Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX đã quyết tâm tập trung lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ (CB) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Để cụ thể hóa nghị quyết một cách hiệu quả, Ban Thường vụ Thành ủy đã đề ra Chỉ thị 01-CT/TU về “Năm công tác CB và cải cách thủ tục hành chính”.
Chỉ thị này không chỉ triển khai thực hiện trong năm 2006, mà trải dài trong suốt cả nhiệm kỳ và phục vụ chiến lược CB “dài hơi” cho sự nghiệp phát triển của thành phố.
Xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong giai đoạn mới. Ảnh: VĂN PHƯƠNG |
Bên cạnh đó, việc cụ thể hóa nghị quyết bằng Chỉ thị 01-CT/TU có ý nghĩa quan trọng, tác động lớn đến nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, địa phương, đơn vị…, từ đó tạo “cú hích” cho việc triển khai, đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.
Thực hiện nội dung “nghiên cứu triển khai những giải pháp đột phá về công tác CB để có đội ngũ CB đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới”, thành phố đã tiến hành thực hiện hàng loạt các chủ trương mới. Trong đó, chủ trương “ươm mầm” được xem là quan trọng và tập trung mạnh mẽ nhất. Cùng với việc mỗi cấp ủy viên phải tiến cử ít nhất một CB để đào tạo thành CB chủ chốt, thành phố đã xây dựng và thông qua các đề án quan trọng, có tầm “dài hơi” để có đội ngũ CB lãnh đạo và quản lý trong tương lai, đủ trình độ, năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và hội nhập mạnh mẽ.
Đồng thời với việc tiếp nhận hơn 600 sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi ở các trường đại học và những người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đến làm việc ở thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy đã có Quyết định số 393-QĐ/TU ban hành Đề án “Đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ ở các cơ sở nước ngoài” (gọi tắt là Đề án 393); UBND thành phố có Quyết định số 32/QĐ-UBND về việc cử học sinh xuất sắc bậc phổ thông trung học đi học tại các trường đại học trong và ngoài nước bằng ngân sách thành phố (gọi tắt là Dự án 32).
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho “măng mọc”, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 79/QĐ-UBND quy định “Chính sách khuyến khích đối với CB, công chức, viên chức tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc”; qua đó đã giải quyết cho 182 người nghỉ hưu trước tuổi và chi trên 10 tỷ đồng để thực hiện chủ trương này.
Với Đề án 393, đến nay, thành phố đã chi hơn 12 tỷ đồng cho năm đầu tiên để đưa 44 CB, công chức, viên chức đi đào tạo tại 9 nước trên thế giới; trong đó có 35 người được đào tạo thạc sĩ và 9 người đào tạo tiến sĩ. Các chuyên ngành được tập trung đào tạo là: Công nghệ thông tin, Kinh tế đối ngoại, Y tế, Thị trường tài chính, Hành chính công… tại những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như: Anh, Úc, Hoa Kỳ, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Còn với Dự án 32, gần 40 tỷ đồng đã được đầu tư cho hơn 180 học sinh giỏi, chủ yếu của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đi học; trong đó có hơn 60 người được đào tạo tại các trường đại học ở nước ngoài. Không chỉ được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, mà những người trong diện thực hiện 2 chủ trương trên được rèn luyện về trình độ ngoại ngữ và tin học một cách cơ bản, để từ đó tạo ra một đội ngũ CB đủ sức đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cũng như sự phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ ngày càng diễn ra mạnh mẽ.
Song song với việc thực hiện chủ trương “ươm mầm” cho tương lai, thành phố đã triển khai nhiều chính sách trong công tác CB đối với đội ngũ CB, công chức, viên chức từ thành phố đến cơ sở. Đó là việc ra đời mô hình “thí điểm” thi tuyển CB lãnh đạo và quản lý ở các đơn vị hành chính sự nghiệp. Đến nay, đã có 7 đơn vị tổ chức và tuyển chọn được 9 chức danh. Kết quả khả quan ban đầu đã khuyến khích 11 sở, ngành, quận, huyện chuẩn bị tổ chức thi tuyển 32 chức danh lãnh đạo, quản lý ở cấp phòng, ban và tương đương.
Mới đây, Thành ủy cũng đã có chủ trương tuyển chọn đào tạo 150 người nhằm tạo nguồn cho các chức danh bí thư, chủ tịch UBND xã, phường; chọn lựa, xây dựng đội ngũ CB trẻ từ 22 đến 40 tuổi, thực sự giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ để có những chế độ, chính sách ưu đãi thích đáng… nhằm khuyến khích họ học tập, làm việc.
Các chính sách để nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ CB cũng luôn được chú trọng. Các cấp ủy Đảng được quán triệt thực hiện chủ trương này một cách nghiêm túc, ngay từ việc xây dựng đề án về công tác CB thực hiện Chỉ thị 01-CT/TU. Nhờ thế, chất lượng đội ngũ CB đã được nâng lên một bước đáng kể.
Theo đó, trong tổng số hơn 1.800 CB lãnh đạo, quản lý các cấp, thì CB có trình độ chuyên môn đại học trở lên thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý là 87% (thạc sĩ, tiến sĩ chiếm 19,8%); CB lãnh đạo cấp phòng ở sở, ngành và quận, huyện là 81,6% (8,6% thạc sĩ, tiến sĩ); CB chủ chốt phường, xã là 47,8%. Một bước đáng ghi nhận, là tỷ lệ này càng được nâng cao hơn nữa, thể hiện trong kết quả quy hoạch CB cho nhiệm kỳ đến. Trong đó, quy hoạch Thành ủy khóa XX có 35% đạt trình độ sau đại học; lãnh đạo các sở, ngành thành phố có 97,7% có trình độ đại học trở lên (24,17% sau đại học); Ban Chấp hành Đảng bộ quận, huyện có 82,1% đạt trình độ đại học; cấp phường, xã đạt 57,78% trình độ cao đẳng, đại học…
Như vậy, với những cách làm cụ thể, nửa nhiệm kỳ qua, các cấp ủy Đảng không chỉ xây dựng được một đội ngũ CB ngày càng có chất lượng, mà bằng cách làm đột phá, sáng tạo, đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho đội ngũ CB trong tương lai. Từ đội ngũ CB này, có quyền hy vọng về sự đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố ở tương lai gần…
ANH QUÂN