.

Hầm đường bộ Hải Vân “kêu cứu”!

.

Mới hoàn thành và đưa vào sử dụng trong 3 năm trở lại đây, nhưng sự an toàn của hầm đường bộ Hải Vân đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình trạng người dân chiếm dụng đất lâm nghiệp, xây dựng công trình trái phép ngay khu vực hành lang an toàn. \

Ngang nhiên chiếm đất, xây dựng công trình trái phép
Trong quá trình thi công công trình hầm đường bộ Hải Vân thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng, Xí nghiệp Sông Đà 10.2 (thuộc Công ty Sông Đà 10) mượn của Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân khu đất diện tích khoảng 1.500 m2 (ngay cạnh Trung tâm Quản lý điều hành hầm đường bộ Hải Vân bây giờ) để làm bãi trung chuyển đất đá thải, phục vụ thi công công trình. Sau khi công trình hầm đường bộ Hải Vân hoàn thành, đưa vào sử dụng, ngày 30-1-2005, Xí nghiệp Sông Đà 10.2 thu dọn, trả lại nguyên trạng đất ban đầu cho Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân quản lý.

Sau hai lần xử lý, lực lượng quy tắc phường Hòa Hiệp Bắc đã đập bỏ bức tường xây trái phép của ông Hòe vào sáng ngày 14-3-2008.

Theo hợp đồng giao khoán đất rừng số 44B//HĐGK ngày 20-7-2000 của Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân, nhóm hộ ông Trần Viết Hòe, Nguyễn Thanh Tuấn và Trần Anh Pha, trú phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) được giao khoán 7,5 héc ta đất rừng tại tiểu khu 11, rừng đặc dụng Nam Hải Vân. Theo sơ đồ vị trí, khu đất 7,5 héc ta mà ông Hòe được giao khoán và khu đất 1.500 m2 (Xí nghiệp Sông Đà 10.2 mượn làm bãi trung chuyển đất đá thi công hầm đường bộ Hải Vân) nằm cách nhau một con suối. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, từ ngày Xí nghiệp Sông Đà 10.2 trả lại khu đất 1.500 m2 cho Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân quản lý, ông Trần Viết Hòe đã ngang nhiên chiếm dụng để trồng cây, đào hố xây bể nước, dựng hòn non bộ, nhà cấp 4... ngay trên khu đất nói trên (?).

Theo quy định, để bảo vệ kết cấu hạ tầng hầm đường bộ Hải Vân, mọi công dân không được xây dựng các công trình kiến trúc ở phạm vi 100 m, tính từ tường rào khu vực Trung tâm điều hành trở ra. Thế nhưng, ông Hòe đã trồng cây phi lao và cau ngay sát tường rào, khi cây lớn sẽ cản trở tầm quét phục vụ kiểm soát an ninh của hệ thống camera; bể nước, nhà ở... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống cáp ngầm điều khiển tự động của Trung tâm Quản lý Điều hành hầm đường bộ Hải Vân. Nguy hiểm hơn, ngay dưới đường dây điện 110kv phục vụ vận hành hầm đường bộ, ông Hòe cho dựng hòn non bộ, trại nghỉ chân làm đất bồi lấp các móng chân trụ điện số 1 (tính từ Trung tâm Quản lý điều hành trở ra) gây mục rỉ các chân trụ, dẫn đến dễ gãy đổ và khả năng xảy ra hiện tượng phóng điện khi trời giông bão là rất cao. Thêm vào đó, tại khu vực này, hằng ngày người dân ra vào nhiều, nên gây không ít khó khăn đối với Công ty Hamadeco (đơn vị quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân) trong công tác quản lý, bảo đảm an ninh trong khu vực...

Chẳng lẽ “bó tay” ?
Từ khi phát hiện việc thi công công trình trái phép của ông Trần Viết Hòe, Công ty Hamedeco đã ra can ngăn, không cho ông Hòe tiếp tục thi công, đồng thời công ty đã nhiều lần có văn bản gửi các cơ quan chức năng thành phố nhờ can thiệp, xử lý.

Ngày 16-6-2006, ông Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu đã có văn bản kết luận số 281/TB-VP, với nội dung: “Qua kiểm tra thực tế và trên cơ sở hồ sơ liên quan do các bên cung cấp, hộ ông Trần Viết Hòe đã lấn chiếm đất rừng trái phép để trồng cây xanh, cây cảnh, xây dựng hòn non bộ, đào hố nước... xâm phạm hành lang an toàn lưới điện 110kv. Hành vi này phải được xử lý. UBND quận giao Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân lập biên bản buộc ông Hòe phải tháo dỡ các vật kiến trúc xây dựng, các cây trồng trái phép và trả lại nguyên hiện trạng ban đầu. Yêu cầu ông Hòe hoàn trả mặt bằng cho Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân”.

Những tưởng, sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND quận Liên Chiểu, sự việc đã được giải quyết nhanh chóng. Trái lại, đến nay công trình xây dựng trái phép của ông Trần Viết Hòe ở khu đất 1.500 m2 vẫn cứ ngang nhiên tồn tại, thách thức dư luận. Chưa hết, ngày 13-3-2008, lực lượng quy tắc phường Hòa Hiệp Bắc phát hiện ông Hòe xây dựng tường rào trái phép ngay tại khu đất này nên đã lập biên bản yêu cầu ngừng việc thi công. Tuy vậy, qua sáng hôm sau (14-3), ông Hòe vẫn tiếp tục cho xây dựng mảng tường rào trái phép này (!).

Theo tìm hiểu, việc ông Trần Viết Hòe chiếm dụng đất, xây dựng công trình trái phép xảy ra từ năm 2005, các cơ quan chức năng thành phố đã tổ chức hơn 20 cuộc họp để xử lý vụ việc, tuy nhiên, điều lạ là đến nay vẫn chưa hề có một biên bản xử phạt hành chính nào về những vi phạm của ông Hòe (?). Khi chúng tôi hỏi: “Tại sao đến nay vẫn chưa xử lý những vi phạm của ông Trần Viết Hòe?”. Ông Trần Huy Độ, Trưởng Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân chỉ trả lời vòng vo: Không có tiền mua cây về trồng tại khu đất này. Việc đập nhà, chặt cây phải xem xét...

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Sáu, Phó Giám đốc Công ty Hamadeco bức xúc: Việc lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép của ông Trần Viết Hòe là rất nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của hầm đường bộ Hải Vân, nếu không xử lý kịp thời thì sẽ gây ra hiểm họa khôn lường. Công ty đã nhiều lần cầu cứu đến các cơ quan chức năng, song không hiểu vì lý do gì đến nay vẫn chưa thấy xử lý?

Để giữ gìn kỷ cương phép nước, cũng như bảo vệ sự an toàn tuyệt đối cho hầm đường bộ Hải Vân, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng thành phố cần nhanh chóng vào cuộc xử lý thật nghiêm những vi phạm của ông Trần Viết Hòe; đồng thời cần làm rõ trách nhiệm đối với các cá nhân đã để xảy ra sự việc gây bức xúc dư luận như trên.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.