Chỉ còn vài tháng nữa, thành Điện Hải sẽ hoàn thành phần trùng tu, Bảo tàng Đà Nẵng cũng được chuyển về đây. Liệu lúc đó, ngoài những người quan tâm đến di tích này có được bao nhiêu người nữa biết đến sự tồn tại một thành trì gắn với lịch sử 150 năm kháng Pháp của một dân tộc anh hùng.
Tượng đài danh tướng Nguyễn Tri Phương trong khuôn viên thành Điện Hải. |
Một trang sử hoành tráng
Thành Điện Hải hiện nay thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu. Năm 1813, triều đình Huế sai Nguyễn Văn Thành đắp đài Điện Hải và bảo An Hải (đài bên tả, bảo bên hữu cửa biển Đà Nẵng) để kiểm soát tàu thuyền ra vào, trấn giữ và tăng cường phòng thủ ở vùng cửa biển này. Đến năm Minh Mạng thứ 4 (1823) đài Điện Hải được dời về phía Nam (di tích hiện nay) do phó đô Thống chế Tả dinh quân thần sách Nguyễn Văn Trí chỉ huy 500 dân phu xây dựng.
Năm 1840, hải lực phòng thủ của Đà Nẵng được tăng cường: mỗi tàu lớn đủ 100 lính thủy binh, 10 súng điểu thương, 10 đại bác và 15 ngọn giáo. Ngoài ra, vua Minh Mạng còn cho tăng cường thêm 5 chiếc thuyền hạng lớn bọc đồng, 5 chiếc thuyền hạng vừa (theo sử sách thì 2 thành Điện Hải và An Hải được tăng cường hơn 600 quân trong năm 1840). Vua còn cử Tham tri bộ Lễ Nguyễn Tri Phương vào làm Tuần vũ Nam Ngãi để trông coi việc phòng thủ Đà Nẵng. Đà Nẵng trở thành một đầu mối giao thông, một trung tâm quân sự, chính trị của triều Nguyễn và hải cảng Đà Nẵng là một mắt xích trọng yếu trong chiến lược phòng thủ mặt biển của triều đình Huế.
Chiều ngày 31-8-1858, mượn cớ vua Tự Đức sát hại và ngược đãi các giáo sĩ, liên quân Pháp và Tây Ban Nha với nhiều chiến hạm trang bị vũ khí tối tân và trên 2.000 quân lính dưới quyền chỉ huy của Rigault de Genouilly đã tiến đến cửa Hàn. Pháp đánh Đà Nẵng. Thành Điện Hải, An Hải nằm trong mục tiêu pháo kích, bị đại bác của địch ở các chiến hạm bắn phá. Đến chiều ngày 1-9-1858, Pháp đã chiếm giữ bán đảo Sơn Trà và thành An Hải.
Sáng ngày 2-9-1858, quân Pháp-Tây Ban Nha đồng loạt nã pháo tấn công thành Điện Hải. Sau nửa giờ chống trả quyết liệt, quân ta buộc phải rút lui vì thành bị hư hại nặng. Quân trong thành dùng vũ khí thô sơ, đại bác là loại đại bác cố gây tiếng nổ lớn và sát thương, quân lính chủ yếu là dùng giáo dài, một số ít được trang bị súng điểu thương giống như súng kíp, không chống nổi với vũ khí tối tân của địch.
Khi Thống chế Lê Đình Lý dẫn 2.000 quân tiếp viện từ Huế vào Đà Nẵng thì 2 thành Điện Hải, An Hải đã mất. Ông tổ chức đánh địch ở làng Cẩm Lệ nhưng rồi hy sinh ở đây. Tháng 2-1859, liên quân Pháp-Tây Ban Nha rút khỏi Đà Nẵng, chuyển quân vào Gia Định.
