.
Đà Nẵng với vấn đề “tam nông”:

Bài 3: Nông thôn Đà Nẵng phát triển chưa đồng đều

.

        >>> Bài 2: Cần phải có khát vọng làm giàu 
        >>> Bài 1: Nông nghiệp Đà Nẵng – còn nhiều việc phải làm

Hơn 10 năm qua, thành phố đầu tư rất lớn cho khu vực nông thôn. Ngay cả việc xóa nhà tạm cũng triển khai trên diện rộng, trong đó gần như 100% nhà ở của đồng bào Cơtu được xây mới. Nông thôn Đà Nẵng có sự đổi thay vượt bậc. 100% hộ có điện lưới quốc gia. Mạng lưới giao thông, kiệt xóm phần lớn đã thâm nhập nhựa, bê-tông hóa.

Cầu Hội Yên, công trình ít ỏi ở Hòa Bắc được xây dựng từ nguồn tài trợ của tổ chức quốc tế.

Trường học, trạm y tế xây dựng khang trang. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,23%. Các di tích văn hóa, lịch sử như đình làng, đền chùa được khôi phục. Thôn nào cũng có nhà sinh hoạt cộng đồng. Đời sống văn hóa của nông dân khá phong phú. Các phong trào văn hóa, thể thao sôi nổi, nhiều thôn đạt danh hiệu Thôn văn hóa cấp thành phố…

Thành tựu về phát triển kinh tế đã góp phần tô điểm cho nông thôn Đà Nẵng diện mạo mới. Tuy vậy, nông thôn Đà Nẵng phát triển không đều. Trong khi ở khu vực đồng bằng, hệ thống điện-đường-trường-trạm được đầu tư xây dựng khá hoàn thiện thì ở trung du miền núi, nhiều nơi hệ thống điện đang tạm bợ, đường bê-tông chưa vươn tới, thậm chí tình trạng người dân lội suối hoặc phải đi lại trên những chiếc cầu tạm vẫn còn.

Sau bão số 6 năm 2006, nhà ở của hàng nghìn hộ nông dân bị hư hỏng nặng. Tuy đã được khắc phục, song với thiệt hại quá lớn, bão đã đẩy không ít hộ quay lại cảnh sống nhà tạm. Chính quyền các cấp đã nỗ lực xóa nhà tạm, nhưng cũng chỉ có thể giúp nông dân giải quyết được phần nào. Không còn diện đói, song sau các đợt thiên tai, dịch bệnh dồn dập, nhiều hộ vẫn còn khó khăn. Về thôn Đại La, xã Hòa Sơn (Hòa Vang), nơi chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy 10 cây số thấy rất rõ điều đó. Tại đây, nhà cửa đa số đều xập xệ sau bão, nhiều hộ vẫn ở nhà tạm, đời sống khó khăn. 

Vấn đề khá bức xúc hiện nay ở nông thôn đó là nước sạch cho đời sống hằng ngày. Hiện tại, chỉ trên 20% dân số nông thôn được dùng nước sạch qua xử lý. Phần lớn đang dùng nước ngầm tại chỗ không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh. Có xã như Hòa Phước, 100% hộ đang dùng nước giếng, chưa hề có một công trình nước sạch nào trên địa bàn.
 
Về điện, tuy nhà nào cũng đã có để thắp sáng, song không ít nơi hệ thống điện quá tạm bợ, chỉ dùng cột gỗ với dây nhựa chằng chịt. Về an ninh trật tự, khu vực nông thôn cũng khá phức tạp, trong đó nổi cộm nhất là tình trạng trộm cắp tài sản. Biết bao hệ thống điện, nước tại các vùng rau an toàn đầu tư khá cơ bản, nhưng chỉ ít bữa đã bị cắt dây, tháo máy. Rồi thì nông sản của nông dân vừa làm ra chưa kịp thu hoạch đã “không cánh mà bay”. Rừng trồng liên tục bị xâm hại. Không ít cơ sở kinh tế đầu tư ở khu vực nông thôn đã phải “bỏ của chạy lấy người” trước tình trạng phá phách của một số đối tượng bất hảo.    

Ông Nguyễn Ngưng, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc nói về bức tranh nông thôn của địa phương: So với hơn 10 năm trước, Hòa Bắc phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Giao thông không còn cách trở, điện lưới đã đến từng hộ, trường học, trạm xá xây dựng cơ bản khang trang…

Tuy vậy, đời sống của đại bộ phận nhân dân vẫn còn khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng phá rừng không thể chấm dứt được. Một số thôn có đất canh tác nhưng không được đầu tư hợp lý, sự đổi thay có nhưng rất chậm như An Định, Lộc Mỹ. Theo ông, để xã miền núi này đổi thay, không có cách nào tốt hơn là đầu tư cho sản xuất. Phải khai thác tiềm năng đất đai bằng việc xây dựng hệ thống thủy lợi nhỏ, hỗ trợ giống, vật tư, vốn để “xốc” sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Bộ mặt nông thôn phản ánh rõ nét nhất đời sống của nông dân. So với cả nước, nông thôn Đà Nẵng chưa có gì nổi bật, thậm chí mức sống của người dân thấp hơn nhiều địa phương khác. Số hộ nông dân đầu tư làm ăn lớn, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm quá ít. Những hộ đạt danh hiệu Nông dân SXKD giỏi song thực tế đời sống vẫn chưa thật khá giả.
 
Đầu tư cho nông thôn mới dừng lại ở bề nổi, tức là cơ sở hạ tầng, còn thực chất giúp đẩy mạnh sản xuất chưa nhiều. Trong khi đó, yếu tố có tính quyết định đến bộ mặt, đời sống ở nông thôn lại chính từ sản xuất. Thu nhập cao, nông dân sẽ tự đi lên bằng nội lực, không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu đời sống hằng ngày mà còn tích lũy để xây nhà, sắm xe, góp phần nâng cấp hạ tầng nông thôn, xây dựng thiết chế văn hóa… Có thể nói, nông dân Đà Nẵng chưa phát huy được nội lực để xây dựng nông thôn mới giàu có và văn minh như mục tiêu đề ra.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.