.
Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ XII

Cần có cơ chế và chế tài để tăng hiệu quả giám sát

Kiến nghị sau giám sát của HĐND các cấp được tiếp thu, thực hiện rất chậm, đôi khi bị thời gian “vô hiệu hóa” đã làm giảm hiệu lực giám sát của HĐND. Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 qua 9 năm đi vào cuộc sống đã nảy sinh những bất cập. Cần có cơ chế và chế tài nhằm tăng hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND các cấp là chủ đề chính được đề cập tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tổ chức tại thành phố Đà Nẵng ngày 11-4.

Giám sát thúc đẩy phát triển
Tham luận của các địa phương nêu kết quả hoạt động giám sát đều đi đến một kết luận chung: Hoạt động giám sát chỉ có hiệu lực, hiệu quả thực sự khi những đề xuất kiến nghị sau giám sát của HĐND được các đối tượng chịu sự giám sát tiếp thu, xử lý, giải quyết triệt để. Hoạt động giám sát đã góp phần làm ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn những cuộc giám sát hiệu quả hạn chế do đại biểu HĐND kiêm nhiệm, không có thời gian nên thiếu thông tin, kiến thức chiều sâu cũng như văn bản chính sách, pháp luật về lĩnh vực giám sát, không nắm vững vấn đề.

Tham luận của HĐND tỉnh Quảng Nam nêu thực tế vẫn còn trường hợp giám sát kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” dẫn đến kết luận giám sát chung chung, nửa vời, kiến nghị nước đôi, thực hiện cũng được mà không thực hiện cũng được. Việc theo dõi kết quả giám sát thường giao lại cho trưởng, phó chuyên trách các Ban của HĐND mà trong một số trường hợp, các ban này không hoàn toàn đồng nhất với đoàn giám sát. Nhiều đại biểu HĐND vẫn mang tâm lý ngại va chạm, nể nang, né tránh khi thực hiện giám sát. Mặt hạn chế khác là nhận thức của một số đơn vị, ngành thuộc đối tượng chịu sự giám sát của HĐND đối với công tác giám sát là “bới lông tìm vết”. Một số đối tượng bị giám sát vẫn cảm thấy mình bị kiểm tra, soi mói.

HĐND tỉnh Gia Lai nêu cá biệt có trường hợp đối tượng giám sát cho rằng giám sát của HĐND gây cản trở, khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành của đơn vị. Vì thế, đối tượng giám sát thiếu tinh thần hợp tác, gây khó khăn cho hoạt động giám sát. Thực tế hiện nay, một số kiến nghị sau giám sát không được thực hiện hoặc chậm thực hiện. Điều này làm cho hiệu lực, hiệu quả giám sát không cao. Có những cuộc giám sát sau một thời gian bị “vô hiệu hóa”, bị “treo” rồi rơi vào im lặng vì đơn vị chịu sự giám sát viện dẫn nhiều lý do, khó khăn để chậm thực hiện kiến nghị của đoàn giám sát.

Cần có Luật giám sát cho HĐND
Đa số các tham luận tại Hội nghị lần này đều kiến nghị Quốc hội cần phải ban hành Luật giám sát của HĐND chứ không nên quy định chỉ một chương trong Luật Tổ chức HĐND và UBND. Theo đó, quy định rõ chế tài đối với đối tượng không thực hiện kiến nghị sau giám sát của HĐND nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, khắc phục tình trạng “không thực hiện, không chết ai”.

Một hình thức giám sát khác của HĐND là lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ do HĐND bầu ra quy định tại Điều 56, Quy chế hoạt động của HĐND là không khả thi. Việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm bị “trói” bởi quy định phải có 1/3 trong tổng số đại biểu HĐND hoặc Ủy ban MTTQ kiến nghị mới tiến hành. Do vậy, cần có một cơ chế lấy phiếu tín nhiệm với một quy trình thủ tục khả thi, quy định cụ thể thời gian lấy phiếu tín nhiệm đối với chức vụ do HĐND bầu ra.

Có ý kiến đề nghị nên quy định chế tài đối với cả đại biểu HĐND thực hiện chức năng giám sát thiếu trách nhiệm, kém hiệu quả mà hậu quả không chỉ là sự tốn kém, lãng phí tiền của Nhà nước mà còn đánh mất lòng tin của cử tri đã bỏ phiếu bầu mình là người đại diện. Khi tiến hành bầu cử đại biểu HĐND không nên quá nặng về cơ cấu mà làm ảnh hưởng đến chất lượng đại biểu sau này.


 

Đà Nẵng xây dựng chính quyền đô thị:
Sẽ không còn HĐND cấp quận, huyện, phường, xã


Đà Nẵng xây dựng chính quyền đô thị: Điểm nổi bật trong tham luận tại Hội nghị của HĐND thành phố Đà Nẵng là sẽ tổ chức mô hình HĐND trong chính quyền đô thị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X). Thực hiện mô hình này, Đà Nẵng chỉ còn HĐND cấp thành phố, không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường, xã.

Với tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng ở Đà Nẵng, chính quyền đô thị phải bảo đảm tính thống nhất và liên thông trên địa bàn về các vấn đề quy hoạch đô thị, hạ tầng cơ sở. Mọi quyết định về chủ trương, giải pháp thực hiện và giám sát việc thực hiện đòi hỏi phải có sự tập trung và thống nhất cao. Nhiều cấp chính quyền như hiện nay phá vỡ tính thống nhất và liên thông này.

Mô hình tổ chức HĐND trong chính quyền đô thị mới đáp ứng được yêu cầu này. Cùng với thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp, HĐND thành phố sẽ đảm nhận thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND hai cấp dưới không còn tổ chức. HĐND thành phố sẽ quyết định những vấn đề chung của thành phố và những vấn đề cụ thể nảy sinh của từng địa phương. Hoạt động giám sát của HĐND thành phố thực hiện tập trung thông qua hoạt động của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND.

Đặc biệt, vai trò chủ động tổ chức hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND thành phố, đơn vị quận, huyện và của từng đại biểu có ý nghĩa rất lớn. Thực hiện mô hình tổ chức HĐND trong chính quyền đô thị sẽ tinh giản được 1.716 đại biểu HĐND ở 2 cấp dưới, tiết kiệm được một khoản chi ngân sách rất lớn. Để bảo đảm hoạt động hiệu quả trong chính quyền đô thị, HĐND thành phố cần tăng số lượng đại biểu phù hợp và tăng ít nhất là 30% đại biểu hoạt động chuyên trách. Dự kiến sẽ có đại biểu chuyên trách theo dõi từng quận, huyện.

 

SƠN TRUNG

;
.
.
.
.
.