.

Góp ý dự thảo Luật Công nghệ cao và Luật Quốc tịch Việt Nam

Sáng ngày 11-9, Đoàn ĐBQH thành phố tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Công nghệ cao. Có nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện tốt vai trò làm đòn bẩy trong hoạt động công nghệ cao thì Nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ, ưu đãi ở mức cao nhất đối với hoạt động công nghệ cao.

Trong Luật Công nghệ cao cần có điều luật quy định về vai trò, trách  nhiệm của Nhà nước trong việc quản lý. Các đại biểu nêu những điều khoản luật chưa thể hiện đầy đủ vai trò, chức năng của công nghệ cao. Đặc biệt ở các điều liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực.
 
Dự thảo luật chưa có điều khoản quy định về việc Nhà nước hỗ trợ như thế nào, hiện nay trong các trường đại học của nước ta cũng chưa có trường nào có chuyên ngành, khoa, đào tạo sâu về công nghệ cao. Tại Khoản 1, Điều 5 cần thêm nội dung công nghệ xử lý môi trường, vì hầu hết các lĩnh vực công nghệ cao đều liên quan đến môi trường. Cần phải đưa vào luật những vấn đề về liên quan đến môi trường nhằm tạo thuận lợi và có chế tài khi đưa luật vào thực tế. Tại chương II, tiêu đề cần đổi lại thành nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ cao.

Vì bất cứ vấn đề gì trước khi đưa vào triển khai, thực hiện cũng cần nghiên cứu, trong lúc đó, tại chương II, tiêu đề lại là ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao. Đối với Điều 33 là điều khoản thi hành, đề nghị không đưa nội dung này vào Luật Công nghệ cao, vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tra cứu Luật. Nên có luật về sửa đổi các điều của một số luật để tạo sự lôgíc trong văn bản. Luật nên có một chương quy định vai trò quản lý Nhà nước về công nghệ cao, chế tài xử lý vi phạm.

l Nhiều ý kiến của các đại biểu tham gia tại buổi lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam chiều ngày 11-9 đều cho rằng: Quy định về trình tự giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam tại dự thảo luật sẽ gây phiền hà cho người có nguyện vọng nhập quốc tịch Việt Nam, vì hồ sơ sẽ đi vòng vèo  qua nhiều cửa rất mất thời gian.
 
Đại diện Sở Tư pháp thành phố nêu trường hợp một cầu thủ bóng đá nước ngoài mới đây làm thủ tục nhập tịch Việt Nam phải mất 7 tháng mới xong. Bộ Tư pháp là cơ quan tham mưu hoạch định chính sách của Chính phủ không nên giao những việc sự vụ này cho Bộ Tư pháp. Các ý kiến đề nghị dự thảo sửa đổi luật nên phân cấp việc giải quyết thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho UBND cấp tỉnh và Chính phủ. Theo đó, Sở Tư pháp là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và tham mưu cho UBND cấp tỉnh trình Chính phủ giải quyết sẽ thuận lợi hơn cho người có nguyện vọng nhập quốc tịch Việt Nam.

Các quy định về thời hạn giải quyết thủ tục hành chính tại các Điều 25,29,32 chưa hợp lý, dự thảo vẫn còn sử dụng từ “xin” trong khi chúng ta đang xóa bỏ cơ chế “xin-cho” trong giải quyết thủ tục hành chính. Đại diện Công an thành phố đề nghị không nên đưa Công an có trách nhiệm trong các quy trình giải quyết thủ tục nhập quốc tịch. Người nhập quốc tịch phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của các giấy tờ thủ tục khi đăng ký nhập quốc tịch Việt Nam. Công an chỉ làm nhiệm vụ quản lý về con người.

Các ý kiến đều đồng tình với dự thảo sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam lần này đã cởi mở, mềm dẻo hơn khi cho phép người nhập quốc tịch Việt Nam vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài hoặc tuy nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn được giữ quốc tịch Việt Nam.

S.T

;
.
.
.
.
.