQL đã kiến nghị thu hồi dự án không triển khai của 6 doanh nghiệp và tiếp tục đề xuất thu hồi đất của 8 doanh nghiệp khác.

Trả lời chất vấn của các thành viên Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố, BQL cho biết: Vấn đề sản xuất gây ô nhiễm ở KCN Hòa Khánh và KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng vẫn chưa được xử lý triệt để do các nguyên nhân: Hệ thống thu gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải KCN Hòa Khánh chưa đấu nối hết với các nhà máy sản xuất, hệ thống đường ống dẫn nước thải thi công không bảo đảm chất lượng bị rò rỉ ra đất. Nhà máy chỉ hoạt động với công suất 2.000m3/ngày đêm, trong khi thiết kế có thể xử lý 5.000m3. Khi triển khai xây dựng Nhà máy xử lý nước thải, Ban Quản lý CKCN&CX không được tham gia ý kiến. Hiện Thanh tra thành phố đã thanh tra làm rõ những vấn đề về gây lãng phí ngân sách, thiếu tính khoa học khi xây dựng nhà máy này. Ông Trần Văn Đông, Phó Ban Quản lý CKCN&CX đề nghị thành phố phải xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan. Đối với nhà máy xử lý nước thải ở KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng chưa triển khai được vì còn phải điều chỉnh trượt giá. Nếu các thủ tục suôn sẻ thì phải đến năm 2009 mới triển khai được.

Ban Kinh tế-Ngân sách đặt vấn đề: Hiệu quả đầu tư phát triển công nghiệp của thành phố liệu có đạt được mục tiêu tạo sức bật về công nghiệp của thành phố vào năm 2010? Ông Trần Văn Đông thẳng thắn nhìn nhận: Nhìn trên giá trị sản lượng công nghiệp là không hiệu quả. Hiện vẫn chưa có dự án lớn, công nghiệp phụ trợ còn yếu. Ở các KCN có một thực trạng có hạ tầng cơ sở thì hết đất, mà nơi có đất thì hạ tầng cơ sở chưa hoàn thiện, không hấp dẫn với nhà đầu tư. Ban Quản lý phản ánh: Do quy định lương tối thiểu hằng tháng của công nhân ở địa bàn TP. Đà Nẵng là 800 ngàn đồng nên các doanh nghiệp chỉ trả hơn chút đỉnh, trong khi đó giá cả tăng cao, đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn. Vấn đề nhà ở cho công nhân ở các KCN rất bức xúc. Hiện nay có khoảng 25 ngàn công nhân phải đi thuê nhà. Thành phố mới chỉ tạo điều kiện cho 2 doanh nghiệp xây nhà ở cho công nhân.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Chính khẳng định: Việc xử lý nước thải tại các KCN đã tốt hơn trước, còn những vấn đề khác cần có thời gian để làm. Thành phố sẽ tập trung xử lý môi trường. Về vấn đề nhà ở cho công nhân, trước mắt để các doanh nghiệp đã được giao đất làm thí điểm.

S.TRUNG

;
.
.
.
.
.