.

Môi trường, nông nghiệp và an ninh…

Một lão nông ở Điện Bàn (Quảng Nam) đưa chúng tôi đến xem những trại chăn nuôi xây dựng sát khu dân cư, gây ô nhiễm cả không khí lẫn mạch nước ngầm ở nơi ông sống. Còn ở làng bên, ông nói mặc dù cái sân golf ấy mới xây dựng, nhưng về lâu dài, để trồng cả trăm hecta cỏ, người ta sẽ trút xuống đất bao nhiêu là phân hóa học, thuốc trừ sâu mỗi năm...

Cuối cùng thì ông kết luận: “Cái sướng, cái khổ của chúng tôi, không chỉ là chuyện thu nhập cao thấp mà là chuyện nay mai phải lãnh đủ các loại chất độc gây ô nhiễm. Nước uống không còn sạch, sản lượng chăn nuôi, trồng trọt giảm...”.

Lời ta thán của lão nông này nhắc tôi nhớ lại vấn nạn ô nhiễm môi trường ở nhiều vùng nông thôn khác. “Môi trường đồng bằng sông Cửu Long đang suy thoái ngày càng nghiêm trọng. Nếu không có những hành động cấp bách và những giải pháp hữu hiệu từ chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng thì trong tương lai không xa, cái nôi của vựa lúa, vựa trái cây, hải sản, thủy sản… của cả nước sẽ bị trả giá!”. Đó là những nhận định được đưa ra từ Hội thảo khoa học: "Bảo vệ môi trường đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình CNH, HĐH” do Tạp chí Cộng sản, UBND thành phố Cần Thơ và Viện Khoa học và Công nghệ miền Nam phối hợp tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 30-9 vừa qua. Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường Tây Nam Bộ, năm 2007, toàn khu vực đồng bằng này có 151 khu công nghiệp (CN) và cụm CN, tuy giải quyết hàng chục ngàn việc làm nhưng không quan tâm đến môi trường, nhiều cơ sở xả thẳng nước thải xuống các dòng chảy. Mỗi năm, lượng chất thải rắn CN bị thải ra trên 222 ngàn tấn, chất thải nuôi trồng thủy sản 456 triệu m3/năm, chất thải CN nguy hại trên 2.400 tấn và nước thải sinh hoạt trên 102 triệu m3/năm…

Trong trồng trọt, lượng phân bón hóa học sử dụng trên 2 triệu tấn và trên 500.000 tấn thuốc trừ sâu (trên 1.100 chủng loại) mỗi năm, chất thải CN nguy hại cũng khoảng trên 2.400 tấn mỗi năm và nước thải sinh hoạt trên 102 triệu m3/năm… Các sông Tiền, Vĩnh Tế, Trà Sư (An Giang), sông Hậu, Cổ Chiên (Vĩnh Long), Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Cần Giuộc (Long An), Phụng Hiệp (Hậu Giang), Khánh Hội, Bảy Háp, Sông Đốc (Cà Mau) đều được ghi nhận là đang ô nhiễm nặng.

Ngoài khu vực đồng bằng sông Cửu Long, còn có chuyện hai nhà máy sản xuất bột ngọt Vedan và Miwon cố tình đổ chất thải độc ra các sông Đồng Nai, Thị Vải và sông Hồng đang là vấn đề nóng lên gần đây. Được biết vào năm 1997, PGS-TS Đoàn Cảnh, nguyên cán bộ Phân viện sinh thái Tài nguyên và Môi trường (nay là Viện Sinh học nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh) cùng với 22 nhà khoa học khác đã tiến hành điều tra ô nhiễm môi trường sông Thị Vải do các công trình CN lân cận gây ra. Sau cuộc điều tra, ông Cảnh hoàn thành báo cáo khoa học dày hơn 100 trang, đánh giá mức độ ô nhiễm sông Thị Vải là rất nghiêm trọng. Sau khi Vedan bị phát hiện, chỉ riêng khu vực cánh đồng Cây Gõ bên sông Thị Vải (chỉ dài 1 km) đã có đến 50 hộ nông dân bị thiệt hại do nước thải của Vedan. Vậy thì suốt chiều dài 15 km trên sông Thị Vải và hàng chục cây số khác dọc lưu vực Thị Vải và sông Đồng Nai sẽ còn bao nhiêu gia đình nữa chịu thiệt hại suốt hơn chục năm qua? Trên sông Hồng và khu vực Phú Thọ, nơi nhà máy Miwon tọa lạc, theo số liệu điều tra mới nhất của các cơ quan chức năng, mức độ ô nhiễm chất thải hữu cơ và các loại chất thải khác cũng đã lan rộng và ở mức độ tăng cao gấp từ 2,2 đến trên 5 lần mức cho phép.

Tại Quảng Nam và Đà Nẵng, ô nhiễm nguồn nước do khai thác vàng ở các đầu nguồn sông, đặc biệt ở khu vực mỏ vàng Bông Miêu (Quảng Nam) và khu CN Hòa Khánh (Đà Nẵng) trong nhiều năm qua cũng để lại những tác hại vô kể cho hàng ngàn gia đình nông dân mà báo chí đã từng lên tiếng phản ảnh.

Chất lượng cuộc sống của người nông dân đang là hậu quả của tình trạng môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm do phát triển CN thiếu quy hoạch và thực hiện luật pháp về môi trường không nghiêm túc, minh bạch. Nhưng tệ hại không kém đó là chất lượng sản phẩm của người nông dân trên thị trường cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Dư lượng các chất độc hại trong môi trường chắc chắn sẽ tồn tại trong các sản phẩm. Nước ta đang có những thành tựu vượt bậc trong sản xuất và xuất khẩu nông-thủy sản, đang trở thành đối thủ cạnh tranh trên nhiều thị trường quốc tế, mỗi năm đem về hàng tỷ USD hàng nông-hải sản xuất khẩu, góp phần cải thiện cuộc sống của hàng triệu nông dân và gia đình họ. Tình trạng ô nhiễm môi trường tràn lan và ở những mức độ nguy hiểm khác nhau, nếu không được ngăn chặn một cách kiên quyết, liệu sẽ tác động đến những thành tựu sản xuất và xuất khẩu trên đây ra sao? Đó là một câu hỏi rất sát sườn cần giải quyết một cách cấp bách.

Ở Thái Lan, do không ngăn chặn được các độc tố và vi khuẩn trong một số hàng rau quả, từ năm 2001 đến nay, nước này đã mất đi một thị phần quan trọng (theo Bangkok Post đưa tin là khoảng 40%) trong xuất khẩu các mặt hàng này vào thị trường EU; đặc biệt họ đang bị cạnh tranh mạnh mẽ từ các đồng nghiệp của Việt Nam. Nếu nông nghiệp Việt Nam, với 70% nông dân, rơi vào tình cảnh như rau quả Thái Lan, liệu nền kinh tế sẽ trở nên khó khăn như thế nào và tốc độ giảm nghèo (để nâng GDP bình quân lên) có còn mang lại thành quả như thời gian qua?

Suy cho cùng, những vi phạm pháp luật trong bảo vệ môi trường hiện nay nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ kéo theo những hệ lụy mang ý nghĩa an ninh quốc gia là không tránh khỏi.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.