2 tường thành còn sót lại của thành Điện Hải. |
R.d. Genouilly sau khi chiếm được thành Gia Định trở ra Đà Nẵng, ngày 20-4-1859 cho quân đổ bộ lên tả ngạn sông Hàn, tấn công dữ dội thành Điện Hải. Quân ta dưới sự chỉ huy của Thống chế Nguyễn Tri Phương anh dũng chiến đấu nhưng hỏa lực của địch quá mạnh, buộc phải rút lui. Quân địch chiếm thành Điện Hải, đặt tại đây 5 khẩu đại bác 30 ly để làm bàn đạp đánh chiếm các phòng tuyến của ta.
Ba năm đánh Đà Nẵng, từ 1858 đến 1860, gặp phải tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân dân ta, thực dân Pháp chẳng những đã không thực hiện được kế sách “đánh nhanh thắng nhanh” chiếm Đà Nẵng nhằm mở đường ra Huế mà còn bị hao tổn lực lượng, quân lính phần chết trận, phần chết dịch rất nhiều, cuối cùng phải rút khỏi Đà Nẵng ngày 23-3-1860.
Giữ giá trị lịch sử
Thành Điện Hải vẫn tồn tại với thời gian, vẫn im lìm nằm bên đường Trần Phú như một chứng tích lịch sử thầm nhắc nhở mọi người hãy nhớ về những năm tháng đau thương nhưng anh dũng của nhân dân thành phố Đà Nẵng trong cuộc chiến chống xâm lược bảo vệ quê hương, đất nước. Nhưng cũng không có nhiều người, đặc biệt là những thế hệ thanh niên sinh trong thời kỳ đất nước hòa bình biết về một thành trì có lịch sử huy hoàng.
Dù nhiều người có được nghe nói đến, nhìn thấy hình ảnh trên truyền hình nhưng cũng chẳng có mấy ai cất công tìm hiểu xem thành Điện Hải nằm ở đâu. Trong gia phả nhiều tộc họ ở Đà Nẵng cũng chỉ ghi một vài người trong các nhánh phả hệ có tham gia đánh Pháp (có phải thời của Thống chế Nguyễn Tri Phương hay không cần nhiều cứ liệu lịch sử chứng minh), như gia phả họ Lâm, thôn Cẩm Toại Tây, Hòa Phong, Hòa Vang; gia phả họ Mai, họ Nguyễn ở Nam Ô, Hòa Hiệp, Liên Chiểu; con cháu Ông Ích Khiêm ở Cẩm Lệ...
Hiện thành Điện Hải đang được trùng tu, khôi phục 2 bờ thành còn khá nguyên vẹn, phục dựng 2 cổng thành phía đông và nam, làm lại bờ hào để trồng các loại hoa sen, súng. Ông Hà Phước Mai, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, thành phố đã duyệt kinh phí 5,4 tỷ đồng khôi phục những dấu tích còn lại của thành Điện Hải và xây dựng mới Bảo tàng Đà Nẵng phía trong khuôn viên thành nhằm phục vụ cho người dân và sẽ là một điểm tham quan chính của thành phố. Đây sẽ là nơi giới thiệu lịch sử hình thành nên đất và người Đà Nẵng, hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng buổi đầu chống Pháp; góp phần giáo dục các thế hệ về lịch sử quê hương, đất nước.
Tượng đài của Tướng quân Nguyễn Tri Phương đã được dựng tại đây để ghi nhớ một giai đoạn lịch sử hào hùng của thành phố nay vẫn uy nghi giữa sân bên trong thành. Nhiều năm nay, thành Điện Hải nằm lọt thỏm giữa khu dân cư, chung quanh có những tòa nhà lớn che khuất, nhưng nay nó đã được trả lại một bộ mặt mới, khang trang và đẹp đẽ hơn. Cách nhìn về lịch sử nay đã thay đổi, đây sẽ là sự khích lệ để nhiều người hiểu hơn về mảnh đất này và một ngày không xa, bài học lịch sử này sẽ nằm lòng trong những thế hệ tiếp nối.
HOÀNG NHUNG