Thời đánh Mỹ, ở chiến trường, chúng tôi được cho biết: Năm 1776, nước Mỹ lập quốc với bản Tuyên ngôn độc lập do Jefferson soạn, nghĩa là lúc đó (1966), nước Mỹ mới có 190 năm lịch sử. Còn chúng ta, có 4.000 năm văn hiến, bài thơ thần của Lý Thường Kiệt được xem như bản Tuyên ngôn độc lập thứ nhất và trong cuộc chống Mỹ, cứu nước có 40 thế kỷ cùng ta đánh.
Điều này đương nhiên có hiệu ứng tích cực với chúng tôi, chúng tôi có thêm niềm tin ở sức mạnh lịch sử truyền thống. Giờ đây, trong hòa bình, những nghiên cứu mới, tư liệu mới, không phủ định những thông tin cũ, nhưng cho chúng ta tầm nhìn mới, tư duy mới.
Chúng ta biết trước Cách mạng Tháng Tám, theo yêu cầu của Bác Hồ, trong những hàng hóa, vũ khí mà người Mỹ đã thả xuống sân bay Lũng Cò (Tuyên Quang) còn có một bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ. Và sau Tổng khởi nghĩa 19-8, từ ngày 27-8 đến ngày 30-8, tại gác hai ngôi nhà 48 Hàng Ngang của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, Bác Hồ đã tập trung tinh lực viết nên bản Tuyên ngôn độc lập mà Người sẽ đọc ngày 2-9-1945 ở Quảng trường Ba Đình. Bản Tuyên ngôn lịch sử ấy là văn kiện mà Người viết với tâm trạng sung sướng nhất, sảng khoái nhất được mở đầu bằng mấy câu trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ.
“Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Patty, người sĩ quan tình báo Mỹ, gặp Bác Hồ từ tháng 4-1945 đã đến chiến khu Việt Bắc và có nhiều quan hệ, cộng tác với Người, lúc này cũng có mặt ở Hà Nội, được Người cho mời đến để góp ý vào bản Tuyên ngôn độc lập mà Người vừa soạn thảo xong.
Patty kể lại: “Bản tài liệu đánh máy bằng tiếng Việt Nam, có nhiều chữ bị xóa và được viết đè lên bằng bút mực. Tôi ngây ra và ông Hồ thấy ngay là tôi không thể đọc được. Ông Hồ cho gọi một người trẻ tuổi vào để dịch và tôi chăm chú nghe. Trong mấy câu đầu, người phiên dịch đã nói lên một số danh từ rất đỗi quen thuộc và giống lạ lùng như bản tuyên ngôn của chúng ta. Câu tiếp sau là “lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ”.
Tôi chặn người phiên dịch lại và kinh ngạc quay sang hỏi ông Hồ “Có thực ông có ý định sử dụng câu đó trong bản Tuyên ngôn của ông không?”. Tôi không hiểu sao điều đó lại đập mạnh vào tôi, cứ như là có cảm giác khi quyền sở hữu bị đụng chạm hay là khi làm một việc ngớ ngẩn nào đó. Tuy vậy, tôi cứ hỏi. Ông Hồ ngồi dựa vào ghế, hai tay úp vào nhau, ngón tay sát vào môi một cách nhẹ nhàng và đang như suy tưởng. Với một nụ cười nhã nhặn, ông hỏi lại tôi một cách dịu dàng: “Tôi không thể dùng được câu ấy à?”.
Tôi cảm thấy ngượng ngập và lúng túng. “Tất nhiên tại sao lại không?” - tôi trả lời. Bình tĩnh lại, tôi nói người phiên dịch đọc lại đoạn đó từ đầu một lần nữa. Anh ta đọc “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ đã được tạo hóa trao cho các quyền không thể nhượng lại được, trong đó có quyền tự do, quyền sống và được hưởng hạnh phúc”. Cố sức nhớ lại, tôi mới thấy các danh từ được chuyển vị và nhận xét là trật tự các chữ tự do và quyền sống đã bị thay đổi. Ông Hồ nắm ngay lấy và nói “Đúng, không thể có tự do mà không có quyền sống, cũng như không thể có hạnh phúc mà không có tự do”. Ông muốn nài tôi phát biểu thêm. Tôi đã phải trình bày là không biết gì hơn và đúng là như vậy”.
Đã hơn 60 lần chúng ta kỷ niệm ngày Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập. Thời gian càng qua đi, chúng ta càng thấy ý nghĩa của việc Người mở đầu Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng mấy câu trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ. Và chúng ta thấy ngay từ lúc cả phát xít Đức và Nhật chưa đầu hàng, trong suy nghĩ của Người đã có một ngày thành công của Cách mạng Việt Nam và trong ngày thành công đó phải có một Tuyên ngôn độc lập. Và không gì tuyệt vời hơn là mở đầu Tuyên ngôn đó bằng những lời bất hủ trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ.
Suy nghĩ đó phải chăng Người đã nung nấu xuyên suốt từ những ngày cháo bẹ rau măng ở Việt Bắc đến những ngày Người viết nên thiên cổ kỳ bút Tuyên ngôn độc lập ở 48 Hàng Ngang. Lịch sử loài người đã trải qua hàng chục nghìn năm nhưng những nhân vật, những sự kiện để lại sức mạnh, giá trị cho chúng ta không chỉ là càng lâu đời càng quý báu. Sức mạnh ấy, giá trị ấy lại tùy từng hoàn cảnh cụ thể, tùy sự vận dụng mà có tác động khác nhau.
Hồ Chủ tịch đã nhắc đến Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp 1789 cách thời điểm ấy chỉ khoảng 160 năm, nhưng đó chính là những câu hay nhất về con người, về quyền con người trong lịch sử nhân loại. Nghĩ lại thời cho rằng chỉ mình mới có bề dày sức nặng còn thiên hạ và đối thủ đều là mỏng nhẹ mới thấy mình ấu trĩ làm sao.
NGUYỄN ĐÌNH AN
.
.
Chuyện bề dày lịch sử
Thứ Hai, 01/09/2008, 10:30 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.