.

Ngư dân né bảo hiểm y tế

.

Đi biển là một nghề có độ rủi ro cao. Do đó, để bảo đảm quyền lợi, hầu hết ngư dân đều mua bảo hiểm tính mạng và tài sản của mình trước khi ra khơi như: Bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm lao động thuyền viên. Tuy nhiên, bảo hiểm y tế (BHYT) lại ít được ngư dân “mặn mà”. Tại sao họ “né” BHYT? Chúng tôi đã tiếp xúc với rất nhiều người để tìm hiểu nguyên nhân. 

Một người dân quận Sơn Trà đang khám bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Làm nghề biển hay mắc phải những căn bệnh như: đau lưng, đau cột sống, dạ dày ở đàn ông; bệnh phụ khoa, ngoài da ở phụ nữ... Điều này đòi hỏi mỗi ngư dân cần có thẻ BHYT để giảm chi phí khi đến các trung tâm y tế, bệnh viện khám và chữa bệnh. Tuy nhiên, ghi nhận của chúng tôi trong lần đi thực tế vào đầu tháng 10 tại các phường có đông ngư dân sinh sống như Thọ Quang, Mân Thái, An Hải Tây, Nại Hiên Đông... (quận Sơn Trà), Xuân Hà, Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê), Hòa Minh, Hòa Hiệp Bắc... (quận Liên Chiểu) thì được biết, phần lớn ngư dân không tham gia hay không có điều kiện để tham gia BHYT. 

Anh Lê Lu, tổ trưởng tổ dân phố 33, phường Nại Hiên Đông cho biết: “Ở tổ này có gần 100 hộ ngư dân sinh sống nhưng số người tham gia BHYT đếm chưa đầy 10 ngón tay, dù trong đó đã có mấy hộ là gia đình chính sách được chính quyền cấp miễn phí bảo hiểm rồi. Bà con ở đây còn khó khăn quá, mà một thẻ BHYT giá đến 320 ngàn đồng. Tính ra, mỗi gia đình mọi người cùng mua hết BHYT thì phải mất 2 triệu chứ ít chi, mà ngư dân ai cũng đông con.


Trước đây, phường có gửi về để tôi bán giúp cho bà con, nhưng vận động mãi cũng không ai mua nên phải trả lại... Ông Nguyễn Đăng Vinh, tổ trưởng tổ 35 nói: Ngoài những gia đình thuộc diện nghèo, hộ chính sách được chính quyền cấp thẻ bảo hiểm miễn phí, học sinh mua BHYT tại trường, còn ngư dân ít ai tự nguyện mua BHYT cho gia đình, dù biết có lợi cho mình... Theo thống kê của cán bộ phụ trách y tế phường Thọ Quang, nơi có số ngư dân sinh sống đông, 9 tháng đầu năm 2008, chưa đầy 800 người đăng ký mua BHYT. Tại phường An Hải Tây, con số đó còn ít hơn.
 
Tuy nhiên, nếu tính riêng ngư dân, số lượng có lẽ chỉ chiếm từ 20 đến 25%  tổng số người mua. Qua tìm hiểu cho thấy, số ngư dân tham gia BHYT chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với những người lao động khác. Điều này nói lên ngư dân còn nhiều khó khăn, ít có điều kiện tham gia BHYT, ngoại trừ những hộ khá giả thường mua BHYT cho gia đình, nhưng con số này không nhiều.

Theo bác Nguyễn Văn Tài, tổ trưởng tổ 20, phường Mân Thái: Trước đây, khi BHYT giá còn thấp, ngư dân tham gia nhiều hơn bây giờ. Từ khi BHYT lên 320 ngàn đồng/thẻ, ngư dân e dè khiến số lượng tham gia ngày càng thấp. Anh Nguyễn Văn Bình và chị Huỳnh Thị Huệ, trú tổ 36, phường An Hải Tây cho biết: Ngư dân như chúng tôi bỏ ra một lần cả triệu bạc mua thẻ BHYT cho gia đình là cả một vấn đề rất lớn. Làm nghề biển đã có bảo hiểm tai nạn do chủ tàu mua rồi... Tiền đâu mà mua bảo hiểm cho cả gia đình.

Việc mua BHYT không khó khăn như những năm trước, nhưng như chị Nguyễn Thị Dữ, trú tổ 33, phường Nại Hiên Đông tâm sự: Trước đây mua BHYT không dễ, vì đòi hỏi cả nhà đều mua. Nhưng lúc đó giá thấp, gia đình chúng tôi sẵn sàng mua nhiều năm liền. Bây giờ thì đơn giản, cứ ai muốn mua thì đến đăng ký. Tuy nhiên, mỗi thẻ bây giờ hơn 300 ngàn, gia đình tôi đành thôi...

Hầu hết ngư dân đều chủ quan với sức khỏe của mình. Tuy nhiên, bệnh tật không tha ai. Khi xu thế mà mọi người, mọi gia đình đang tìm đến với BHYT để phòng khi ốm đau bất chợt thì ngư dân lại ít mặn mà. Ngoài sự khó khăn về tiền bạc, sự chủ quan và chưa hiểu lợi ích của BHYT là một trong những nguyên nhân khiến ngư dân vẫn còn “né” loại hình BHYT tự nguyện này.

Thiết nghĩ, nên chăng Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, các ngành, đoàn thể tích cực vận động để ngư dân thay đổi nhận thức, mua BHYT một cách tự nguyện vì lợi ích của chính bản thân họ.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.