.

Một di tích, hai lần thiên di

.

Nghĩa trủng Hòa Vang nay thuộc khu vực Bình Hòa 1, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, là nơi quy tụ hơn 1.000 bộ hài cốt nghĩa sĩ và đồng bào ta đã hy sinh trong trận đầu đánh Pháp năm 1858, được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1998. Sau hai lần thiên di, dấu xưa, tích cũ vẫn còn giữa bao thăng trầm của quá trình đô thị hóa.

Hôm qua

Cách đây 10 năm, Nghĩa trủng Hòa Vang còn ẩn mình trong cây cỏ.

Ngược dòng lịch sử, sau gần 2 năm (1858-1860) phòng thủ, kiên cường chiến đấu chống lại mưu đồ xâm lược Đà Nẵng của thực dân Pháp, nhiều trận đánh ác liệt đã xảy ra, hàng ngàn chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh. Để tưởng nhớ và ghi công, vua Tự Đức ra chỉ dụ xây dựng Nghĩa trủng (NT). Di vật còn lại là tấm bia cao khoảng 1m, rộng 0,8m không trang trí hoa văn, khắc 4 chữ “Hòa Vinh (Vang) Nghĩa trủng”.
 
Bên phải bia ghi “Tự Đức thập cửu niên, ngũ nguyệt, cát nhật”, nghĩa là được lập vào tháng 5 năm Tự Đức thứ 19. Hai bên tấm bia là hai trụ đá cao khoảng 1,5m ghi hai câu đối “Ân triêm khô cốt di truyền cổ/ Trạch cập tàn hồn tái kiến kim” (tạm dịch: Ơn đức nhà vua thấm đến những bộ xương khô từ xưa còn lại; những hạt mưa móc ban cho linh hồn vất vưởng được thấy lại hôm nay).

Theo ông Huỳnh Ngọc Tế, nguyên xã trưởng Khuê Trung trước năm 1975, NT lần đầu được lập ở Trủng Bò, làng Nghi An (nay thuộc khuôn viên Sân bay Đà Nẵng). Để tránh tai mắt kẻ thù, những bộ hài cốt được nằm dưới những ngôi mộ đất thấp và bằng.
 
Khoảng năm 1920, khi Pháp xây dựng sân bay Đà Nẵng, toàn bộ hài cốt được di dời về vườn Bá thuộc đất Trảng Dài, làng Khuê Trung. Để tưởng nhớ và an lòng người đã mất, cộng đồng chư phái tộc nơi này đã dành riêng 1,7 mẫu ruộng nhằm lo hương hỏa và tu tảo mộ phần. Những tưởng các anh hồn sẽ được yên nghỉ, thì năm 1962-1963, Mỹ - Diệm mở rộng sân bay về phía Nam nên nghĩa trủng buộc phải một lần nữa dời về địa điểm hiện nay. Hằng năm theo lệ cũ, dân làng Khuê Trung lấy ngày 16 tháng 3 âm lịch làm ngày tế lễ anh hồn của các nghĩa sĩ một thời vị quốc vong thân.

Hôm nay

Và nay, cũng dưới góc nhìn này, Nghĩa

Chuyện xưa gắn liền với cây mù u quanh năm tỏa bóng và những ngôi mộ đất ẩn hiện trong từng cụm cỏ tranh cao vút, tạo nên vẻ huyền hoặc của chốn u linh. Theo lời người dân Khuê Trung, NT một thời đầy loại cỏ có hoa hình ngọn nến, như được thắp lên từ đất để tiếc thương anh hồn những người đã khuất. Giờ thì lối kiến trúc bê-tông cốt thép đã dần làm mất đi vẻ huyền hoặc lẽ ra phải có ở chốn linh thiêng này. Nơi an nghỉ của người đã khuất đã hẹp lại và gần hơn với những công trình của người đang sống.

Ông Huỳnh Trung, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Khuê Trung cho biết, toàn bộ diện tích NT từ 4.000m2 nay chỉ còn lại khoảng 2.400m2, quy tụ 1.056 ngôi mộ (có tài liệu viết quy tụ hơn 1.400 hài cốt nghĩa sĩ). Đây là di vật thiêng liêng của quá khứ để lại cho dân làng Khuê Trung nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung nhưng nó đang bị quá trình đô thị hóa xâm hại nghiêm trọng. Con đường bê-tông 3,5m chạy chung quanh NT cũng gây không ít khó khăn trong các dịp lễ lạt.

Thêm vào đó, ông Trung còn có nỗi lo: “Toàn bộ vật dụng tế lễ bằng đồng như bộ tam sự, ngũ sự, phải đưa về phường quản lý, đến ngày tế lễ mới đem đến đặt lên điện thờ. Hệ thống điện, nước bị hư hại nghiêm trọng… Giá như thành phố hỗ trợ một phần kinh phí để lập ra một Ban bảo vệ khu di tích thì chúng tôi sẽ yên tâm hơn. Hiện nay, NT chỉ có một người được phường thuê để chăm lo việc hương khói hằng ngày”.

Nghĩa trủng Hoà Vang

Vẻ lặng lẽ của NT chỉ được đánh thức vào những dịp tế lễ, với sự lung linh của nến, huyền hoặc của khói hương trầm, hình ảnh hào hùng của một thời quá vãng được tái hiện bởi bài điếu văn và màn trình diễn trên sân khấu giữa khu vực tưởng niệm.

Và ngày mai

Những dấu tích văn hóa là hiện thân của một thời quá khứ mà con người cần có để nhìn lại mình. Nó như một tấm gương, nhìn vào đó người ta thấy được lịch sử của một vùng đất, một dân tộc. Ngay cả một số người sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng nhưng không phải ai cũng biết đến lịch sử cũng như vị trí của NT. Đây là thực tế đáng buồn trước thái độ hời hợt với quá khứ của những người trẻ hiện nay.

Không những thế, một giai đoạn lịch sử đã bị chính các nhà nghiên cứu lịch sử bỏ quên. Chưa có một sinh viên khoa lịch sử nào chọn, tìm hiểu và nghiên cứu về đề tài NT, cũng như chưa có một cuốn sách nào nói cụ thể về giai đoạn lịch sử gắn liền trên mảnh đất này.
 
Vẫn chưa xác định người nằm dưới ngôi mộ có tấm bia “Tiền triều Đại tướng quý công mộ” là danh tướng Lê Đình Lý hay Nguyễn Trọng Ân? Điều này rất cần sự tham gia của Hội Sử học Việt Nam nhằm làm sáng tỏ một thời hào hùng của dân tộc, đó là ý chí quyết tâm đánh giặc giữ nước của dân tộc ta trước quân thù. Bài học đó đã được lớp cháu con sau đó học hỏi như thế nào? Đây cũng là sự mong mỏi của những vị cao niên làng Khuê Trung, nhằm giữ lại được cho con cháu những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của cha ông.

Dưới tán cây mù u, những chùm hoa sứ trắng thoang thoảng tỏa hương, những ngôi mộ san sát lặng lẽ nằm kề nhau. Giữa nơi linh thiêng này, thầm cầu nguyện cho anh hồn của  những người đã khuất được siêu thoát, bình yên trong lòng đất Mẹ. Và, sẽ có nhiều hơn nữa những công dân thế hệ hôm nay quay về tìm hiểu chuyện xưa sau khi thắp một nén nhang tưởng niệm.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.