.

Giáo dục giá trị truyền thống cho thanh niên

Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về công tác thanh niên, sau khi đánh giá những thành tựu đạt được trong công tác xây dựng và phát triển thanh niên trong 20 năm đổi mới, Đảng đã nêu ra những hạn chế, bất cập trong một bộ phận thanh niên, đó là: “sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm đến tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc…”.

Để khắc phục những hạn chế đó, Đảng cũng nêu ra nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian đến là: “tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân để hình thành thế hệ thanh niên có phẩm chất tốt đẹp, có khí phách và quyết tâm hành động thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Để thực hiện nhiệm vụ và giải pháp này có hiệu quả, thiết nghĩ, trong thời gian đến chúng ta cần tăng cường, đổi mới giáo dục giá trị truyền thống (GTTT) cho thanh niên, xây dựng được một thế hệ thanh niên trong giai đoạn mới có lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước; biết sống theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; trung thành với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo; có ý chí vươn lên trong cuộc sống; có lý tưởng phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Để làm được điều này, trong thời gian đến, theo chúng tôi cần phải thực hiện một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, lấy giá trị truyền thống, yêu nước, thương nòi, tương thân, tương ái của người Việt Nam để làm cơ sở hình thành nét đẹp nhân cách cho thanh niên. Tổ tiên ta ngay từ rất sớm, do phải đối mặt với nhiều thử thách từ thiên nhiên, chiến tranh xâm lược, nên đã biết tạo ra những giá trị truyền thống dân tộc tốt đẹp để làm điểm tựa tinh thần cho sự tồn tại và phát triển.

Truyền thống dân tộc là giá trị cao quý, tạo nên nền tảng tinh thần cho sự hưng thịnh của đất nước, những giá trị như lòng yêu nước, thương nòi, nhân văn, nhân ái… được biểu hiện qua thuần phong mỹ tục của các cộng đồng dân cư gắn với làng quê, đất nước; được ghi lại qua những câu chuyện dân gian, các thời đại lịch sử.
 
Những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc tốt đẹp luôn là định hướng tinh thần, có vai trò tín ngưỡng quốc gia, là điểm hội tụ muôn dân, làm nên sức mạnh cố kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc, giúp cho dân tộc ta vượt qua biết bao thử thách để làm nên những kỳ tích lịch sử. Do đó, cần phải lấy GTTT làm nền tảng trong việc giáo dục thanh niên, không những chúng ta bảo tồn được văn hóa dân tộc mà còn tiếp biến tinh hoa văn hóa dân tộc vào trong đương đại và tương lai.

Thứ hai, lấy tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để giáo dục cho thanh niên biết yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, có lý tưởng cao đẹp, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước, cho dân tộc.

Tấm gương về ý chí, về nghị lực, về tình yêu thương con người, yêu quê hương đất nước trong những năm tháng sống ở nước ngoài cũng như sau này của Bác Hồ là những điều mà chúng ta cần phải giáo dục cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay. Khi Người đi xa, những trang Di chúc của Người để lại chan chứa tình thương yêu đối với đồng bào, đồng chí khắp mọi miền đất nước và khắp nơi trên thế giới. Cho dù đã gần 40 năm sau khi Người ra đi, nhưng những tình cảm của đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế vẫn luôn dành cho Người sự ngưỡng mộ vô cùng.

Chúng ta đang thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện Di chúc của Người, cần chú ý giáo dục cho thanh niên những giá trị truyền thống được Người nêu gương trước đây, để từ đó tạo cho thanh niên có sức mạnh phấn đấu vươn lên làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.

Truyền thống gia đình - quê hương - đất nước là điểm tựa tinh thần cho con người đứng vững trước những thử thách của cuộc đời, đặc biệt đối với thanh niên, nó là cái nôi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi con người. Cho nên việc giáo dục GTTT cho thanh niên là việc làm cần thiết, là trách nhiệm của mọi gia đình, nhà trường, các ngành, các cấp và của toàn xã hội.

LÊ PHỤC

;
.
.
.
.
.