.

Cử tri hỏi, UBND thành phố trả lời

L.T.S: Sau kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố khóa VII, các vị đại biểu HĐND thành phố đã tiếp xúc cử tri tại các đơn vị bầu cử. Qua đợt tiếp xúc, UBND thành phố đã tổng hợp, rà soát tình hình thực tế và đã trả lời về những vấn đề mà cử tri của các quận, huyện phản ánh. Báo Đà Nẵng xin trích đăng ý kiến trả lời cử tri của UBND thành phố Đà Nẵng.

Về kinh tế, thủy sản-nông-lâm

* Đề nghị thành phố có biện pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng ở khu vực rừng Nam Hải Vân (cử tri phường Tân Chính).

Trả lời:

Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt ở khu rừng đặc dụng Nam Hải Vân, UBND thành phố đã triển khai nhiều biện pháp như:

- Thành lập Trạm kiểm soát lâm sản tạm thời khu vực Suối Ty với các lực lượng như Biên phòng, Chi cục Kiểm lâm, chính quyền địa phương để ngăn chặn việc vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép (Quyết định số 8058/QĐ-UBND ngày 1-10-2008).

- Giao UBND quận Liên Chiểu chủ trì, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tổ chức kiểm tra, rà soát hoạt động sản xuất kinh doanh các xưởng cưa trên địa bàn quận Liên Chiểu; trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì yêu cầu Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng ngừng cung cấp điện, đồng thời lập thủ tục thu hồi Giấy phép kinh doanh (đến nay đã ngừng cung cấp điện 12/167 cơ sở trên địa bàn thành phố).

- Giao Chi cục Kiểm lâm cử lực lượng tổ chức chốt chặn ở khu vực ga Hải Vân và tổ chức nhiều đợt truy quét; áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp khai thác rừng trái phép.

- Bổ sung kế hoạch vốn năm 2008 cho ngành nông nghiệp (1 tỷ đồng) để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các BQL dự án 661 làm cơ sở tiến hành ký Hợp đồng quản lý, bảo vệ rừng với các hộ dân.

* Ngoài lĩnh vực du lịch, đề nghị thành phố cần chú trọng đến việc khai thác, chế biến thủy sản, đẩy mạnh ngành cơ khí và đào tạo nghề, xuất khẩu lao động... để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của thành phố (cử tri phường Bình Thuận).

Trả lời:

Trong thời gian qua, thành phố đã ban hành một số chính sách, chương trình phát triển ngành thủy sản, nhằm nâng cao việc khai thác, cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản như:

- Chương trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp, nông thôn; xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển của khu vực (Quyết định số 133/2004/QĐ-UB ngày 4-8-2004).

- Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (Quyết định số 8329/QĐ-UBND ngày 19-10-2007).
- Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy Đà Nẵng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 9763/QĐ-UBND ngày 10-12-2007).

Thời gian đến, UBND thành phố sẽ ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết TW 7 về chính sách nông nghiệp - nông dân - nông thôn (Kế hoạch sẽ ban hành sau khi Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TW 7).

Để triển khai các chương trình, chính sách trên, UBND thành phố đã:

+ Bố trí kinh phí phí sự nghiệp hằng năm để hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản như: bảo quản sản phẩm sau khai thác; chuyển đổi nghề khai thác; hỗ trợ lãi suất vay vốn để đóng mới, nâng cấp tàu, thuyền; năm 2008 hỗ trợ dầu, hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu, hỗ trợ mua bảo hiểm thuyền viên…

+ Tổ chức đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; tăng cường công tác giáo dục pháp luật về Luật biển cho ngư dân…
+ Bố trí kinh phí để UBND quận Thanh Khê xây dựng 1 Trung tâm đào tạo nghề ở quận Thanh Khê, trong đó có đào tạo lao động nghề cá.
+ Hỗ trợ máy thông tin liên lạc tầm xa để giúp ngư dân vươn khơi khai thác, hạn chế khai thác ven bờ nhằm tránh cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
+ Xây dựng một cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá ở phường Thọ Quang với một số công trình như: Khu trú bão cho tàu, thuyền với công suất 1.500 tàu; xây dựng chợ cá với quy mô đầu tư 7 tỷ đồng; xây dựng hạ tầng khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang với quy mô 6 ha; đang triển khai đầu tư chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang với quy mô 45 tỷ đồng; quy hoạch làng nghề nước mắm Trường Định với quy mô 12 ha.

Về vấn đề dạy nghề: Các năm gần đây cơ cấu đào tạo nghề để phục vụ phát triển các nghề cơ khí, chế biến ở thành phố đã có sự chuyển đổi cả về số lượng, chất lượng, cấp trình độ nghề. Năm 2008 này, thành phố đã dạy nghề chế biến thủy sản cho 3.030 lao động ở các cấp trình độ (năm 2007: 2.500 lao động),  nghề cơ khí gần 2.000 lao động (năm 2007: 970 lao động).

Quy hoạch trong thời gian đến, dạy nghề trong ngành này đáp ứng yêu cầu, kỹ năng sử dụng công nghệ, thiết bị xử lý, phân loại và bảo quản nguyên liệu; công nghệ cao. Nghề cơ khí đáp ứng vận hành các máy tự động, ứng dụng phần mềm chuyên dùng trong lắp ráp các linh kiện, sản xuất xe máy, ô-tô, đóng tàu, máy vi tính, trong chế biến nông, hải sản, thực phẩm, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng cơ kim khí.

Xuất khẩu lao động chưa là thế mạnh của Đà Nẵng, cần phải chú trọng đẩy mạnh như ý kiến cử tri là đúng. Thời gian đến, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác đào tạo người lao động Đà Nẵng có tay nghề cao để xuất khẩu lao động sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ...; xây dựng đề án xuất khẩu lao động thành phố Đà Nẵng, gắn chính sách và cơ chế giữa đào tạo tay nghề cao - xuất khẩu - giải quyết việc làm khi về lại địa phương.

;
.
.
.
.
.