.

Nghìn xưa ngọn sóng...

.

Một thế kỷ rưỡi đi qua nơi này với biết bao thăng trầm  bi tráng. Một thế kỷ rưỡi hóa công thản nhiên vầy cuộc bể dâu, thế mà lòng người trước sau vẫn vậy, ký ức về một thời hào hùng xưa vẫn lưu chuyển miệt mài như nước dâng, như sóng cuộn...

Đi qua một thời sóng gió, biển trời hôm nay cùng với con người bước vào một trang sử mới.

1- Buổi chiều. Bóng những bia mộ đổ dài trên vạt cỏ xanh. Chúng tôi bước chậm lại, chờ ông lão Thái Văn Phễu 83 tuổi đang chú ý nhìn ngắm cái gì đó ở phía sau nhà nguyện. “Hồi trước, chỗ đây có cái hốc chứa hài cốt, nhiều lắm. Chừ không còn nữa. Đổi thay nhiều quá!” - giọng ông Phễu vọng lại giữa vẻ im ắng của khu nghĩa địa nhỏ.

Năm ngoái, nhà nghiên cứu Thạch Phương khi quay lại khu nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha (dân gian quen gọi là khu “mả Tây”) ở chân núi Mỏ Diều trên bán đảo Sơn Trà này cũng từng ngạc nhiên như thế. Ông từng len qua nhiều lùm cây, bụi cỏ để mục sở thị cái nơi chôn cất những lính viễn chinh phương Tây đầu tiên nổ súng xâm lược Đà Nẵng vào cái ngày đã đi vào lịch sử 1-9-1858. Từ khi Sở Văn hóa-Thông tin thành phố cho tu sửa lại, nơi này đã không còn vẻ hoang tàn, hiu quạnh nữa.

Nhà nguyện đứng thu mình trên ngọn đồi với bề ngang không quá 3 mét. Một cây thánh giá màu trắng nhô cao giữa mặt tiền nhà nguyện, trên thanh ngang có ghi hàng chữ “SPES UNICA”, lấy ý từ câu “O Crux, ave spes unica!” (Kính lạy Thánh giá, hy vọng duy nhất của chúng tôi!). Ngay trên ô cửa bước vào nhà nguyện, nổi trắng dòng chữ “OSSUAIRE”. Giờ đây, cảnh bốn bề hoang vu cây cỏ không còn nữa, nhưng cái cảm giác rờn rợn khi bước vào bên trong căn nhà có hàng chữ được giảng từ tiếng Pháp là “Đồi Hài Cốt” này vẫn nguyên vẹn trong tôi như trước. Bên trong không có gì ngoài một bàn thờ Công giáo, một dòng chữ La-tinh chạy uốn lượn trên tường theo kiểu thủ quyển của nghệ thuật trang trí Á Đông xưa.

2- Tường bên trái nhà nguyện, một tấm bia ghi những dòng chữ đầy ngậm ngùi: “A la mémoire des combattants Français et Espagnols de I’Expédition Rigault de Genouilly. Morts en 1848 - 59 - 60 et ensevelis en ces lieux”. (Để tưởng niệm những chiến binh Pháp và Tây Ban Nha của cuộc viễn chinh Rigault de Genuoilly. Chết những năm 1858 - 59 - 60 và được an táng tại đây).

Ông Phễu, sau một phút ngỡ ngàng trước tường vôi mới, khẽ khàng nói, thời chống Mỹ, ông từng nằm phục kích địch ở đây, nhưng không biết trong hốc phía dưới có đến hàng nghìn hài cốt. Tôi nghĩ, con số này không ngoa. Trong quyển Lịch sử thành phố Đà Nẵng (NXB Đà Nẵng, 2001) cho thấy “từ 1-6 đến 20-6-1859, riêng bệnh dịch tả đã giết 200 quân Pháp; một tiểu đoàn của trung đoàn 3 tới Đà Nẵng ngày 29-4 thì đến

8-7 đã mất hết 1/3 quân số”. Tháng 2-1860, sau gần 19 tháng bế tắc ở trận tuyến Sơn Trà, quân Pháp rút khỏi Đà Nẵng và để lại “một tháp hài cốt chứa nghìn thánh giá” như cách gọi của sử gia Philippe Héduy trong Histoire de l’Indochine 1624-1954.

Theo hồ sơ đề ngày 25-5-1921 của Trường Viễn Đông Bác cổ (một trung tâm nghiên cứu của Pháp về Đông phương học, chủ yếu trên thực địa) về việc đề nghị Toàn quyền Đông Dương cho tu sửa khu nghĩa địa này, có đoạn: “Khoảng 1.500 hài cốt đã khai quật và tập trung vào một hốc công cộng có dựng một nhà thờ. Nhà thờ này đã bị đổ nát, cửa ra vào đã hư hỏng. Chung quanh nhà thờ có một số ngôi mộ của các sĩ quan Pháp và Tây Ban Nha, trong đó có mộ của trung tá Duppré Déroulède bị giết trên chiến hạm Némésis vào ngày 18-11-1859”.

Chiều trên “Đồi Hài Cốt”, lục lại những ghi chép xưa, có thể cảm nhận thời gian lướt nhẹ đâu đó trên 32 ngôi mộ trắng toát trên nền cỏ xanh cùng với lời than vãn của những người lính tha hương đã bỏ lại nắm xương tàn nơi quê người, đất khách. 

