.

Khẩn trương đối phó với bão số 7

* 2 tàu cá của ngư dân Đà Nẵng bị chết máy trong vùng ảnh hưởng của bão
* 435 tàu với 1.755 ngư dân đang hoạt động trên biển


Bão số 7 (Mekkhala) với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10 (từ 75 - 102km/giờ), giật trên cấp 10, đang di chuyển theo hướng giữa Tây - Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10 - 15km và có khả năng mạnh thêm. Dự báo 7 giờ sáng nay (30-9), vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,2 độ vĩ bắc; 107,5 độ kinh đông, cách bờ biển Thanh Hóa-Nghệ An 180km về phía đông.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây Nam khu vực Bắc biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9. Biển động rất mạnh. Vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi gió mạnh cấp 8, cấp 9, khu vực Nam biển Đông gió mạnh cấp 6, cấp 7. Trên đất liền khu vực Trung Trung Bộ có mưa vừa và mưa to, nhiều khả năng xảy ra lũ quét ở vùng núi, lũ ngập sâu ở vùng trũng.

Công điện khẩn số 47/CĐ-PCLB của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố

Nhằm chủ động tích cực đối phó với bão số 7, sáng 29-9, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố đã có Công điện số 47/CĐ-PCLB yêu cầu: Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố thường xuyên liên lạc, thông báo tình hình bão cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển chủ động phòng tránh, khẩn trương thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão. Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tổ chức bắn pháo hiệu báo bão.

Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các quận, huyện, sở, ban, ngành thông báo tình hình bão cho nhân dân biết, triển khai ngay các phương án phòng chống bão và chống lũ, chằng chống nhà cửa; khẩn trương đưa tàu thuyền neo đậu ở bãi ngang lên bờ, đưa toàn bộ tàu neo đậu trên sông Hàn về âu thuyền Thọ Quang. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 khẩn trương cho tàu đi cứu nạn 2 tàu cá chết máy trên biển và sẵn sàng ứng cứu khi tình huống xảy ra. Các Sở Xây dựng, Giao thông-Vận tải chỉ đạo các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư tổ chức phòng chống bão, ngập úng cho các công trình đang dang dở, chằng chống các khu nhà tạm chờ tái định cư...

435 tàu của ngư dân Đà Nẵng đang hoạt động trên biển

Theo tin từ Bộ đội Biên phòng thành phố, đến 16 giờ ngày 29-9, ngư dân Đà Nẵng còn 435 tàu với 1.755 lao động đang hoạt động trên biển; trong đó có 20 tàu/207 lao động hành nghề câu mực, lưới vây... ở khu vực từ 12 đến 14 độ vĩ Bắc, 110-111 độ kinh đông; 2 tàu/36 lao động ở vùng biển Quy Nhơn; 413 tàu/1.518 lao động hành nghề lưới quét, giã cào, mành điện hoạt động vùng biển gần bờ từ Quảng Bình đến Đà Nẵng. Hiện tại, Bộ đội Biên phòng đã liên lạc và thông báo tình hình bão cho 70 phương tiện/628 lao động và đang tiếp tục liên lạc với các tàu còn lại.

Theo tin từ Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố, vào 8 giờ sáng 29-9, tàu ĐNa 90349 của ông Trần Văn Minh, ở phường Hòa Minh (Liên Chiểu), trên tàu có 25 thuyền viên, bị chết máy tại tọa độ 16,12 độ vĩ bắc; 108,25 độ kinh đông. Tàu đã phát tín hiệu cấp cứu và được tàu ĐNa 90019 của bà Ngô Thị Lành, ở phường Xuân Hà (Thanh Khê) đến cứu kéo. Tuy nhiên, sau mấy tiếng đồng hồ kéo tàu bạn, tàu ĐNa 90019 cũng bị hỏng máy. Hiện cả 2 tàu đang trôi dạt trên biển. Vào 16 giờ ngày 29-9, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 đã điều động tàu SAR 412 ở Đà Nẵng và tàu SAR 2701 ở Quy Nhơn xuất phát đi cứu nạn.

Đến trưa 29-9, 100% ghe thuyền của phường Mân Thái (Sơn Trà) đã chuyển lên bờ an toàn. Các hàng quán dọc đường Sơn Trà-Điện Ngọc cũng tháo dỡ bạt, chằng chống nhà cửa. Chiều 29-9, ngư dân phường Thọ Quang đã chuyển hàng chục thuyền thúng, ghe nan lên bờ. Tuy nhiên, tại vùng biển bãi ngang phường này, đến 17 giờ ngày 29-9 vẫn còn khá nhiều tàu thuyền neo đậu.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 7, Vùng C Hải quân đã triển khai cho các tàu của Vùng đang làm nhiệm vụ trên biển kịp thời bắn tín hiệu thông báo cho các tàu thuyền ngư dân không đi vào khu vực có bão.

Bộ Chỉ huy Vùng đã chỉ đạo cho Đoàn M61 và Đoàn M72 chuẩn bị 5 tàu sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực cửa biển Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Đồng thời, Vùng còn chuẩn bị 10 xuồng cao tốc, 12 xuồng cao su, 6 xe tải, 4 xe cẩu, 6 xe cứu thơng, 10 xe ô-tô U-oát, 4 xe ca và 4 tổ cơ động gồm 200 cán bộ, chiến sĩ với đầy đủ lương thực, thực phẩm, dụng cụ cấp cứu, thuốc quân y sẵn sàng ứng cứu các địa bàn trên vùng rốn lũ tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
              
N.C và MAI XUÂN HƯỞNG

;
.
.
.
.
.