.

Dân vi bản - Tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cuộc đời, sự nghiệp và tác phong đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng cho mọi thế hệ người Việt Nam yêu nước phải học tập và kính phục. Đạo đức và tư tưởng của Người không chỉ bó hẹp ở trong nước mà còn vươn ra tầm thế giới và nhân loại. Một trong những tư tưởng vĩ đại và được xem là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng và đạo đức cách mạng của Người là tư tưởng “dân vi bản” (tư tưởng lấy dân làm gốc).

Là một vị lãnh tụ của một đất nước còn nghèo và phải tiến hành cuộc chiến tranh chống xâm lược của thực dân và đế quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức một cách sâu sắc tầm quan trọng của nhân dân, nhân dân có sức mạnh vô địch. Hội tụ được lòng dân, được nhân dân ủng hộ thì dù khó khăn đến mấy cũng có thể vượt qua. Người đã từng nói: “Dễ ngàn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Chính vì thế, Người đã dạy cán bộ, chiến sĩ “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”. Chính nhận thức và tư tưởng này mà Người đã được nhân dân tuyệt đối tin tưởng và ủng hộ. Chính phủ Hồ Chí Minh (Chính phủ lâm thời do Người làm Chủ tịch) đã vượt qua được những thời khắc có thể nói là khó khăn nhất trong lịch sử, thời khắc “ngàn cân treo sợi tóc”. Năm 1945, khi giành được độc lập, Chính phủ Hồ Chí Minh đã phải tiếp quản một đất nước trống rỗng về ngân khố. Đứng trước tình thế khó khăn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hướng về nhân dân, kêu gọi nhân dân ủng hộ và kết quả của “Tuần lễ vàng” đã giúp Chính phủ lâm thời vượt qua khó khăn ấy…


Ngày nay, đất nước đã hoàn toàn độc lập, sau hơn 20 năm đổi mới, chúng ta đã đạt những thành tựu rất đáng khích lệ trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đang đứng trước những vận hội mới và thời cơ mới. Tư tưởng lấy dân làm gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị.

“Dân vi bản” – tư tưởng của những người cách mạng biết đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết, đó cũng chính là tư tưởng “tiên ưu hậu lạc” (lo, lo trước thiên hạ; vui, vui sau thiên hạ). Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã kế thừa xuất sắc và nâng tầm tư tưởng ấy từ các vị minh quân, lương tướng, từ các bậc hiền tài thời phong kiến, mà Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1380-1442), một công bộc của triều đình nhà Lê (thế kỷ XV) là một đại diện tiêu biểu.

Vấn đề đặt ra ở đây là tư tưởng lấy dân làm gốc ấy đã được đội ngũ cán bộ của chính quyền các cấp vận dụng như thế nào trong thời đại ngày nay? Điều này không dễ có lời giải đáp thỏa đáng, thuyết phục. Tuy nhiên, tư tưởng ấy hiện đang tồn tại hai thái cực đối lập. Một thái cực của những cán bộ hết lòng vì nhân dân, ý thức được trách nhiệm “người đầy tớ trung thành của nhân dân”, vì nước quên thân, vì dân phục vụ, trung thành với Tổ quốc, tận tụy với nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một bộ phận không nhỏ những cán bộ trong các cấp chính quyền, các lực lượng vũ trang có thái độ thờ ơ, vô cảm trước nỗi thống khổ của nhân dân, “quan phụ mẫu” (cán bộ là cha mẹ của nhân dân) nhưng lại thiếu trách nhiệm với nhân dân, chỉ biết lo vun vén cho bản thân, tham quyền cố vị, đục khoét, bòn rút của cải của nhân dân, của đất nước. Đây là thái cực thứ hai của những cán bộ tha hóa, biến chất.

Gần đây, đã có nhiều vụ án kinh tế lớn được báo chí và các cơ quan chức năng phanh phui, đó là những vụ trọng án gây hậu quả nghiêm trọng khiến chúng ta phải đau lòng. Đau lòng hơn là ngay cả tiền cứu trợ cho đồng bào bị thiên tai, lũ lụt cũng bị bớt xén, chia chác. Đối với bộ phận cán bộ này thì tư tưởng lấy dân làm gốc không tồn tại trong họ, hay nói chính xác hơn là tư tưởng ấy không có đất sống ở những “con người” này.
 
Đạo đức cách mạng và lý tưởng xã hội chủ nghĩa của bộ phận cán bộ này đã đến mức phải báo động. Đây chính là rào cản cho sự phát triển kinh tế và tương lai của đất nước trên con đường hội nhập, phát triển và toàn cầu hóa. Chúng ta cần phải kiên quyết đấu tranh và loại bỏ. Đây chắc chắn là cuộc đấu tranh đầy cam go, thách thức (có thể sẽ phải hy sinh?) nhưng không khoan nhượng!

Học tập, thấm nhuần tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là chỉ đọc cho thuộc lòng những lời dạy của Người mà cần phải suy nghĩ xem từ những lời dạy ấy, hằng ngày chúng ta đã làm được những gì có lợi cho dân, có lợi cho nước. Đạo đức của Người không phải là cái gì cao siêu khiến chúng ta không thể học được mà chính là những việc làm giản đơn ta vẫn làm hằng ngày, nhưng mà làm bằng cái tâm trong sáng.

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, nhưng đồng thời là tấm gương đạo đức của một người bình thường, ai cũng có thể học theo, làm theo để trở thành người cách mạng, người công dân tốt trong xã hội…

NGUYỄN VĂN BÌNH

;
.
.
.
.
.