3- Ông Phễu người làng Mân Quang, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Đây cũng là gốc gác của Chí sĩ Thái Phiên, người cùng với Chí sĩ Trần Cao Vân tham gia Khởi nghĩa Duy Tân chống Pháp hơn 90 năm trước. Nối chí tiền bối họ Thái, ông Phễu tham gia tự vệ chiến đấu đi cướp chính quyền hồi tháng 8-1945, là cơ sở cốt cán trong kháng chiến chống Pháp, rồi thoát ly tham gia Biệt động thành Khu Đông, mấy lần vào tù ra tội. Ông còn lạ gì với vùng đất bán đảo này, phần do ông trực tiếp tìm hiểu để đánh địch, phần do chuyện kể từ các thế hệ trước ông.

Trong ký ức ông Phễu, chuyện hào hùng xưa vẫn lưu chuyển miệt mài như nước dâng, như sóng cuộn.

Cha ông kể, khi quân Pháp và Tây Ban Nha nổ súng vào Đà Nẵng, đình Mân Quang quê ông được Tổng thống quân thứ Quảng Nam Nguyễn Tri Phương chọn làm nơi chứa lương thực để chống lại quân địch. Nhân dân Mân Quang, Nam Thọ, lớp sung vào đội quân của triều đình đóng tại Đà Nẵng, lớp xây dựng các phòng tuyến chống giặc như thành Ông Quýnh trên núi Sơn Trà, đồn Nhì ở mom Bốn (nay là Hải đội Vùng C Hải quân), đồn Ba tại vườn Xoài (trước Xưởng X50 - Cục Kỹ thuật Hải quân hiện nay)...

Ông Phễu không hiểu vì sao gọi là “thành Ông Quýnh”, chỉ nghe kể rằng đây là một đài hỏa hiệu, luôn túc trực một đội quân sẵn sàng đốt lửa báo hiệu cho quan quân các nơi, nhất là bên kia sông Hàn, biết tình hình quân địch. Lúc còn sức, ông có lên thăm lại thành xưa, nó nằm trên đường lên Trạm phát sóng Sơn Trà của Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng, cách đường Yết Kiêu dẫn ra cảng Tiên Sa khoảng 2km đường chim bay. Cùng đi với chúng tôi hôm đó có anh Huỳnh Bá Cử, Thường trực HĐND quận Sơn Trà, nguyên Chủ tịch UBND phường Thọ Quang. Nghe thế, anh hăm hở hẹn ông Phễu một ngày nào đó leo núi tìm di tích, công việc anh đã trót say mê từ lúc còn làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận.

4. Chiều xuống dần. Dưới đường, vẫn chưa dứt những chiếc xe nối nhau đứng chờ xuống cảng ăn hàng. Trên đồi, ông Phễu và anh Cử, một già một trẻ vẫn tiếp tục nhỏ to câu chuyện còn dang dở. Cộng tuổi đời cả hai, vẫn chưa chạm đến cái thời khắc 150 năm bi tráng. Cũng tại đây, năm ngoái, Nhà nghiên cứu Thạch Phương đã nói với tôi như nói với chính mình: “Mả Tây ở Hà Nội, ở Quảng Ninh đều đã bị xóa rồi. Đà Nẵng còn một “mả Tây”, là hiện vật vô giá đối với lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc”.

Nước sông Hàn hai ba phen cuồn cuộn, tàu Tây Dương bắn phá lũy An Đồn. Mây Sơn Trà năm bảy lớp ùn ùn, súng Nghĩa sĩ vang rền thành Điện Hải… Nhẩm một đoạn trong “Văn tế Nghĩa sĩ”, ngước nhìn áng mây chiều vờn quanh đỉnh núi, nghe như giữa thinh không vẳng tiếng súng năm xưa. Nghĩa tử nghĩa tận, những người lính Tây Dương nằm lại trên “Đồi Hài Cốt” hẳn phải đau đáu nỗi nhớ cố hương suốt giấc ngủ một thế kỷ rưỡi. Nguyễn Trường Tộ ngày trước dừng thuyền ở cửa biển Đà Nẵng đã cảm khái chuyện cũ mà viết nên câu thơ: “Trời đất muôn đời vẫn một phong cảnh ấy/ Nước Pháp cớ gì lại gây chuyện binh đao?/ Một mai bỗng nhiên sát khí cuồn cuộn theo dòng nước/ Nghìn xưa tiếng oan còn vang dội trong ngọn sóng căm hờn”.

Dưới chân đồi - bến cảng Tiên Sa như điểm mút của con đường Xuyên Á thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây sau hành trình gần 1.500 cây số qua 3 nước Myanmar, Thái Lan và Lào. Cây cầu treo dây văng dài 1.856 mét lớn nhất Việt Nam chuẩn bị nối bán đảo Sơn Trà với Khu đô thị “trăng lưỡi liềm” Đa Phước sắp được xây dựng trong nay mai. Giờ có dịp quay lại, họ Nguyễn hẳn sẽ cảm nhận trong ngọn sóng nghìn xưa vang vọng ấy có ánh bình minh của trang sử mới chép về một thành phố anh hùng đầu sóng ngọn gió, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”...

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.