.
Khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII:

Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát

.

Sáng nay 16-10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự khai mạc kỳ họp có: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm.

Kỳ họp quyết định nhiều vấn đề quan trọng

Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII tiến hành vào thời điểm chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2008, năm mà nền kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Song, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của các ngành, các cấp, các địa phương, các doanh nghiệp; sự tập trung chỉ đạo, điều hành năng động, quyết liệt của Chính phủ, những tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới vào nước ta đã và đang từng bước được hạn chế, nền kinh tế nước ta đã có những chuyển biến đáng khích lệ.

Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp.


Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương đồng bào, chiến sĩ cả nước, các cấp, các ngành trong thời gian qua đã nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2006-2010, tạo tiền đề cho sự phát triển của năm 2009 và những năm tiếp theo.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII là kỳ họp cuối năm với nhiều nội dung rất quan trọng, đặc biệt là việc quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009. Thảo luận và thông qua 8 dự án luật, cho ý kiến về 6 dự án luật. Nghe báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri, kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Xem xét Đề án và thảo luận, thông qua Nghị quyết về thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và việc nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, phát huy trí tuệ, dân chủ thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng, góp phần quan trọng để kỳ họp thành công tốt đẹp.

Nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng khá

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và nhiệm vụ năm 2009 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại kỳ họp nêu rõ: Năm 2008, việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đạt được kết quả bước đầu quan trọng; nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng khá trong điều kiện lạm phát cao: Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt khoảng 6,5 - 7%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,5 - 3,9%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,3 - 7,5%, dịch vụ tăng 7,2 - 7,8%; GDP bình quân đầu người đạt trên 1.000 USD.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế, yếu kém là: Lạm phát cao, nhập siêu lớn, cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc; Hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế khó đạt chỉ tiêu đề ra; Đời sống nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp, người nghèo và đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn; Việc giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc còn chậm, kết quả còn hạn chế; kết quả phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn thấp; An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn vẫn còn phức tạp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các ĐBQH.

Qua thực tiễn điều hành, báo cáo của Chính phủ đã rút ra 5 bài học thiết thực. Đó là, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn thể nhân dân trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng hợp lý, bền vững. Phải đặc biệt coi trọng chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế trong quá trình phát triển. Phải kiên trì và nhất quán thực hiện cơ chế kinh tế thị trường, đồng thời coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước. Phải quan tâm, tổ chức tốt công tác dự báo và phân tích kinh tế; Phải căn cứ tình hình thực tế của đất nước mà xác định nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức hành động với trách nhiệm cao nhất.

Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát

Báo cáo của Thủ tướng nêu rõ: Mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế, xã hội của năm 2009 cần được xác định là: tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, chủ động hạn chế tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chăm lo tốt hơn an sinh xã hội; duy trì tăng trưởng hợp lý, bền vững; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu tổng quát trên đây, Thủ tướng nhấn mạnh phải tập trung làm tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau: Thực hiện có hiệu quả các chính sách về tiền tệ, tài khóa, đầu tư, xuất nhập khẩu, tăng cường mức độ an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng; đưa lạm phát năm 2009 xuống dưới 15% và xuống một con số vào năm 2010. Thực hiện tốt các chính sách hiện có và ban hành các chính sách mới phù hợp nhằm bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Tiếp tục phát triển vững chắc các lĩnh vực văn hóa, xã hội và môi trường. Phát huy mọi tiềm năng của đất nước, tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 7%, trên cơ sở tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển nhanh khu vực dân doanh, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, thu hút mạnh và nâng cao chất lượng của đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt coi trọng tính bền vững và chất lượng tăng trưởng trên cơ sở nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch và hiệu quả đầu tư, áp dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng trong sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế. Tập trung cao hơn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Tập trung khắc phục những "điểm nghẽn" trong tăng trưởng, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, thu hút đầu tư; trong đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đây là sức cạnh tranh cơ bản nhất, là yêu cầu bất biến trong thế giới toàn cầu hóa và biến đổi không ngừng. 

Theo TTXVN, Cổng TTĐT Chính phủ

;
.
.
.
.
.