.

Xin chào những người bạn quý

Những ngày này, ở cả Việt Nam và Nhật Bản đang có nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 35 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Trong không khí ấy, Đà Nẵng rất vui mừng đón chào những người bạn quý đến từ đất nước hoa Anh Đào.

Ông Ishikawa Bunyo, phóng viên ảnh lão thành Nhật, thời trai trẻ ông từng lăn lộn nhiều năm ở miền Nam, lúc cuộc chiến khốc liệt. Không chỉ chụp ảnh Sài Gòn và các vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát từ mọi góc độ, không chỉ chụp cảnh các chiến trường nóng bỏng khi được phép đi theo các cuộc hành quân, ông còn tìm cách “bí mật” lọt vào vùng giải phóng và ghi vào ống kính những bức ảnh vô giá.

Ông được xem như là một phóng viên “thân Cộng”. Cuốn sách ảnh đồ sộ “chiến tranh giải phóng” tập hợp những tác phẩm tiêu biểu của ông là một sưu tập tư liệu chân thực cho tất cả những ai muốn tìm hiểu cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam và cho chúng ta tự hiểu thêm về mình. Năm nay tròn 70 tuổi, ông đến với Đà Nẵng trên Tàu Hòa Bình, cùng với 750 du khách. Trong đó, có 104 người là những nạn nhân sống sót sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki cách đây 63 năm.

Ông cùng với các nạn nhân bom nguyên tử và du khách Nhật sẽ có những hoạt động hữu nghị và giao lưu văn hóa chào mừng kỷ niệm 35 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. Tàu Hòa Bình Nhật Bản thành lập năm 1983 là một tổ chức phi chính phủ với hoạt động chính là tổ chức các chuyến du lịch bằng tàu biển ghé các cảng của nhiều nước trên thế giới, kêu gọi phấn đấu cho một thế giới hòa bình. Đến nay, tàu đã có 63 chuyến đi, trong đó có 39 chuyến đến Việt Nam (Đà Nẵng đã đón 29 chuyến).

Với mỗi điểm đến, các thành viên Tàu Hòa Bình thường tham quan các di tích danh thắng, tiến hành các hoạt động từ thiện xã hội, tìm hiểu giao lưu văn hóa với nhân dân, nhất là thanh niên vùng đó. Đến Đà Nẵng các bạn thường chia thành các nhóm đi thăm Hội An, Mỹ Sơn, Huế, địa đạo Vĩnh Mốc và khu phi quân sự, một số bản của đồng bào các dân tộc, các làng quê tiêu biểu.

Các thành viên Tàu Hòa Bình rất quan tâm đến các nạn nhân chất độc da cam, có nhiều chia sẻ thông cảm. Các bạn đã quyên góp được hơn 12.000 đô-la Mỹ (sẽ trao tặng cho Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng trong chuyến đi này). Trong các chuyến ghé thăm trước đây, các bạn Tàu Hòa Bình đã cùng với nhân dân và thanh niên Đà Nẵng tham gia cuộc đi bộ và ký tên ủng hộ cuộc đấu tranh vì công lý của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kiện các Công ty hóa chất Mỹ. Các bạn cũng cùng với tổ chức toàn cầu ngăn chặn xung đột vũ trang (GPPAC) và Liên hiệp Hữu nghị chủ trì Hội thảo di họa chiến tranh, chất độc da cam (15-6-2007), có sự tham gia của 25 đại biểu đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Lần này đến với Đà Nẵng có những Hibakusha nạn nhân bom nguyên tử. Đây là những người phần lớn tuổi đã cao, chuyến đi này với nhiều người có thể là chuyến đi cuối cùng của đời mình. Là những nạn nhân của chiến tranh, của vũ khí hạt nhân, các bạn rất thông cảm với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Cùng mang trong mình những di họa vô cùng độc hại và không thể nào phục hồi bình thường được, các bạn và các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sẽ sát cánh kết nối cùng nhau lên tiếng vì một thế giới hòa bình không có vũ khí hạt nhân, không có vũ khí hóa học.

Chắc chắn sự chia sẻ, thông cảm của các bạn với các nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng Việt Nam sẽ theo cùng các bạn trong chuyến đi tới 20 nước trên thế giới và làm cho tiếng nói của các bạn về khát vọng hòa bình về một trái đất không có xung đột vũ trang sẽ càng tha thiết, mạnh mẽ hơn. Xin nhiệt liệt chào mừng Tàu Hòa Bình, chào mừng các bạn quý đến với Đà Nẵng. Xin chúc các bạn luôn thành công trong sứ mệnh vì hòa bình và hữu nghị.

NGUYỄN ĐÌNH AN
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị,
Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nhật thành phố Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.