.

Lùng xe đạp cũ

.

Xe đạp cũ sau khi tân trang được hô giá trên trời. Bước vào năm học mới, nhu cầu mua xe đạp tăng cao, cùng với việc nhiều người quay trở lại với xe đạp khiến loại phương tiện từng bị xếp xó bỗng chốc được săn đón.

Tìm xe đạp cũ ưng ý,  không dễ

Nhiều thanh niên đi tìm mua xe đạp cũ (ảnh chụp trên đường Trần Cao Vân).

Đoạn đầu đường Trần Cao Vân tập trung hàng chục cửa hàng chuyên bán xe đạp cũ tân trang. Hơn 9 giờ sáng, nhiều cửa hàng đã có người vô ra. Vừa đọc báo vừa nhấm nháp ly bia, người đàn ông ngồi giữa các dãy xe đạp ngước nhìn khách: “Muốn chiếc vừa tiền thì có loại 350.000 đồng đến 500.000 đồng. Buổi sáng chắc giá, mua được thì tốt, không cũng không sao”. Những chiếc xe “giá rẻ” mà người đàn ông này vừa chỉ được sơn phết sơ sài, yên lủng lỗ chỗ và có cảm giác nó không chở nổi hai người. Theo giới thiệu thì đây là xe liên doanh. Những người cùng có mặt ở đó rỉ tai: đúng là “liên - doanh” thiệt vì râu ông nọ cắm cằm bà kia mà”.

Cửa hàng Thu Trang bên cạnh chất đầy xe đạp từ trong ra ngoài, trông có vẻ dễ lựa chọn. Biết chúng tôi cần mua xe đạp để tập thể thao, ông chủ giới thiệu: “Chiếc này còn “rin” (mới tinh) giá 750.000 đồng”. Nhìn chiếc xe bị trầy và lộ rõ đồ cũ bên trong, chúng tôi thắc mắc về chất lượng thì bị hỏi ngược lại: “Đồ mới không được phép trầy xước hả? Muốn rin hơn thì có chiếc khác rin đúng luôn”. Đã “rin” lại còn có “rin” hơn!

Cửa hàng Ngọc Hà lại giới thiệu hai chiếc xe Nhật giá mỗi chiếc 650.000 đồng. Một nhân viên nói: “Nhìn tăm chì là biết xe đúng của Nhật. Nguyên bộ của Nhật đây”. Nói xong, anh đạp biểu diễn thì xe bị… trật cóc. Anh nhân viên nhìn chúng tôi, cười trừ rồi giải thích vài lý do. Thử không thành công chiếc đầu tiên, đến chiếc thứ hai lại được báo mất dây số.

Tùy mức độ được làm mới mà xe cũ có thể cao đến hơn 1 triệu đồng.  Mỗi nơi hô giá mỗi kiểu, nhưng thường dao động từ 600 - 750.000 đồng đối với chiếc tạm được. Trước đây, nhiều người cho xe đạp cũ không tiếc của bởi để cũng chẳng làm gì mà chỉ thêm choán chỗ, bám bụi. Giải thích về việc xe cũ nhưng giá lại không hề rẻ, các chủ cửa hàng nói: “Chị thử nhìn chung quanh cái gì không tăng giá gấp đôi, gấp ba”.

Nghề tân trang xe đạp được mùa

Đúng là cái gì cũng tăng nên người ta lại lôi chiếc xe vốn dĩ cũ kỹ của mình ra lau chùi, sửa sang. Anh Tuấn, một thợ sửa xe (Hòa Minh, Liên Chiểu) nói: “Lâu nay không nhận sửa xe đạp vì làm tốn thời gian mà ít tiền. Thay một lốp sau xe đạp phải mở 12 con ốc, trong khi đó với xe máy chỉ mở 3 con. Làm kỳ công hơn nhưng không thể lấy nhiều tiền”. Tuy nhiên, trước thực tế người dân trong xóm “tích cực” dùng xe đạp, mấy anh thợ sửa xe cũng không chê cơ hội làm thêm kiếm sống.

Với những chiếc xe cũ đến mức đủ bán sắt vụn, người ta cũng cố tận dụng được phần nào hay phần nấy. Ngồi trên lề đường Trần Cao Vân miệt mài chà bỏ lớp sơn của sườn xe giữa la liệt bánh, vành, cổ, giỏ… người đàn ông tên Hùng cho biết, ông đang làm lại để bán. Những chiếc xe cũ được mua dưới dạng phế liệu, trên dưới 100.000 đồng. Làm cho ra hình ra dạng chiếc xe có thể bán 400.000 đồng hoặc cao hơn là 700.000 đồng. 

“Nhiều học sinh đâu có vài triệu mua xe mới nên vẫn chọn xe cũ. Hơn nữa, xe đạp muôn đời vẫn có giá. Bên Tây còn đi nữa là mình”, ông Hùng nói. Ông còn cho biết: “Gần đây không chỉ những người mua xe cho con đi học mới hỏi, mà nhiều người khác cứ thấy tui dựng chiếc mô được là tấp vô coi”. Thời điểm này ông bán được gấp ba lần so với những ngày trước trong năm. Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện, vài thanh niên vẫn đứng săm soi phanh, cổ một chiếc xe vừa được tân trang.

Bài và ảnh: Toàn Vân

;
.
.
.
.
.