Sử dụng bút phấn, mỗi năm giáo viên tiết kiệm được 184,5 hộp phấn và 34 khối nước. Không sử dụng bút xóa, học sinh toàn trường tiết kiệm được 6 triệu đồng và hàng trăm giờ bỏ ra để tẩy xóa... Bí thư Chi bộ Trường THCS Lý Tự Trọng (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) Lại Thị Nguyệt Quế cho biết: Thực hành tiết kiệm ở trường không nói suông mà phải đạt được những kết quả cụ thể là thời giờ và tiền bạc.
Thầy trễ 1 phút là lấy của trò 40 phút
Cô Quế cho biết: “Học tập tấm gương của Bác, có nhiều điều để làm và Chi bộ đã đặt trọng tâm là sửa đổi lối làm việc và thực hành tiết kiệm”. Thực tế trước đây nhiều giáo viên của trường coi việc vào lớp sau tiếng trống báo bắt đầu tiết học chậm một vài phút hay cho học sinh nghỉ sớm trước khi hết tiết học là chuyện rất bình thường. Chuyện này được đưa ra mổ xẻ, phân tích trong sinh hoạt toàn thể cán bộ, giáo viên để thấy rằng: Việc giáo viên vào lớp trễ 1 phút có nghĩa là thầy, cô đã lấy của 40 học sinh 40 phút.
Trong khi đó khi vào tiết học, thầy cô thường phải mất một vài phút để ổn định lớp học. Cho học sinh nghỉ sớm 1 phút, tức là làm mất đi một khoảng thời gian củng cố kiến thức cho học sinh về bài học vừa giảng, hay mất đi một phần thời gian hướng dẫn bài học, bài tập về nhà. Đây là biểu hiện của tác phong làm việc bê trễ, thiếu nền nếp và tuân thủ kỷ luật lao động. Tác hại là làm giảm uy tín của mình trước học sinh. Triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chi bộ và Ban giám hiệu nhà trường quyết tâm xốc lại kỷ cương, kỷ luật đứng lớp của cán bộ, giáo viên toàn trường.
Mỗi đảng viên của Chi bộ phải gương mẫu thực hiện trước và góp ý xây dựng tập thể cùng thực hiện. Công đoàn trường đưa vào quy chế chấm xét các danh hiệu thi đua đối với việc chấp hành quy chế giờ lên lớp và sử dụng hết thời gian mỗi tiết học của thầy cô. Qua đó đã chấn chỉnh được tình trạng vào tiết học trễ, cho học sinh nghỉ trước khi trống báo hết tiết. Việc sử dụng thời gian hiệu quả cũng tác động đến nâng chất lượng giảng dạy của các thầy, cô giáo.
Thầy và trò cùng tiết kiệm
Các thầy, cô giáo của Trường THCS Lý Tự Trọng đều đã quen sử dụng một loại bút phấn để thực hiện tiết kiệm. Đây là loại dụng cụ kẹp viên phấn có bán nhiều trên thị trường. Trước đây khi viết trên bảng, giáo viên thường chỉ viết hết 4/5 viên phấn là bỏ vì khó cầm mẩu còn lại. Dùng bút phấn, viên phấn được dùng gần hết cả phần bỏ đi như khi dùng tay cầm phấn trực tiếp. Theo cô Quế, dùng bút phấn, bụi phấn không dính vào tay, số lần rửa tay của giáo viên ít hơn nên tiết kiệm được cả lượng nước máy dùng trong trường học.
Có thể tính cụ thể, mỗi năm 73 thầy cô giáo tiết kiệm được 184,5 hộp phấn và 34 khối nước. Phong trào tiết kiệm được phát động đến cả học sinh toàn trường. Giáo dục ý thức tiết kiệm cho học sinh được đưa vào nội dung sinh hoạt thứ hai đầu tuần. Từ nhận thức việc dùng bút xóa sẽ dẫn đến mất thời gian để xóa rồi viết lại thay vì gạch chéo bỏ rồi viết lại nhanh hơn, học sinh toàn trường đã hưởng ứng việc kêu gọi không sử dụng bút xóa.
Mỗi năm cha mẹ học sinh không lãng phí hàng triệu đồng để mua bút xóa và các em tiết kiệm được thời gian để dành cho học tập. Từ việc tuyên truyền vận động cả thầy và trò thực hiện tiết kiệm bằng cách rèn luyện thói quen ra khỏi phòng là tắt điện cũng giảm gần một nửa thời gian sử dụng điện trước đây và tiết kiệm mỗi tháng 1 triệu đồng.
Các em học sinh cũng ý thức không viết vẽ bậy lên bàn ghế, lên tường, giúp nhà trường không tốn tiền bạc, thời gian để làm sạch. Tiết kiệm được cả về thời gian và tiền bạc đã cổ động cho thầy và trò Trường THCS Lý Tự Trọng trong dạy và học xem đây như một thói quen văn hóa trường học.
ĐOÀN SƠN